Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật ngành, nghề sát thực nhất

Tỷ lệ giải ngân vốn Tiểu dự án 3, dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (Chương trình) đạt thấp, nguyên nhân chủ quan chủ yếu do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chưa chủ động tham mưu, triển khai thực hiện các quy định của cơ quan nhà nước cấp trên. Sở cần tham mưu UBND tỉnh lựa chọn những nội dung sát thực tiễn, chọn 10 - 15 nghề cần thiết, phổ thông nhất, đặc biệt phục vụ cho nhu cầu Chương trình để xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.

Đó là nhấn mạnh của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Khóa XIV vừa qua.

Đã có nghị định hướng dẫn thì phải thực hiện

Chất vấn lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, đại biểu Hoàng Trần Nam (huyện Đồng Hỷ) đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ nguyên nhân đến thời điểm hiện tại, sau 4 năm Thông tư 07/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong tổ chức xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật của các ngành, nghề đào tạo theo thẩm quyền) có hiệu lực. Tỉnh vẫn chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đối với các ngành nghề do địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ - một trong những nguyên nhân dẫn tới việc chậm giải ngân vốn sự nghiệp thuộc Chương trình.

Chủ tọa điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Mạnh Hùng

Chủ tọa điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Mạnh Hùng

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Quỳnh Hương khẳng định: trong 2 năm 2022, 2023, tỉnh đã giải ngân 100% số kinh phí có thể giải ngân được, điều đó chứng minh việc chậm giải ngân vốn sự nghiệp thuộc Chương trình không phải do không có định mức kinh tế - kỹ thuật. Mà bởi, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên không phải là đối tượng thụ hưởng của Chương trình, nên số kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị không được phép chi, đã kéo tỷ lệ giải ngân xuống thấp.

Sau khi Thông tư 07/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 1.10.2021, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn với 152 ngành, nghề; chủ động rà soát, lựa chọn 14 ngành, nghề đang có nhu cầu đào tạo lớn để thí điểm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, hiện đã cơ bản hoàn thiện trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Sở nhận thấy còn nhiều khó khăn, phức tạp về nhân lực, kinh phí để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật này, trong khi đó, những năm gần đây chưa có cơ sở, đơn vị nào có nhu cầu, vì có rất nhiều chính sách khác để đào tạo. Vì vậy, Sở đã đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng để áp dụng trên phạm vi toàn quốc, giúp tiết kiệm nhân lực, ngân sách. Đồng thời, tham mưu UBND tạm dừng xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật này để chờ định mức dùng chung. Quá trình chờ quy định, trên địa tỉnh có nhu cầu, sát yêu cầu thực tiễn, Sở sẽ lựa chọn ngành nghề theo thứ tự ưu tiên thị trường lao động, tham mưu UBND tỉnh để ban hành.

Chưa đồng tình với giải trình trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn nhấn mạnh: Tỷ lệ giải ngân vốn Tiểu dự án 3 dự án 5 thuộc Chương trình thấp, nguyên nhân chủ quan chủ yếu do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chưa chủ động tham mưu, triển khai thực hiện các quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên. Sở cần nhận trách nhiệm, đồng thời rà soát, báo cáo chính thức bằng văn bản các nội dung liên quan để có đầy đủ thông tin về các kiến nghị, các bước thực hiện. Đồng thời, đã có nghị định hướng dẫn thì phải thực hiện, trong khi chờ hướng dẫn của Trung ương, Sở cần tham mưu UBND tỉnh lựa chọn những nội dung sát thực tiễn, chọn 10 -15 nghề cần thiết, phổ thông nhất, đặc biệt phục vụ cho nhu cầu Chương trình để xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.

Cần chính sách tổng thể, phối hợp của nhiều cấp, ngành

Đối với các nội dung liên quan đến lĩnh vực dân tộc, đại biểu Ân Văn Thanh (huyện Phú Lương) phản ánh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã sinh sống lâu năm trong vùng quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gặp nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt, sản xuất, đề nghị Ban Dân tộc tỉnh cho biết phương án, giải pháp tham mưu cho tỉnh để tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống, sản xuất đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phan Đức Cường cho biết: Qua rà soát, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã sinh sống lâu năm trong vùng quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, chủ yếu tập trung ở các xã đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp số hộ trong vùng quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để báo cáo UBND tỉnh và đề nghị Ủy ban Dân tộc bổ sung vào đối tượng thực hiện của Dự án 1, Dự án 2 thuộc Chương trình. Khi được điều chỉnh bổ sung, Ban sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và UBND huyện tổ chức thực hiện.

Khẳng định tỉnh đã rất quan tâm, triển khai tốt các dự án, nội dung thành phần trong Chương trình với kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 đạt 40%, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn đề nghị Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu UBND tỉnh rà soát tất cả các nội dung chưa hợp lý để tham mưu, đề xuất đẩy nhanh các giải pháp đã nêu. Đối với các nội dung còn khó khăn, vướng mắc như: chương trình xóa nhà tạm, dột nát; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư xen ghép… UBND tỉnh cần có giải pháp, định hướng lâu dài, chính sách tổng thể và sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành để thực hiện.

TRẦN THU

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/ban-hanh-d%E1%BB%8Bnh-m%E1%BB%A9c-kinh-t%E1%BA%BF---k%E1%BB%B9-thu%E1%BA%ADt-nganh-nghe-sat-thuc-nhat-i378545/