Ban hành Luật Dữ liệu đảm bảo công tác chuyển đổi số
Sáng 8/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường để thảo luận về Dự án Luật Dữ liệu, các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia.
Các ý kiến cho rằng, đây là Dự án Luật hết sức quan trọng, cần thiết để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, cũng có nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của Luật này chưa bao trùm, chưa toàn diện và còn quy định chung chung. Do đó, Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh chồng chéo, trùng lặp với các luật có liên quan nhằm phục vụ phát triển kinh tế số.
Ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến: "Dữ liệu thu thập lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật, không đủ điều kiện kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khó khăn trong khai thác. Cho nên việc luật hóa dữ liệu là hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay".
Bà Phạm Thị Hồng Yến - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề nghị chỉnh lý khái quát các điều kiện trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ về dữ liệu tại Điều 49 của dự thảo Luật. Đối với những nội dung quy định chi tiết, đại biểu đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định đề phù hợp với thực tiễn, đảm bảo cho công tác quản lý và tổ chức thực hiện được linh hoạt.
Nhất trí cao với việc Quốc hội ban hành Luật Dữ liệu trong thời gian sớm nhất, các đại biểu cho rằng, trong chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, quan trọng nhất là cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu là vấn đề mới được Chính phủ đặt ra nên các vấn đề thực tiễn có thể chưa được xem xét một cách đầy đủ, thấu đáo. Đồng thời, các đại biểu cũng băn khoăn liệu đã đủ các căn cứ, đủ các thông tin, tài liệu để xây dựng, ban hành Luật một cách tổng thể hay chưa.
Ông Trần Văn Tiến - Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị: "Quy định cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật, tổ chức thẩm định nội dung các yêu cầu nghiệp vụ, gửi lấy ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để đảm bảo thống nhất với Dự thảo luật, với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật".