Bán hàng sau 21h, phục vụ đồ uống có cồn không làm tăng lây nhiễm nCoV

Cấm bán hàng sau 21h hoặc phục vụ rượu, bia được đưa ra nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, chúng gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân và có thể cân nhắc thay đổi.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM với các quận, huyện và TP Thủ Đức vừa qua, đại diện sở công thương đã kiến nghị UBND thành phố cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn trên địa bàn được hoạt động trở lại dựa trên kết quả thí điểm khả quan. Tuy nhiên, quy định về việc các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa trước 21h hàng ngày vẫn được giữ nguyên.

Tương tự tại Hà Nội, kế hoạch thực hiện Quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được ban hành ngày 1/11 cũng nêu rõ các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ cơ sở kinh doanh rượu, bia) được bán hàng tại chỗ nhưng không quá 50% công suất chỗ ngồi, đảm bảo giãn cách, chủ và nhân viên tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19. Đáng chú ý, các cơ sở này cũng được yêu cầu đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Dễ thấy việc kinh doanh đồ uống có cồn và phục vụ sau 21h vẫn bị hạn chế, thậm chí nghiêm cấm trong bối cảnh Việt Nam chấp nhận sống chung an toàn với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhận định những quy định này đang chưa thực sự tối ưu.

Trọng tâm ở sự quản lý

Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, lý giải: “Theo tôi, quy định về việc buộc các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa trước 21h hàng ngày là để hạn chế nguy cơ từ một số nhóm đối tượng không quản lý được. Những trường hợp này nếu không may nhiễm SARS-CoV-2 sẽ rất khó để truy vết”.

 Chủ một cửa hàng phục vụ ăn, uống trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng.

Chủ một cửa hàng phục vụ ăn, uống trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng.

Trong khi đó, liên quan quy định về việc hạn chế phục vụ đồ uống có cồn, vị chuyên gia này cho rằng nguyên nhân đến từ lo ngại tình trạng ăn nhậu hò hét, chúc tụng, thời gian tập trung đông đúc kéo dài ảnh hưởng tới công tác phòng dịch.

Cùng quan điểm, PGS Đỗ Văn Dũng cũng nhận định các quán nhậu, nhà hàng bán rượu, bia nói chung có nguy cơ cao hơn cơ sở kinh doanh ăn uống khác.

“Thứ nhất, khách hàng sử dụng đồ uống có cồn thường ngồi lại lâu hơn so với việc ăn các món thông thường hay uống cà phê. Thứ hai, trong không gian đó, tần suất giao lưu rất lớn, người dân thường nói chuyện to hơn, tiếp xúc nhiều. Từ đó, khả năng lây nhiễm virus tại đây cũng cao hơn”, ông Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khẳng định đây không phải nguy cơ quá lớn.

Nên cân nhắc để tạo điều kiện cho người dân

Theo PGS Dũng, so với quán nhậu, các nhà hàng ăn, quán cà phê cũng mang đến nguy cơ tương tự khi tại đây vẫn có sự giao lưu giữa nhiều người. Tại các quán cà phê, những nhóm bạn bè cũng thường xuyên tập trung lại từ nhiều quận, huyện khác nhau, qua đó vẫn mang tới khả năng lây nhiễm.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố được cân nhắc khi đưa ra quyết định mở cửa các nhà hàng, quán ăn uống như hiện nay là tỷ lệ tiêm chủng của người dân tại TP.HCM cũng như Hà Nội khá cao.

 Một nhà hàng nằm trong kế hoạch thí điểm phục vụ đồ uống có cồn tại TP Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu.

Một nhà hàng nằm trong kế hoạch thí điểm phục vụ đồ uống có cồn tại TP Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng về mặt chuyên môn, việc bán hàng sau 21h, phục vụ đồ uống có cồn không làm tăng khả năng lây nhiễm hay độc lực của virus.

“Sau 21h có thể là khoảng thời gian không có cơ quan quản lý, công an hay người giám sát. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta cần giao trách nhiệm cho chính chủ nhà hàng. Thậm chí các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường việc giám sát, quản lý. Phòng, chống dịch là công tác thường xuyên, cả ngày lẫn đêm thay vì chỉ trước 21h”, PGS Hùng nói.

Theo ông, 21h đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM là quá sớm. Việc quy định như hiện này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động kinh doanh cũng như cuộc sống của người dân. Do đó, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng các địa phương nên cân nhắc các yếu tố để thay đổi những quy định này.

PGS Đỗ Văn Dũng cũng cho biết một trong những yếu tố được cân nhắc khi đưa ra quyết định mở cửa các nhà hàng, quán ăn uống như hiện nay là tỷ lệ tiêm chủng của người dân.

Do đó, với riêng TP.HCM, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, đề xuất thành phố nên cho các hàng quán này mở cửa hoạt động và phục vụ đồ uống có cồn tại chỗ nhưng phải đảm bảo hướng dẫn của Sở Y tế.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), khẳng định: “Khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao, chúng ta không cần bàn về những nguy cơ này. Điều quan trọng nhất là mình phải kiểm soát người nguy cơ cao chưa tiêm chủng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tập trung vào việc điều chỉnh các vấn đề như phát hiện sớm người nguy cơ cao có diễn biến nặng, đưa họ tới cơ sở điều trị để can thiệp kịp thời”.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ban-hang-sau-21h-phuc-vu-do-uong-co-con-khong-lam-tang-lay-nhiem-ncov-post1277698.html