Bàn giải pháp nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới
Ngày 21/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học 'Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới'. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng và Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ và Nghiên cứu Khoa học MTTQ Việt Nam Lê Mậu Nhiệm chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam; các nhà khoa học cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự phối hợp của Nhà nước cùng các tổ chức thành viên, MTTQ Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đã thực sự trở thành một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng, trong hơn 30 năm đổi mới, bên cạnh những kết quả đã đạt được, mô hình tổ chức bộ máy, cán bộ, nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Thực trạng tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp nói chung và cấp tỉnh, cấp huyện nói riêng trong giai đoạn hiện nay cũng đang bộc lộ những khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng được như mong muốn đối với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới như: cơ cấu tổ chức bộ máy; trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ; điều kiện đảm bảo cho bộ máy hoạt động; mối quan hệ và tính thống nhất trong hệ thống tổ chức… Trong khi đó, công tác xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện mặc dù được đề cập trong một số văn bản hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam nhưng vẫn chưa được cụ thể, thống nhất, nên dẫn đến trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện ở các địa phương gặp nhiều khó khăn.
“Điều đó đòi hỏi MTTQ Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp gắn với đổi mới nội dung và phương thức hoạt động sao cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị giai đoạn mới, phù hợp với bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của địa phương”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, đến thời điểm này, cơ sở lý luận về tổ chức bộ máy, cán bộ của MTTQ Việt Nam nói chung, của cơ quan tham mưu, giúp việc Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp nói riêng chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện. Chính điều đó đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công tác tham mưu, xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ và quy định phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Nhận định cả về mặt lý luận và thực tiễn cần có những nghiên cứu, đánh giá việc tổ chức bộ máy, cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp trong quá trình triển khai, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị đại biểu tham dự cần phân tích, đánh giá thực trạng mô hình tổ chức bộ máy, cán bộ của Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện; đề xuất các giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện… nhằm góp phần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả và nâng cao tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện trong thời gian tới.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, PGS.TS Trần Hậu, nguyên Giám đốc Trung tâm công tác lý luận UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cấp tỉnh là cấp chịu trách nhiệm cụ thể hóa đường lối của Trung ương vào thực hiện tại phạm vi địa phương, làm cho địa phương phát triển theo đường lối của Trung ương trên khả năng, điều kiện của địa phương mình. Vậy nên bộ máy và cán bộ MTTQ cấp tỉnh phải được kiện toàn theo yêu cầu, bảo đảm tầm chiến lược phát triển của địa phương. Đầu mối trong bộ máy cơ quan và đội ngũ cán bộ đều phải căn cứ vào yêu cầu đó. Mỗi địa phương có đặc điểm riêng về cơ cấu xã hội nhưng thực hiện chức năng chung của MTTQ Việt Nam, bộ máy và cán bộ phải ổn định, có hệ thống và tổng hợp cao.
“Bên cạnh đó, cấp huyện là cầu nối giữa cấp chiến lược địa phương (cấp tỉnh) với cấp hành động ở cơ sở (cấp xã). Do đó, cấp huyện nên kiện toàn bộ máy, cán bộ theo hướng hành động cụ thể, gọn nhẹ và năng động, đảm bảo tiêu chuẩn về sức khỏe và trẻ hóa về độ tuổi.”, PGS.TS Trần Hậu nêu ý kiến.
Ở góc độ khác, TS Tạ Văn Sỹ, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất, Đề tài cần làm rõ thuật ngữ "cán bộ", trình bày rõ nội hàm cán bộ được sử dụng trong Đề tài là gì? Nội hàm của việc kiện toàn cán bộ là gì? Theo đó, cán bộ Mặt trận được chia thành 2 đối tượng. Một là cán bộ chuyên trách, là những người được tuyển dụng làm cán bộ, công chức, viên chức, làm việc hành chính thường xuyên có đóng bảo hiểm, nghỉ hưu theo quy định. Hai là cán bộ không chuyên trách, là những người tham gia công tác Mặt trận còn lại ngoài cán bộ chuyên trách, không phải là cán bộ, công chức, viên chức.
Cũng theo TS. Tạ Văn Sỹ, từ mục đích kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện cần đưa ra những giải pháp cụ thể để sửa đổi Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với điều kiện thực tế.
Đồng quan điểm với TS. Tạ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh Lê Đức Kỳ cũng đề cập đến những vướng mắc trong triển khai công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay khi yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, càng nhiều, càng gấp mà bộ máy tổ chức cán bộ ngày càng tinh gọn và thu hẹp, bởi vậy cần sửa đổi Quy định số 212-QĐ/TW để tổ chức bộ máy của cơ quan Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp, nhằm góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ của địa phương.
Ông Lê Đức Kỳ cũng cho rằng việc đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện phải gắn với chức năng, nhiệm vụ chính trị của cơ quan; đồng thời cần chuẩn bị chu đáo, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, có kế hoạch chăm lo công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Trên cơ sở đó có đủ nguồn cán bộ để bố trí, sắp xếp vào các vị trí một cách hợp lý và thường xuyên, đáp ứng chức năng đổi mới đội ngũ cán bộ.
Cùng với đó, cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện phải chú trọng việc phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hàng năm; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng này phải gắn với các quy định về tiếp nhận, tuyển dụng, luân chuyển, điều động cán bộ; quy định tiêu chuẩn đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo các cấp;…
Đối với việc thực hiện thí điểm mô hình Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cần có đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và quyết định việc tổ chức thực hiện mô hình thí điểm trên trong thời gian tiếp theo như thế nào để phù hợp với thực tế.
“Đổi mới tổ chức bộ máy, cán bộ của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện phải đảm bảo tinh gọn; tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ cần đảm bảo chất lượng, hoạt động hiệu quả; đồng thời quá trình đổi mới cần bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển”, ông Lê Đức Kỳ nêu ý kiến.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự Hội thảo, ông Lê Mậu Nhiệm, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, những góp ý đã đi sâu vào phân tích, đánh giá thực trạng mô hình tổ chức bộ máy, cán bộ của cơ quan Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện; đồng thời đề nghị, Ban chủ nhiệm Đề tài cần tiếp thu đầy đủ, có trách nhiệm các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, nghiên cứu, trình Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam nghiệm thu.