Bàn giải pháp khơi dậy tiềm năng du lịch bền vững cho các xã vùng đệm rừng Cúc Phương
Ngày 4/1, Vườn quốc gia Cúc Phương tổ chức hội nghị chia sẻ kết quả 'Xác định các cộng đồng trên địa bàn xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) có tiềm năng thực hiện du lịch sinh thái và các đơn vị du lịch có thể làm đối tác'.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương; đại diện các phòng, ban, trung tâm, hạt - trạm kiểm lâm thuộc Vườn; Công ty TNHH tư vấn đầu tư và phát triển Xanh; Phòng văn hóa các huyện: Yên Thủy, Lạc Sơn (Hòa Bình), Thạch Thành (Thanh Hóa) và Nho Quan (Ninh Bình); đại diện các thôn, bản, các xã vùng đệm, giáp ranh với VQG Cúc Phương.
Trải qua quá trình gần 60 năm xây dựng và phát triển, VQG Cúc Phương là nơi có diện tích rừng giàu trên vùng núi đá vôi với nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm vào bậc nhất của cả nước.
Bên cạnh đó VQG Cúc Phương còn lưu giữ những di tích lịch sử và văn hóa của thời kỳ tiền sử ở động Người xưa, hang Con Moong, tạo cho Cúc Phương những giá trị to lớn về tự nhiên môi trường và lịch sử văn hóa.
Những năm qua, VQG Cúc Phương đã nỗ lực xây dựng và phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Mục đích của công tác này nhằm tạo sinh kế cho các cộng đồng địa phương đang sinh sống trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn; thu hút sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái của Vườn.
Điển hình của hoạt động này là mô hình du lịch cộng đồng tại xóm Khanh, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Xóm Khanh nằm trong vùng lõi của VQG Cúc Phương, cách đường Hồ Chí Minh khoảng 2km. Năm 2021, xóm có 31 hộ gia đình với 154 nhân khẩu, toàn bộ là người dân tộc Mường. Bản tọa lạc bên cạnh sông Bưởi, có hệ thống suối, thác nước tự nhiên và phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Không gian tụ cư của người dân xóm Khanh chủ yếu là những nếp nhà sàn truyền thống. Đời sống và sinh hoạt của bà con nơi đây vẫn còn giữ nguyên nét văn hóa, phong tục tập quán của người Mường. Những yếu tố này là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.
Thông qua tour du lịch "xuyên rừng - ngủ bản" do VQG Cúc Phương tổ chức, theo thống kê sơ bộ, trung bình trong 5 năm gần đây, mỗi năm xóm Khanh đón khoảng 500 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu và thưởng thức văn hóa. Trong đó, lượng khách quốc tế chiếm tỷ lệ khoảng 80%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường du lịch đang thay đổi từng ngày, cả về cách thức tiếp cận và chất lượng sản phẩm dịch vụ; trong khi đó, du lịch xóm Khanh còn chậm đổi mới, hiệu quả hoạt động có xu hướng giảm sút do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài ra, do đại dịch COVID-19 gây ra, du lịch cộng đồng xóm Khanh càng thêm khó khăn, đặc biệt là nguồn khách quốc tế.
Lễ ký kết giữa cộng đồng và các đơn vị du lịch.
Theo số liệu từ Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ (thuộc VQG Cúc Phương), từ năm 2020 đến hết năm 2021, xóm Khanh chỉ đón được dưới 20 đoàn, với khoảng dưới 100 lượt khách, chủ yếu là khách nội địa.
Trước thực trạng trên, đổi mới du lịch cộng đồng xóm Khanh theo hướng làm tăng chuỗi giá trị sản phẩm du lịch sinh thái của cộng đồng là nhu cầu mang tính cấp thiết không chỉ cho xóm Khanh mà còn là bài học kinh nghiệm cho các cộng đồng có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn xã Ân Nghĩa, nhằm tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Du lịch sinh thái là một loại hình du lịch vừa dựa vào những hình thức truyền thống vừa có sự hòa nhập với môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của du khách, không gây tổn hại đối với môi trường tự nhiên và nền văn hóa sở tại.
Được biết, đây là chương trình hỗ trợ tăng nguồn thu, hướng tới tài chính bền vững và tạo cơ hội việc làm từ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững (VFBC)" do Tổ chức quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.