Bàn giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 17-9, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN-PTNT) phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo nhằm thảo luận và chuyển giao các kết quả và sản phẩm nghiên cứu mới, tiến bộ kỹ thuật và biện pháp quản lý hiệu quả tôm nuôi vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Tổng cục Thủy sản, đến hết tháng 8, cả nước có 689.516ha nuôi tôm, tăng 0,5% so cùng kỳ 2018; trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú là 600.575ha, tôm chân trắng là 88.941ha. Sản lượng thu hoạch đạt 444.404 tấn, tăng 15,0% so cùng kỳ 2018, trong đó sản lượng tôm sú 161.576 tấn; sản lượng tôm chân trắng 282.828 tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,93 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn về thị trường, tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ đang làm ảnh hưởng xấu uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam. Nhiều vùng nuôi chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng không phù hợp yêu cầu kỹ thuật, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh…
Hội thảo đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ; kết quả chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi và giới thiệu mô hình kỹ thuật, giải pháp và sản phẩm phòng trị bệnh cho tôm đạt tiêu chuẩn quốc tế; phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 2,17 tỷ USD từ đây đến cuối năm 2019, theo kế hoạch ngành tôm đề ra.