'Bản giao hưởng' văn hóa Mường
Lần đầu tiên, một triển lãm mang màu sắc của văn hóa Mường được tổ chức tại Hà Nội, hội tụ những nghệ sĩ sinh ra và lớn lên ở xứ Mường, yêu văn hóa Mường và sáng tạo dựa trên cảm hứng đó. 'Xứ Mường' như một bản giao hưởng, cho thấy sức sống và sự tiếp biến của một vùng văn hóa độc đáo của Việt Nam.
Bước vào "Xứ Mường", chúng ta được ngắm nhìn những vẻ đẹp đặc sắc về một vùng văn hóa được tái hiện bằng các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Ở đó, có 5 tác giả đều là những người sinh ra, lớn lên, hoặc yêu văn hóa Mường. Họ thấm đẫm từ nguồn nước, mạch đất của xứ sở ấy. 85 tác phẩm phong phú về thể loại và chất liệu từ hội họa đến điêu khắc như gốm, gỗ, sơn mài, sơn dầu, acrylic tổng hợp (trên toan), hoặc chất liệu hiếm thấy là tranh trên giấy Giang cho thấy bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ và tình yêu của họ dành cho văn hóa quê hương mình. Tất cả đều là sự nối dài từ những "mạch ngầm" của văn hóa mỹ thuật và âm nhạc, văn chương của xứ nguyên thủy Việt Mường - Hòa Bình.
1. "Xứ Mường" hội tụ 5 cá tính sáng tạo tài hoa, độc đáo. Đầu tiên, không thể thiếu một người dành gần 2 thập kỷ tìm hiểu, nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Mường, đến mức tên riêng của anh cũng gắn liền với địa danh, Hiếu Mường (Vũ Đức Hiếu). Anh là một người nghiên cứu văn hóa về dân tộc Mường và là Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường tại Hòa Bình. Bảo tàng của anh đã hoạt động 15 năm và có nhiều sự cống hiến cho cộng đồng xã hội. Anh đã được nhiều giải thưởng văn hóa quốc tế và các tổ chức có uy tín trong nước.
Lần này, Hiếu Mường trình làng bộ tác phẩm mang tên "Gốm Mường". Những sản phẩm gốm được nghiên cứu từ chính đất, đá của xứ Mường, làm từ phom dáng, men, tạo nên những tác phẩm rất riêng biệt từ 2015 đến nay. Anh mong muốn các tác phẩm của mình sẽ làm gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Bởi với anh, gốm là một chất liệu truyền thống của Việt Nam với các sản phẩm gốm như men trắng, men ngọc, men nâu, hoa lam…
"Từ thời Lý - Trần trải qua bao thăng trầm của lịch sử, gốm vẫn tồn tại trong đời sống như một lẽ tất yếu. Ngày nay, với sự phát triển đa dạng của xã hội và nhiều vật liệu mới ra đời cùng với sự tiện ích của công năng, có những giai đoạn tưởng chừng như gốm bị thay thế, nhưng cũng như với nhiều nghệ sĩ khác, tôi nghĩ rằng gốm đã trở thành vật liệu và ngôn ngữ nghệ thuật để có thể thử nghiệm những sáng tác vượt ra ngoài kiểu dáng công năng mà cha ông đã từng làm. Với đất, nước, men… những vật liệu và kỹ thuật mà cha ông để lại, với cách nhìn và những thử nghiệm mới hy vọng sẽ kết nối được truyền thống đến hiện đại ngày nay thông qua những tác phẩm được trưng bày" - Hiếu Mường chia sẻ.
2. Cũng trên những chất liệu mộc mạc, mang tính bản địa ấy, nhà điêu khắc Bùi Văn Đạo lại kể một câu chuyện khác về mảnh đất anh sinh ra bằng bộ tác phẩm điêu khắc gốm và điêu khắc gỗ. Câu chuyện mà Bùi Văn Đạo kể xuất phát từ lễ khai hạ, lễ mừng cơm mới của người Mường Hòa Bình. Với nhà điêu khắc Bùi Văn Đạo, những nét sinh hoạt ngày thường của người Mường xưa, hình ảnh các thiếu nữ vùng sơn cước, các mẹ, các chị ngồi quây quần bên bếp lửa, châm cho nhau điếu thuốc lào là hình ảnh thật gần gũi và thanh bình, xua tan đi những mệt nhọc, lo toan của đời sống.
Tác phẩm của anh tái hiện lại không gian sinh hoạt cổ xưa ấy, từ những hình ảnh đời thường hay những đồ dùng, vật dụng của người Mường như cái ớp Mường có nhiều công năng như đựng trầu cau, đựng các sản vật tự nhiên như ốc, châu chấu.. mà với anh, có những phong tục, tập quán không còn được lưu giữ, thậm chí dần biến mất trong đời sống hiện đại. Với không gian gợi nhiều tâm tưởng ấy, Bùi Văn Đạo muốn lưu giữ cho những người yêu văn hóa Mường những ký ức trong trẻo, hồn hậu về một vùng văn hóa.
