Bàn giải pháp phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực

Chiều 30/8, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức phiên họp chuyên đề lần thứ 2 về chủ đề 'Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực'. Phiên họp được kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung và các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh.

Phiên họp được tổ chức nhằm chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế số vừa qua và cách tháo gỡ; chỉ ra các nhiệm vụ mà bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai và các hướng dẫn, hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông để thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, địa phương đi vào thực chất, hiệu quả.

 Các đại biểu tại điểm cầu Lào Cai tham dự hội nghị.

Các đại biểu tại điểm cầu Lào Cai tham dự hội nghị.

Tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế số, khẳng định đây là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số, là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng nhanh, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.

Tại phiên họp, một số giải pháp đã được các đại biểu đưa ra, tập trung thảo luận.

Trong đó có thảo luận về không gian phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực được coi là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam, đó là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp; logistics và dệt may...

Kinh tế số là vấn đề mới, do vậy cần có cách tiếp cận mới để quản lý, thúc đẩy. Nền tảng số là cách tiếp cận đột phá để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Kinh tế số là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng bền vững. Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề "Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực" được kỳ vọng sẽ tạo thêm cú huých góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam nói chung, thúc đẩy phát triển nền tảng số và chuyển đổi số doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực trong những tháng cuối năm 2023 nói riêng.

Bộ trưởng đề nghị các ngành, địa phương tập trung thực hiện các nội dung, tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế số, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, nâng cao tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh; quan tâm xây dựng, kết nối, tạo ra giá trị từ dữ liệu; phát triển các nền tảng số; kết nối hệ sinh thái trong chuyển đổi số; phát huy vai trò điều phối của cơ quan quản lý nhà nước, "làm đến tận cùng" khi thực hiện kinh tế số.

Việt Nam cần thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số để tạo động lực phát triển. Kinh tế số tại Việt Nam cần ứng dụng nhiều hơn là nghiên cứu nên phải căn cứ vào ngữ cảnh quốc gia, không đi theo, đi sau các nước khác. Quốc gia nào nhanh chân trong việc ứng dụng sẽ được lợi nhiều nhất.

Phát triển kinh tế số tại Việt Nam cần dựa trên đổi mới, sáng tạo số, quan tâm đến phát triển nhân tài. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các thành tố tạo nền móng (chủ yếu là doanh nghiệp công nghệ số)...

Tại phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ban-giai-phap-phat-trien-kinh-te-so-nganh-linh-vuc-post372877.html