Ban hành Nghị quyết mới hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo
Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao vừa ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/5/2022.
Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao vừa ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/5/2022.
Theo đó, Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP đã sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP. Cụ thể: Người bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, nơi làm việc.
Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà tính đến ngày phạm tội lần này đã quá thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.
Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.
Đối với người bị kết án mà vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP đã bổ sung Khoản 6 Điều 2 với nội dung: Khi xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng án treo Tòa án phải xem xét thận trọng, chặt chẽ các điều kiện để bảo đảm việc cho hưởng án treo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các trường hợp hướng dẫn tại Khoản 2, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 3 Nghị quyết này.
Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP như sau: Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy nã hoặc yêu cầu truy nã, trừ trường hợp đã ra đầu thú trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 3 theo hướng, người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ một trong các trường hợp sau: Người phạm tội là người dưới 18 tuổi; người phạm tội bị xét xử và kết án về 2 tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 3. Theo đó, người phạm tội 2 lần trở lên, trừ một trong các trường hợp sau: Người phạm tội là người dưới 18 tuổi; các lần phạm tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng; các lần phạm tội, người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể; các lần phạm tội do người phạm tội tự thú.
Mặt khác, Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP cũng bổ sung Điều 4a vào sau Điều 4 về xác định thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án nhưng cho hưởng án treo đã bị tạm giữ, tạm giam. Theo đó, thời gian đã tạm giữ, tạm giam đối với người bị kết án nhưng cho hưởng án treo không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù để ấn định thời gian thử thách. Trường hợp trong thời gian thử thách nếu họ phạm tội mới hoặc vi phạm nghĩa vụ buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì khi giải quyết Tòa án trừ thời gian họ đã bị tạm giữ, tạm giam này vào thời gian chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo hoặc bản án mới.
Bổ sung Khoản 9 vào Điều 5 như sau: Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo nhưng Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm lần sau.
Ngoài ra, Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP cũng sửa đổi, bổ sung Điều 10 về trường hợp người được hưởng án treo bị buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo do cố ý vi phạm nghĩa vụ. Theo đó, người được hưởng án treo có thể bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 87 của Luật Thi hành án hình sự từ 2 lần trở lên.
Vi phạm nghĩa vụ 2 lần trở lên đối với trường hợp người được hưởng án treo bỏ đi khỏi nơi cư trú không xin phép được xác định như sau: Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo bỏ đi khỏi nơi cư trú không xin phép, cơ quan có thẩm quyền căn cứ Điều 87, Điều 91 và Điều 92 của Luật Thi hành án hình sự lập biên bản vi phạm nghĩa vụ, nhắc nhở lần 1 và triệu tập người này để tiếp tục thi hành án nhưng họ vẫn không có mặt theo giấy triệu tập nên cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm vắng mặt và lập biên bản kiểm điểm vắng mặt. Trường hợp này được xác định là vi phạm nghĩa vụ lần 1.
Căn cứ Điều 93 của Luật Thi hành án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục triệu tập người được hưởng án treo nhưng người này vẫn không có mặt nên bị lập biên bản nhắc nhở lần 2. Cơ quan có thẩm quyền tiếp tục triệu tập người được hưởng án treo nếu người này vẫn không có mặt thì lập biên bản xác nhận sự vắng mặt. Trường hợp này được coi là vi phạm nghĩa vụ lần 2.
Cùng với các nội dung trên, Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP đã bãi bỏ Điều 9; bãi bỏ Mẫu số 01-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP. Đối với hành vi phạm tội xảy ra trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực mà vụ án đang trong quá trình xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm, xét xử tái thẩm thì áp dụng Nghị quyết này để giải quyết. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các văn bản hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.