Bàn giải pháp nâng cao năng lực tiếp nhận, quản lý và điều trị COVID-19

Ngày 1/8, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến nâng cao năng lực chuyên môn trong việc tiếp nhận, quản lý và điều trị COVID-19 ở cơ sở khám chữa bệnh. Hội nghị do Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì, diễn ra tại 700 điểm cầu trong toàn quốc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Ngành Y tế xác định tâm dịch của Đà Nẵng ở cụm 3 bệnh viện là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng. Tuy nhiên, phần lớn các ca bệnh đều có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, còn một số trường hợp liên quan đến cộng đồng, hiện đang tích cực truy vết nhưng chưa tìm được nguồn lây. Đà Nẵng trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm, nên việc truy tìm F0 rất khó khăn. Bộ Y tế đã cử những đoàn chuyên gia tinh nhuệ nhất, có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị, xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm vào “chia lửa” cho Đà Nẵng, đồng thời yêu cầu các bệnh viện cử liên tục cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh… đến tăng cường cho Đà Nẵng. Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đã thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương của bộ tại Đà Nẵng để phục vụ công tác chống dịch do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm tổng chỉ huy để kịp thời xử lý mọi tình huống trong phòng chống dịch COVID-19 ngay tại Đà Nẵng. Trong công tác điều trị, Bộ Y tế đã liên tục tổ chức 6 cuộc hội chẩn quốc gia trong 1 tuần với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực truyền nhiễm, tim mạch, hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, thận nhân tạo, có những cuộc hội chẩn kéo dài 5 tiếng đồng hồ để đưa ra phương pháp điều trị cho các bệnh nhân.

Theo thống kê, từ đầu tháng 7/2020, hơn 800.000 người đã từng đi đến Đà Nẵng, hơn 41.000 người đã đến 3 bệnh viện tại Đà Nẵng. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương lập danh sách, giám sát, theo dõi tất cả đối tượng này. Ngoài Đà Nẵng, Quảng Nam đang được nhận định nằm trong vùng có nguy cơ cao; bên cạnh đó, Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng là những địa phương có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19. Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm COVID-19, chỉ đạo hệ thống y tế đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng, không được để sót những người có liên quan đến COVID-19 tại Đà Nẵng. Bộ Y tế cũng đã thống nhất với BHXH Việt Nam cho phép thanh toán BHYT với các ca xét nghiệm tại bệnh viện để mở rộng hơn nữa công tác xét nghiệm. Quyền Bộ trưởng Y tế đề nghị các địa phương phải khẩn trương, chuẩn bị sẵn sàng kịch bản, làm sao phải điều tra, kiểm soát các trường hợp đi về từ Đà Nẵng hoặc những địa điểm theo thông báo của Bộ Y tế.

Tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó Trưởng tiểu ban Điều trị COVID-19 đã triển khai các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 hướng dẫn công tác thu dung, quản lý điều trị COVID-19. GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cập nhật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, điều trị bệnh nền, điều trị dinh dưỡng, hỗ trợ và điều trị tâm lý, tư vấn và hỗ trợ cho bệnh nhân. GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức tích cực và chống độc Việt Nam nêu một số kinh nghiệm đối với điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng. Ngoài ra, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh còn triển khai hướng dẫn các bệnh viện thực hiện bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện an toàn trong phòng chống COVID-19.

QUỐC HỘI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/242928/ban-giai-phap-nang-cao-nang-luc-tiep-nhan-quan-ly-va-dieu-tri-covid-19.html