Bàn giải pháp tháo gỡ các nút thắt trong cổ phần hóa, thoái vốn
Phát biểu tại hội thảo 'Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp', do Tạp chí Tài chính và Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 17/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã phân tích nhiều hạn chế trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn và bày tỏ mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy cổ phần hóa, phát triển doanh nghiệp hiệu quả, bền vững.
Đề xuất đưa đất đai ra khỏi quy trình cổ phần hóa
Năm 2022: Thu từ cổ phần hóa, thoái vốn khó đạt mục tiêu
Theo Bộ trưởng, việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ thực hiện công tác cổ phần hóa đạt nhiều kết quả tích cực.
Trước hết là việc hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ công tác cổ phần hóa, thoái vốn như: tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 126/2017/NĐ-CP, hay Nghị định 32/2018/NĐ-CP, Nghị định 91/2015/NĐ-CP, Nghị định 67/2021/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 167/2017/NĐ-CP liên quan đến cổ phần hóa, sắp xếp tài sản công… Mới đây nhất là Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”.
Toàn cảnh hội thảo Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Đức Minhh
Từ đó, nhiều nút thắt về chính sách đã được tháo gỡ, giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng chỉ rõ những tồn tại và hạn chế, vướng mắc quan trọng cần được tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà kinh tế, đặc biệt là lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, lãnh đạo địa phương. Để từ đó, Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu, phối hợp với các bộ ngành để trình Chính phủ, các bộ, ngành tìm cách tháo gỡ, thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN một cách hiệu quả nhất.
Cụ thể, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu ra một số tồn tại, hạn chế đáng chú ý như cổ phần hóa chậm tiến độ, không đạt mục tiêu đề ra, thu từ thoái vốn không đạt yêu cầu. Nhiều khả năng năm nay nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn sẽ không đạt mục tiêu khi việc cổ phần hóa, thoái vốn cũng đang rất chậm. Việc xác định giá trị của doanh nghiệp chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế và giá trị xác định lại sau kiểm toán, từ đó nên gây nên thất thoát và thậm chí nhiều vụ việc đã bị xử lý hình sự.
Điểm lại một số vụ việc điển hình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc xác định giá trị doanh nghiệp chính xác là rất quan trọng. Bộ trưởng nêu ví dụ, qua kiểm toán 45 doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá trị doanh nghiệp tăng lên, bình quân 2,8 lần… Điều này cho thấy việc xác định giá trị doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, rủi ro, thiếu chính xác, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất.
Nên hay không cho doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa?
Liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, Bộ trưởng cho biết, trước đây tiền thuê đất hàng năm không tính vào giá trị doanh nghiệp, còn tiền thuê đất một lần tính vào giá trị doanh nghiệp. Khi tiền thuê đất một lần được xác định không sát giá trị thị trường thì đây chính là lỗ hổng gây thất thoát, chưa nói đến việc sau khi nộp tiền thuê đất một lần, doanh nghiệp đã cổ phần hóa sẽ chuyển mục đích sử dụng đất, khi đó việc xác giá trị đất không chính xác càng gây thất thoát lớn, thậm chí “giết chết” hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính Phạm Văn Hoành, hội thảo là dịp để các bộ, ban, ngành, địa phương và các chuyên gia, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bàn thảo, trao đổi, phân tích, đánh giá về những kết quả tích cực, những thách thức, rào cản; chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Từ đó đóng góp, tham mưu, đề xuất với Chính phủ những giải pháp thiết thực, hiệu quả, khách quan nhằm đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu, chủ trương về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước của Đảng và Nhà nước đề ra trong giai đoạn tới.
“Nếu tính tiền thuê đất hàng năm, thì khi tái cơ cấu, doanh nghiệp sẽ phải tăng năng lực sản xuất để cạnh tranh với ngành nghề đã được cấp phép. Nhưng nếu chạy theo lợi nhuận chênh lệch từ địa tô đất đai, họ sẽ đóng cửa sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Người lao động bị mất việc. Nền sản xuất ngày càng bị thu hẹp” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Trong vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Bộ trưởng cũng chỉ ra còn nhiều vướng mắc về quy định pháp luật như tại Nghị định 140/2020/NĐ-CP chưa nói rõ việc có cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không nên địa phương rất lúng túng. Theo Bộ trưởng, vấn đề này phải được nhận diện chính xác, làm rõ cốt lõi để tham mưu cho Chính phủ có sửa đổi nhất quán về luật pháp, từ đó việc thực hiện được đúng đắn.
