Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Sáng nay, 11.7, HĐND tỉnh Thanh Hóa bước sang ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận toàn thể tại hội trường.
Trên cơ sở gợi mở thảo luận của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng, các đại biểu đã tập trung phân tích, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và tầng lớp Nhân dân về những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2023. Bên cạnh đó, chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đại biểu Lê Minh Nghĩa - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa:
Tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án
Đại biểu Lê Minh Nghĩa đánh giá cáo kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh. Kết quả đó thể hiện sự quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự nỗ lực của các địa phương, nhất là của cộng đồng doanh nghiệp trong thúc đẩy phát triển các ngành, các lĩnh vực. Các doanh nghiệp đã tập trung khắc phục khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt với sự thay đổi đến từ tình hình thế giới, trong nước để duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này thể hiện bằng số thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6.085 tỷ đồng, bằng 69,3% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ.
Bên cạnh kết quả tích cực đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2023. Trong đó có khó khăn về thị trường và đơn hàng. Điều này thể hiện ở chỉ số tiêu thụ sản phẩm giảm, chỉ số hàng tồn kho tăng trong 6 tháng đầu năm; một số mặt hàng chủ lực có tăng trưởng, nhưng thấp; xuất khẩu có xu hướng phục hồi nhẹ trong tháng 5 và 6 tháng, nhưng tính chung 6 tháng đầu năm vẫn giảm. Cùng với đó, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đối diện với thách thức lớn để tồn tại và duy trì sản xuất, kinh doanh. Nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ ở cả 3 khâu chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công.
Trước những khó khăn, thách thức đặt ra, đại biểu Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới như: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường, tiếp cận vốn đầu tư; triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí… đã được Trung ương ban hành để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp; Tiếp tục đẩy nhanh, rút ngắn tối đa thời gian xử lý các hồ sơ, thủ tục đối với người dân và doanh nghiệp trong điều kiện cho phép của quy định pháp luật; Quan tâm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phòng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư. Cùng với đó, các chủ đầu tư cần khẩn trương hoàn thành hồ sơ thủ tục để sớm hoàn thành đấu thầu, khởi công các dự án mới đã được giao kế hoạch vốn.
Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư xây dựng về nguồn nguyên vật liệu thi công, đặc biệt là các dự án giao thông. Rà soát, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Đại biểu Lê Minh Nghĩa nhấn mạnh: “Đối với những nhà đầu tư chây ỳ, không triển khai dự án theo kế hoạch, kiên quyết thu hồi. Tránh tình trạng dự án treo, chuyển nhường, chia tách bán dự án”.
Đại biểu Ngô Đình Hùng - Cục trưởng Cục thuế tỉnh Thanh Hóa:
Đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công
Theo đại biểu Hùng, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có những bước phát triển. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7%, đứng cao nhất khu vực Bắc Trung bộ. Đạt được kết quả đó là do sự lãnh đạo, chỉ đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, mặc dù thu ngân sách của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 20.577 tỷ đồng, bằng 58% dự toán, giảm 25% so với cùng kỳ, nhưng thu nội địa của tỉnh Thanh Hóa vẫn nằm trong số 10 tỉnh, thành phố trên cả nước về quy mô thu.
Mục tiêu trong 6 tháng cuối năm 2023, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh phấn đấu đạt từ 18.230 tỷ đồng trở lên. Đây là nhiệm vụ rất lớn và để tạo nguồn thu ngân sách, các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Thông qua việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công sẽ tác động tăng quy mô nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Trong điều kiện nguồn thu ngân sách từ kinh tế bị giới hạn, thì các huyện, thị xã, thành phố cần khai thác nguồn thu từ tài nguyên và đất đai, như: Khai thác quỹ đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, thuê đất... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án được chấp thuận đầu tư, nhằm tạo ra năng lực sản xuất mới, nguồn thu mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Đại biểu Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa:
Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh
Theo đại biểu Cao Tiến Đoan, hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đang phải gồng mình đối mặt với nhiều thách thức. Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp phải đóng cửa, rút lui khỏi thị trường hiện cao hơn số doanh nghiệp thành lập và tái gia nhập thị trường. Qua khảo sát, đánh giá của các Bộ, ngành Trung ương, môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Thanh Hóa thời gian qua được cải thiện rõ rệt; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng đầu khu vực miền Trung, xếp thứ 8 trong cả nước. Tuy nhiên, theo công bố của VCCI năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp, đứng thứ 47 trên cả nước. Điều này phản ánh môi trường đầu tư của tỉnh là điểm đến rất hấp dẫn, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa hài lòng trong khâu cải cách hành chính.