3. Họa sĩ Nguyễn Giang Châu và gia đình anh gần như cả đời sống trên mặt nước dòng sông Đà, anh mang tới một câu chuyện của chính nơi anh sống. Ở đó, những nếp nhà sàn, cạnh con sông Đà được coi là cái nôi văn hóa lớn trong cộng đồng người Mường ở Hòa Bình. Vì thế, thực hành nghệ thuật của Nguyễn Giang Châu xoay quanh những hình ảnh thân thuộc như con tôm, con cá, ánh lửa bên bếp nhà sàn, mái tranh, vách đá tai mèo, hay hình ảnh các chị, các mế tắm dưới ánh trăng.
Anh chia sẻ: "Những nếp sinh hoạt văn hóa, tâm linh mang đậm dấu ấn con người nơi đây. Trong giai đoạn đầu của tiến trình sáng tác tôi thường dùng những hình ảnh hiện thực thân quen. Nhưng thời gian gần đây, tôi chuyển dịch ngôn ngữ tạo hình từ hiện thực tới biểu hiện, và có chút chạm trừu tượng biểu hiện. Bắt nguồn từ đó những cái tên "Chạng vạng" là chỉ thời điểm chiều tối, thời điểm kết thúc của một ngày lao động, bắt đầu những sinh hoạt cộng đồng, các nghi thức tâm linh. Hay "Xót" là những tín hiệu trong ngôn ngữ tạo hình, được gạn, được rút từ cuộc sống, vốn cổ, họa tiết trên váy, trên trống đồng tôi muốn tín hiệu hóa trong tác phẩm". Nguyễn Giang Châu đã mang tới một góc nhìn mới lạ về nơi chốn của mình dựa trên những chất liệu truyền thống của văn hóa Mường.
4. Họa sĩ Trần Trung Dũng lại cảm nhận về văn hóa Mường ở một góc độ khác, đó là thế giới tinh thần của dân tộc qua những tác phẩm sử thi, thơ ca và văn hóa dân gian. Với anh, được hòa mình vào dòng chảy văn hóa Mường, cảm nhận nhiều giá trị đậm đặc chất sử thi từ dân ca Mường, nghệ thuật chiêng mo, Đẻ đất - Đẻ nước, những phong tục, tập quán, tín ngưỡng như nghi thức cúng lễ vật, rước lễ, xuống đồng, cơm mới là một niềm hạnh phúc.
Anh cảm nhận được những vẻ đẹp ẩn sâu trong tâm tưởng của một vùng văn hóa, đó là tâm thức tôn kính các vị thần linh, những người lập đất, lập Mường, là mong ước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho cộng đồng. Vì thế, "qua trực giác của mình, tôi vẽ về xứ Mường với mong muốn những âm vang, đồng vọng sâu lắng trong vô thức, hình thành những sắc thái trên các tác phẩm của mình" - anh nói.
5. Họa sĩ Thu Trần có duyên với văn hóa Mường ở Hòa Bình khi chị quyết định dịch chuyển từ vùng núi Tây Bắc về Hòa Bình sống. Chị bị hấp lực bởi những vẻ đẹp có phần bí ẩn và lộng lẫy của một vùng văn hóa. Và nó thôi thúc chị đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi về nguồn gốc của tổ tiên, căn tính của dân tộc.
Thu Trần nói: "Từ hang Đồng Nội của tổ tiên ta để lại, từ đó tôi đi dọc con sông Đà để tìm lại những vết tích của "Xứ Mường". Một vùng đất với kho tàng về âm nhạc, mo Mường, sử thi "Đẻ đất đẻ nước" và những con người lao động đẹp đến mê mải với thiên nhiên, đầy sức biểu cảm, tôi kết hợp chính chất liệu của đất Mường và ngôn ngữ hội họa biểu hiện - trừu tượng để ca ngợi xứ Mường".
Chất liệu giấy Giang chính là nguồn cảm hứng để họa sĩ Thu Trần tìm về cảm giác của ngôn ngữ phương Đông đầy những ẩn dụ và bí mật. Bộ tranh này của họa sĩ Thu Trần sáng tác trong năm 2021-2022, "là những mảng phẳng như rêu phong và vết tích trong hang động xưa cũ còn in lại vết dấu về văn hóa của người Mường cổ, những nhịp điệu trong âm nhạc, như tiếng chiêng âm vang vào vách núi thẳm sâu. Là những tầng lớp của người Mường cổ hóa mình cùng thiên nhiên tươi đẹp bên dòng sông Đà mênh mang".
Có thể nói, "Xứ Mường" đã sáng tạo nên một không gian văn hóa về một vùng đất với rất nhiều vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt. Lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa (một hướng đi của nhiều nghệ sĩ đương đại), để kể câu chuyện về đời sống bằng những sáng tạo mới, đó là cách để văn hóa dân tộc được sống động trong đời sống hôm nay.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ban-giao-huong-van-hoa-muong--i694016/