Bàn giải pháp trị 'sa tặc'

Được cho là mang lại siêu lợi nhuận nên tình trạng khai thác cát trái phép tại TP HCM và các tỉnh lân cận diễn ra dai dẳng mà chưa thể xử lý dứt điểm

Ngày 26-7, UBND TP HCM tổ chức hội nghị tổng kết đề án phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, khu vực giáp ranh giữa TP HCM với các tỉnh giai đoạn 2019-2022 và triển khai đề án giai đoạn 2023-2026.

Thủ đoạn "ẩn thân"

Thông tin cụ thể về chiêu trò của các đối tượng khai thác cát trái phép, hay còn gọi là "sa tặc", thượng tá Phạm Văn Thắng, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng TP HCM, cho biết hoạt động vi phạm thường diễn ra từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau.

Địa điểm khai thác được ưa thích là những vùng biển xa bờ từ 6 đến 10 hải lý, nơi giáp ranh giữa TP HCM với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre… Các đối tượng luôn bố trí người quan sát, cảnh giới. Khi phát hiện lực lượng chức năng thì thông báo cho nhau để rút vòi bơm, xả cát xuống biển, chạy trốn qua địa bàn tỉnh giáp ranh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Hòa - Bộ đội Biên phòng TP HCM tuần tra, xử lý phương tiện khai thác cát trái phép

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Hòa - Bộ đội Biên phòng TP HCM tuần tra, xử lý phương tiện khai thác cát trái phép

Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP HCM, cho hay do đặc thù nguồn cát khai thác phải có hóa đơn, chứng từ, hồ sơ nguồn gốc khai thác nên các đối tượng cấu kết mua bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa nguồn gốc cát bất hợp pháp.

Do vậy, nhiều đối tượng thuê mướn trụ sở, thành lập nhiều pháp nhân thương mại khác nhau nhưng thực tế không có trụ sở hoạt động cố định, thường xuyên thay đổi địa điểm nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Kẻ chủ mưu thường không trực tiếp tham gia khai thác cát trái phép mà chỉ đạo, điều hành thông qua hệ thống chân rết. Cát sau khi khai thác trái phép được vận chuyển đi tiêu thụ tại các dự án, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lợi dụng xin cấp phép khai thông luồng lạch, nơi neo đậu trú bão, tàu thuyền, bến bãi để cung cấp hóa đơn, nguồn cát khai thác trái phép cho các dự án, công trình xây dựng.

Sửa quy định để nghiêm trị

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, kể cách đây 5 năm trên địa bàn tỉnh thỉnh thoảng mới phát hiện tàu ghe vi phạm khai thác cát, giờ ngăn không xuể. Tàu lớn, ghe nhỏ, ngóc ngách nào cũng có. Các đối tượng hoạt động cả ban ngày nếu lực lượng chức năng mất cảnh giác. Họ liều lĩnh, manh động, táo tợn, chỗ nào có cát là khai thác lậu chứ không phân biệt sông lớn, sông nhỏ.

Theo ông Trọng, thực tiễn cho thấy nhiều khó khăn như quy định chứng minh thu lời bất chính từ 100 triệu đồng trở lên hoặc khoáng sản giá trị từ 500 triệu đồng trở lên mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, để chứng minh thì việc này không dễ. "Nhiều lúc số lượng tàu bị bắt lớn, nằm cả đoạn sông chẳng khác nào giữ xe 2 bánh trên bờ nhưng không ai ra nhận vì sợ bị phạt" - ông Trọng nói thêm.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cảnh báo về lâu dài các mỏ cát cạn kiệt. Trong khi đó, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa xác định tiêu chuẩn sử dụng cát nhiễm mặn trong xây dựng. Ông đề xuất TP HCM chủ trì tổ chức hội thảo về những bất cập trong công tác phòng chống khai thác cát trái phép và có những đề xuất lên trung ương.

Tại hội nghị, 7 tập thể và 28 cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện đề án phòng chống khai thác cát trái phép đã nhận bằng khen của UBND TP HCM

Tại hội nghị, 7 tập thể và 28 cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện đề án phòng chống khai thác cát trái phép đã nhận bằng khen của UBND TP HCM

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu đánh giá hoạt động khai thác cát, kinh doanh cát trái phép có thể coi là siêu lợi nhuận mà kinh phí đầu tư không nhiều. Vì vậy, các đối tượng khai thác cát trái phép dùng mọi thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng, sẵn sàng chống trả quyết liệt, đánh chìm phương tiện để tẩu thoát nếu bị phát hiện.

"Hậu quả khai thác cát trái phép làm thất thoát tài nguyên, gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, tác động xấu đến công trình ven bờ, gây nguy hiểm tính mạng, tài sản người dân. Thời gian qua nhiều trường hợp nhà người dân bị mất do sạt lở, số lượng ngày càng nhiều" - ông Ngô Minh Châu nhận xét.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng cần tiếp tục rà soát quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập chưa phù hợp. Từ đó, đề xuất trung ương, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi luật liên quan để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra trong phòng chống khai thác cát trái phép.

Với nhu cầu xây dựng các dự án lớn sắp tới, ông Ngô Minh Châu đề nghị Sở Xây dựng nghiên cứu, tổng hợp các công trình xây dựng và phối hợp với các tỉnh để có hướng điều chỉnh sự chênh lệch cung - cầu cát xây dựng. Bên cạnh đó, nghiên cứu vị trí khai thác cát tại thành phố mà không ảnh hưởng tới môi trường.

Xử phạt hàng trăm trường hợp

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, đã thông tin kết quả tổng hợp từ báo cáo của Công an TP HCM, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP HCM và UBND TP Thủ Đức, 2 huyện Củ Chi, Nhà Bè kết quả thực hiện từ năm 2019 đến 9 tháng đầu năm 2022.

Theo đó, lực lượng chức năng bắt và xử lý 306 trường hợp khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp; xử phạt 96 trường hợp, tịch thu 204 phương tiện. Tổng số tiền xử phạt hành chính gần 6 tỉ đồng và tịch thu 39.000 m3 cát.

Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP HCM Nguyễn Văn Đạt cho hay đơn vị sẽ thực hiện tốt quy chế phối hợp, thiết lập đường dây nóng với các tỉnh để thu thập thông tin, tài liệu về hoạt động của các mỏ khoáng sản đã được cấp phép, trữ lượng được cấp quyền khai thác, phương tiện vận chuyển, đơn vị tiêu thụ... Từ đó, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn mua bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa nguồn gốc cát trái phép.

Bài và ảnh: QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/ban-giai-phap-tri-sa-tac-20230726212505178.htm