Bàn giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021

Ngày 16/7, Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển để bàn giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc 'Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045'. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, các đơn vị trực thuộc Sở; lãnh đạo UBND huyện Kim Sơn và một số doanh nghiệp nuôi tôm.

Đánh giá hiện trạng và giải pháp trọng tâm của ngành tôm năm 2021, báo cáo tại hội nghị cho biết: 1-2 tháng gần đây tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, dẫn đến giá tôm nguyên liệu giảm và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, dự báo, các tháng cuối năm, xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt do nhu cầu nhập khẩu tăng và các lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đem lại. Do vậy, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu duy trì ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ là 740 nghìn ha, trong đó tôm sú là 630 ha, tôm thẻ là 110 ha, sản lượng đạt 980 nghìn tấn, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,8-4 tỷ USD.

Trước những khó khăn do những diễn biến khó lường của thời tiết, dịch bệnh, để đạt được mục tiêu trên giải pháp trọng tâm được ngành Nông nghiệp đưa ra là: Siết chặt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ưu tiên nuôi tôm công nghệ cao, tôm sinh thái.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi. Tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư thủy sản. Tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Theo đó, mục tiêu tổng quát là phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biển đổi khí hậu.

Cụ thể, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm; tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn); giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD. Đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến và là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới.

Về phía tỉnh Ninh Bình, hiện nay chúng ta có 20 km bờ biển, diện tích nuôi thủy sản tiềm năng là 6.000 ha, trong đó nuôi tôm nước lợ hơn 3.000 ha. Năm 2020 diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh là gần 2.000 ha, sản lượng 2000 tấn.

6 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích tôm nông dân đã thả giống đạt 3.500 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú 1860 ha, diện tích nuôi tôm thẻ 130 ha. Sản lượng tôm đã thu hoạch tính đến thời điểm này đạt 546 tấn.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp & PTNT đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 về phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó, định hướng diện tích nuôi tôm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đạt 350 - 400 ha, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 700 - 800 ha.

Sau khi nghe ý kiến của các cục, vụ, viện thuộc Bộ, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng như các địa phương về thực trạng và những giải pháp để mang lại lợi thế, giá trị cao, có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế và phát triển bền vững cho ngành tôm nói riêng và thủy sản nói chung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, Cục Chế biến thị trường chủ động, thường xuyên đánh giá thị trường, khuyến cáo để người nuôi tôm có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Cục Thú y tăng cường kiểm dịch, kiểm soát dịch bệnh, phát triển các vùng nuôi an toàn dịch bệnh, tăng cường cấp mã vùng nuôi. Vụ hợp tác Quốc tế xử lý kịp thời các rào cản thị trường.

Các viện nghiên cứu, trường đại học xây dựng các quy trình công nghệ mới hiệu quả để người dân áp dụng. Các hiệp hội, hội vận động tuyên truyền hội viên thực hiện nghiêm Luật Thủy sản, tích cực áp dụng công nghệ mới, đẩy mạnh liên kết sản xuất.

Thực hiện tốt cảnh báo môi trường, khuyến cáo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nhân rộng các mô hình sản xuất 2-3 giai đoạn, nuôi tuần hoàn khép kín, sử dụng kỹ thuật sinh học. Khẩn trương thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực.

Tin, ảnh: Hà Phương

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ban-giai-phap-phat-trien-nganh-tom-nam-2021/d2021071615174170.htm