Bán hàng online trên sàn thương mại điện tử, cần làm gì để không bị phạt?
Cá nhân bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử cần tuân theo các quy định về quản lý thuế, về trách nhiệm đối với khách hàng trên sàn...
Thời gian qua, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam, nhiều người đã đổ xô vào mảnh đất được cho là màu mỡ hiện nay là kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Các phiên live triệu đô được chính người bán hàng công bố không còn là điều mới lạ.
Tuy nhiên, cũng không thiếu các trường hợp người bán hàng bị phạt vì không đóng thuế, bị truy thu thuế...
Do đó, với những cá nhân chuẩn bị kinh doanh online trên sàn thương mại điện tử, họ cần thực hiện những thủ tục gì để việc kinh doanh được thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh bị phạt là điều được rất nhiều người quan tâm.
Giải đáp vấn đề này, TS Trần Hoàng Nga, Trưởng bộ môn Luật Thương mại, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết:
Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP), sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
Khoản 15 Điều 1 Nghị định 85/2021 quy định, sàn giao dịch thương mại điện tử có các hình thức sau:
(i) Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.
(ii) Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng.
(iii) Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.
Ngoài ra, mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động như nêu trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó cũng là sàn giao dịch thương mại điện tử.
Khi đó, các cá nhân tham gia bán hàng online trên sàn giao dịch thương mại điện tử phải tuân thủ các quy định về trách nhiệm của mình. Cụ thể là:
- Khi đăng ký sử dụng dịch vụ của sàn, phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin của người bán (tên, địa chỉ thường trú, mã số thuế cá nhân, số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác) cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.
- Khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử, phải cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ (giá cả, điều kiện giao dịch chung, vận chuyển và giao nhận, phương thức thanh toán).
- Phải đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
- Tuân thủ các quy định về giao kết hợp đồng thương mại điện tử khi sử dụng ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến.
- Phải cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử; (vi) tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác.
- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật (đăng ký thuế, khai thuế, đóng thuế theo quy định - PV).
Người bán hàng online trên sàn giao dịch thương mại điện tử cũng phải tuân thủ mọi quy định pháp luật về kinh doanh, thương mại như bán hàng theo phương thức truyền thống. Nếu người bán hàng online vi phạm các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử, vi phạm các quy định về giao kết hợp đồng, về trách nhiệm của người bán, về bảo vệ thông tin cá nhân, an toàn thanh toán, không chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi các cơ quan này tiến hành thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 98/2020 xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.
Nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích vật chất của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.