Bàn giải pháp giảm tử vong do Covid-19
Việt Nam hiện có mức tử vong do Covid-19 cao nhất khu vực ASEAN; số người tử vong có độ tuổi từ 50 trở lên chiếm hơn 84%... Do vậy, các địa phương cần tập trung đánh giá nguy cơ, phân loại người bệnh; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để kịp thời điều trị cho người bệnh, kéo giảm tỷ lệ tử vong.
Sáng 29/12, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo khoa học “thực trạng, nguyên nhân và giải pháp giảm tử vong do Covid-19”. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá, phân tích sâu về nguyên nhân người nhiễm Covid-19 tử vong, từ đó đề xuất, khuyến nghị những giải pháp phù hợp nhằm kéo giảm tỷ lệ tử vong.
Hiện nay, cả nước đang bước sang giai đoạn mới theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, nhưng các cơ sở y tế sẽ tiếp tục đối mặt với sự gia tăng người bệnh, trong đó có khá nhiều người bệnh có mức độ nặng.
PGS,TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, tỷ lệ bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng vẫn chiếm cao nhất, với 85,7% tổng số ca mắc Covid-19 đang điều trị, số còn lại ở mức trung bình chiếm 8,3% và số ca bệnh nặng là 6% (với 7.464 trường hợp).
Qua phân tích số ca bệnh tử vong cho thấy, người trên 65 tuổi chiếm 47,67%, người từ 50-56 tuổi là 36,58%; người từ 18-49 là 15,34% và nhóm từ 0-17 tuổi là 0,42%. Con số trên cho thấy, tổng số ca tử vong từ 50 tuổi trở lên chiếm đến 84%, vì vậy việc triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ này là rất cần thiết.
Thống kê cho thấy, 10 địa phương có số tử vong cao nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp và Kiên Giang.
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, để công tác điều trị Covid-19 tốt hơn, cần rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến. Cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; bảo đảm ô-xy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3.
Tiếp tục đầu tư nguồn lực để mở rộng, tăng cường năng lực hồi sức tích cực. Huy động các cơ sở y tế của nhà nước và tư nhân tham gia điều trị Covid-19 và thực hiện mục tiêu kép: vừa triển khai khám chữa bệnh thông thường, vừa tham gia điều trị, hồi sức tích cực Covid-19.
Các đơn vị thực hiện đầy đủ việc “Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị” theo quyết định đã ban hành ngay từ trạm y tế, tổ Covid-19 cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị.
Trạm y tế cần lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân loại theo các nhóm nguy cơ để quản lý. Các cơ sở thu dung, điều trị cần phân loại nguy cơ người bệnh Covid-19 ngay từ khi nhập viện; đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng người bệnh vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho việc theo dõi chăm sóc, điều trị và xử trí.
Cập nhật và áp dụng các hướng dẫn điều trị. Tăng cường theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng. Tuyệt đối tránh tình trạng chuyển tầng khi đã quá muộn.
Củng cố hệ thống cấp cứu, vận chuyển kịp thời người bệnh từ cộng đồng đến bệnh viện và giữa các bệnh viện. Rà soát lại công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường bề mặt; tăng cường thông khí của toàn bộ các buồng bệnh, khu điều trị người bệnh Covid-19.
Tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, “Thầy thuốc đồng hành”, những người có tâm huyết, người bệnh Covid-19 đã bình phục, lực lượng y tế tư nhân, người về hưu… cùng tham gia vào tư vấn, điều trị, chăm sóc, quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/ban-giai-phap-giam-tu-vong-do-covid-19-680292/