Khẳng định doanh nghiệp là một trong những trụ đỡ, có đóng góp lớn cho nền kinh tế, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đại biểu Cao Tiến Đoan đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát, loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là quan tâm tháo gỡ những”điểm nghẽn“và có những giải pháp mang tính đột phá, ban hành những chính sách thực sự phù hợp, hiệu quả, khắc phục tình trạng chậm triển khai thực hiện như hiện nay
Đại biểu cũng cho rằng, cần sớm ban hành và thực hiện cơ chế bảo vệ, động viên, khích lệ cán bộ có tinh thần trách nhiệm, dám xả thân, đóng góp trí tuệ, sức lực cho công việc; từ đó khích lệ các doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến hết mình, tạo ra những giá trị mới cho xã hội. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh cần rà soát, xem xét không nên bố trí những cán bộ có hành vi né tránh công việc, đùn đẩy, nhũng nhiễu vào các vị trí đầu mối trong giải quyết công việc. Có như vậy mới thay đổi sự thân thiện của chính quyền các cấp đối với doanh nghiệp; làm cơ sở để nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Thanh Hóa trong Top 10 cả nước thời gian tới.
Trong giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp, đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét khi giải quyết một việc chỉ nên giao cho một đơn vị chủ trì, phối hợp với các ngành để tổng hợp ý kiến tham mưu, nhằm nêu cao trách nhiệm và sự năng động, sáng tạo của sở ngành đó; góp phần rút ngắn thời gian xử lý công việc mà không bị lặp đi lặp lại. Đề nghị lãnh đạo tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa có ý kiến chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam, về việc khoanh nợ, giãn nợ, giãn thời gian trả lãi theo đúng Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8.4.2023 và Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23.4.2023 của Chính phủ.
Đại biểu Phạm Kim Tân - Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa:
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án
Đại biểu Phạm Kim Tân khẳng định, thực hiện các chương trình, đề án của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên, đột phá để thực hiện các nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Hàng năm, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã rất sớm phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương chuẩn bị xây dựng các chương trình, đề án. Tuy nhiên, vẫn còn một số sở, ngành chưa quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu, chuẩn bị để có chương trình, đề án chất lượng tốt mà còn có biểu hiện khoán trắng cho cơ quan tư vấn. Điều này dẫn đến nội dung một số chương trình, đề án chất lượng hạn chế, các đề xuất thiếu chính xác, chưa sát đúng với thực tiễn. Bên cạnh đó, một số chương trình, đề án đã được phê duyệt nhưng chưa bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện, gây lãng phí về thời gian, nguồn lực của tỉnh.
Đơn cử ở lĩnh vực văn hóa có 2 đề án từ nhiệm kỳ trước, đó là Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” được phê duyệt năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn lực để triển khai thực hiện. Đề án “Phát huy các giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đây là đề án quan trọng để biến văn hóa thành nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh nhưng đến nay đề án chưa được phê duyệt để triển khai thực hiện.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, đại biểu Tân đề nghị UBND tỉnh, HĐND tỉnh cần có quy định và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được phân công, giao nhiệm vụ nhưng chậm trễ trong công tác chuẩn bị và trình duyệt các nhiệm vụ thực hiện các chương trình, đề án. Tăng cường chỉ đạo công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền phê duyệt của HĐND, UBND tỉnh nhằm cung cấp thông tin, luận cứ cho việc ban hành quyết định phê duyệt các chương trình, đề án. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá nhằm kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án sau khi đã phê duyệt.
Mặt khác, cần khắc phục tình trạng chương trình, đề án đã được phê duyệt nhưng không triển khai hoặc chỉ triển khai một phần, không bố trí kinh phí thực hiện. Cùng với đó, HĐND tỉnh tăng cường giám sát kết quả thực hiện các chương trình, đề án của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt; các cơ chế, chính sách đã được HĐND tỉnh nghị quyết, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các chương trình, đề án của tỉnh.