Bàn giải pháp hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế sáng tạo Huế

Các chuyên gia đã đề xuất giải pháp để đánh giá những cơ hội, tiềm năng, thách thức cũng như mô hình thành phố (TP) sáng tạo đối với Huế nằm trong hệ thống TP sáng tạo của UNESCO.

Hình thành môi trường sáng tạo văn hóa

Ngày 22/9, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO và khả năng chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa ở Huế”.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng VICAS cho biết, ở Việt Nam hiện tại, Hà Nội là TP duy nhất đã chính thức tham gia mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế. Hà Nội đã và đang từng bước thực hiện các sáng kiến đã cam kết khi tham gia mạng lưới với 3 sáng kiến ở cấp địa phương.

“Chính phủ đã giao Bộ VH-TT&DL nhiệm vụ chủ động hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ ứng cử tham gia mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO theo thẩm quyền, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và hướng dẫn của UNESCO” - bà Phương chia sẻ.

Mạng lưới TP sáng tạo của UNESCO bao gồm 7 lĩnh vực sáng tạo: thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông, âm nhạc.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, với định hướng phát triển nhanh trên nền tảng kinh tế tri thức và phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, việc hình thành môi trường sáng tạo văn hóa là cơ hội để Huế phát triển bền vững trong xu thế hội nhập với quan điểm văn hóa là nền tảng với những giá trị đặc trưng của di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Về nhận diện để chọn mô hình sáng tạo cho Huế, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, đây thực sự đang là thách thức bởi có nhiều phương án để cân nhắc đối với Huế. Nhưng một điều phải định hướng là lĩnh vực được chọn sẽ đem lại lợi ích cao nhất, bao quát nhất cho các tầng lớp dân cư, những người mà ta hay gọi là chủ nhân của TP.

Ngoài ra, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, trong chiến lược bảo tồn và phát triển di sản ẩm thực Huế, mục tiêu trở thành “TP sáng tạo về ẩm thực của UNESCO” cùng với “Kinh đô ẩm thực Việt Nam” và “hệ thống di sản UNESCO” sẽ là 3 trụ cột chính, tạo nền tảng để phát huy tiềm năng và thế mạnh, một mặt “củng cố vị thế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước” và định vị giá trị ẩm thực Huế trên thế giới. Đồng thời đáp ứng nhiệm vụ khơi dậy tiềm năng công nghiệp văn hóa của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung trong quá trình phát triển và hội nhập.

Thúc đẩy liên kết khu vực để phát triển du lịch

Theo TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những năm qua, ngành du lịch địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác xúc tiến, liên kết quảng bá điểm đến hướng đến sự chuyên nghiệp, góp phần phát triển du lịch địa phương. Thực hiện hợp tác liên kết vùng phát triển du lịch với nhiều tỉnh/thành miền Trung và các tỉnh phía Bắc.

Trong đó, chương trình liên kết “Ba địa phương - Một điểm đến” với Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã tạo sợi dây liên kết, hỗ trợ nhau quảng bá các sản phẩm du lịch và cùng nhau xây dựng thương hiệu du lịch chung. Huế chọn các di sản, văn hóa và sản phẩm truyền thống làm Festival Huế. Đà Nẵng là cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế. Quảng Nam là Hành trình Di sản.

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng VICAS phát biểu tại hội thảo.

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng VICAS phát biểu tại hội thảo.

TS. Cung Trọng Cường cho rằng, việc thúc đẩy liên kết và phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên di sản của từng địa phương sẽ kéo dài thêm thời gian lưu trú và có nhiều điểm đến cho khách du lịch (du lịch văn hóa và ẩm thực ở Huế, du lịch di sản ở Hội An, du lịch công vụ ở Đà Nẵng). Việc liên kết dựa trên nền tảng công nghiệp văn hóa sẽ tạo ra nhiều không gian chung và thúc đẩy các thế mạnh riêng của từng địa phương để xây dựng chủ đề quảng bá, phục hồi và phát phát triển bền vững.

Việc liên kết du lịch miền Trung thông qua phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên lợi thế di sản địa phương là một trong những giải pháp đặc trưng mới, đặc biệt khi Thừa Thiên Huế đang trong quá trình trở TP phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời đây cũng là giải pháp cho lộ trình phát triển bền vững của ngành du lịch, liên kết để hỗ trợ, tăng năng lực cạnh tranh, đồng thời làm tăng sức mạnh cho ngành du lịch khu vực miền Trung.

Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu tập trung vào các vấn đề: kinh nghiệm của các TP tham gia vào mạng lưới TP sáng tạo của UNESCO tại Việt Nam và trên thế giới; những chuyển biến, thành quả đạt được sau khi các TP tham gia mạng lưới TP sáng tạo, cơ hội, tiềm năng, thách thức và giải pháp; cơ hội để lựa chọn cho Huế, điều kiện để TP Huế đáp ứng các tiêu chí này…

Anh Tuấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ban-giai-phap-ho-tro-phat-trien-cac-nganh-kinh-te-sang-tao-hue.html