Ngoài ra, việc sắp xếp nhà đất cũng còn quy định chưa được cụ thể, ví dụ như xác định lợi thế thương mại, xác định quyền sử dụng đất trong liên doanh liên kết…
Trong những vấn đề hạn chế được nêu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đặc biệt nhấn mạnh về việc đưa ra phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất một cách chính xác. Lâu nay chúng ta sử dụng nhiều phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, nhưng kết quả chưa được chính xác, nhất quán.
Về giá trị quyền sử dụng đất, Bộ trưởng nêu vấn đề có nên đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hay không? Doanh nghiệp sau cổ phần hóa không được chuyển mục đích sử dụng đất, nếu không có nhu cầu sử dụng đất thì phải trả lại Nhà nước. Nhà nước đấu giá chuyển mục đích sử dụng đất, để đảm bảo không bị thất thoát tài sản.
Ngoài ra, với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang làm ăn hiệu quả thì nên chăng tiếp tục phát triển mà không nhất thiết cổ phần hóa? Khi cổ phần hóa, thoái vốn, có nên giữ lại dưới 50% hay bán hết?... Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đây là những vấn đề cần nghiên cứu, bàn bạc, tìm giải pháp.
“Bộ Tài chính mong nhận được ý kiến quý báu để tập hợp nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành chính sách thúc đẩy cổ phần hóa, tăng năng lực sản xuất, phát triển doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ.
* Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính):
Trước mắt, sẽ tháo gỡ trong khuôn khổ quy định cho phép
Trên thực tế có nhiều DN đã xử lý được câu chuyện đất đai, vì họ chủ động chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm, khi cổ phần hóa sẽ yêu cầu công ty cổ phần cam kết trong bản cáo bạch là sau khi chuyển thành công ty cổ phần cũng tiếp tục thuê đất trả tiền hàng năm và dùng đất đó đúng cho sản xuất kinh doanh của DN. Như vậy, sẽ đảm bảo nhà đầu tư tham gia cổ phần hóa sau này sử dụng đúng mục đích sử dụng đất, chứ không phải bỏ ngành nghề chính mà chuyển sang làm bất động sản, làm mất ý nghĩa của cổ phần hóa.
Đối với kiến nghị tách giá trị quyền sử dụng đất ra khỏi cổ phần hóa và xác định giá đúng quy định pháp luật, tôi cho rằng đây là hai vấn đề vướng mắc, là điểm nhất cản trở của cổ phần hóa nên Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu hoàn thiện. Định hướng tách hay không còn phải rà soát kỹ để tránh thất thoát trong cổ phần hóa, và đảm bảo đất đó phải được quản lý chặt tránh lợi dụng, hay định giá cũng vậy phải tính đúng tính đủ, phù hợp thực tế.
* Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Tách công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khỏi quy trình cổ phần hóa
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và tránh thất thoát trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tôi đề nghị tách việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình cổ phần hóa, thoái vốn tại DN. Sau khi cổ phần hóa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác liên quan.
Bên cạnh đó, cần tách công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khỏi quy trình cổ phần hóa. Vì hoạt động rà soát hiện trạng sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên cả trước và sau cổ phần hóa của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai để bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả sử dụng đất, tránh hoang hóa, lãng phí chứ không phải chỉ để thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
* Ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp:
Xem xét lại quy định về phương án sử dụng đất
Lâu nay việc cho rằng cổ phần hóa, thoái vốn xong là mất đất là không đúng. Thực tế, đất không mất đi đâu mà vấn đề là thất thu ngân sách. Căn cơ của việc xác định giá cao hay thấp là do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Khi là nhà xưởng thì giá chỉ 5 đồng, khi là trung tâm thương mại giá là 50 đồng, rất khác nhau.
Do đó, tôi đề nghị phải xem lại vấn đề phương án sử dụng đất, coi đây là cốt lõi của vấn đề. Tôi lấy ví dụ, quá trình chuẩn bị cổ phần hóa của Agribank, dù đã sắp xếp phương án sử dụng của hàng nghìn miếng đất, nhưng mới đạt hơn 94% thì cũng không thể tiến hành cổ phần hóa. Hay như VNPT, với hơn 2.000 miếng đất, có những miếng chắc chắn không thể được phê duyệt do nguồn gốc đất phức tạp.