Bản hùng ca Hà Nội mùa đông năm 1946
Cuối năm 1946, trước tình thế thực dân Pháp lấn tới bước đường cùng là lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động cuộc kháng chiến toàn dân. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô kéo dài 2 tháng đã viết nên một bản hùng ca trong lịch sử kháng chiến giải phóng dân tộc.
Chiến sĩ Hà Nội ôm bom 3 càng quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Ảnh: Tư liệu
Nhiệm vụ vô cùng khó khăn
Nhiệm vụ chiến lược của quân và dân Thủ đô được Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó là đánh địch và giam chân địch trong thành phố càng lâu càng tốt để tạo điều kiện cho Bộ Tổng chỉ huy (Trung ương, Chính phủ) có đủ thời gian rút về khu an toàn; mặt khác, chuẩn bị cho cả nước chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Đây là nhiệm vụ chiến lược trọng đại vô cùng khó khăn đối với quân và dân Thủ đô.
Nhận lệnh của Trung ương, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chỉ đạo tác chiến cho quân và dân Thủ đô. Bộ Tư lệnh và Ủy ban Bảo vệ Khu 11 (Hà Nội) nhanh chóng được thành lập. Cuối tháng 11-1946, Bộ Tổng chỉ huy đã quyết định: “Chiến khu Hà Nội không thể rơi vào thế bất ngờ, nếu địch đánh trước, ta có thể quật lại ngay. Trận đánh ở Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phải tiêu biểu cho tinh thần kháng chiến của cả nước. Hà Nội cần giam chân quân địch ít nhất là một tháng, tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang chiến tranh”.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, lệnh tác chiến đến Thủ đô nhanh nhất. Thủ đô nổ súng đúng giờ quy định mở đầu kháng chiến toàn quốc. Trong suốt hai tháng chiến đấu, Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã có những quyết sách kịp thời cho các khu vực tác chiến (Liên khu 1, 2, 3); Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo thống nhất mặt trận nội và ngoại thành kịp thời chia lửa, chi viện cho nhau. Dù lần đầu tổ chức chiến đấu quy mô lớn nhưng những phương châm tác chiến cụ thể của Bộ Chỉ huy (như trong đánh - ngoài vây, trong ngoài cùng đánh, tổ chức hoạt động tác chiến nghi binh lừa địch) luôn được đưa ra đúng lúc, sáng tạo, linh hoạt. Lực lượng chiến đấu trong nội thành gồm nhiều đơn vị khác nhau. Ngoài đông đảo nhân dân Thủ đô tích cực tham gia chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu, lực lượng vũ trang tập trung có tiểu đoàn Vệ quốc, 9 khẩu đội pháo (pháo mặt đất, pháo cao xạ) bố trí ở vùng ngoại thành. Ngoài ra, ta còn có một số đơn vị thuộc lực lượng Công an xung phong, cùng hàng ngàn chiến sĩ “sao vuông” thuộc lực lượng tự vệ và hàng ngàn du kích vùng ven - những người tự nhận mình là “nửa dân, nửa lính”. Điểm đặc biệt là, trong lực lượng chiến đấu ở Hà Nội còn xuất hiện các đội quyết tử là những chiến sĩ sẵn sàng ôm bom 3 càng lao vào xe tăng địch.
Ngày 13-1-1947, Đội quyết tử của Trung đoàn Thủ đô được tổ chức và làm lễ tuyên thệ trước khi bước vào đợt chiến đấu mới với khẩu hiệu như “Chúng ta thà sống chết với Thủ đô”, “Chúng ta còn thì Thủ đô không bao giờ mất”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”... Tất cả các đơn vị này đều đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Bộ Chỉ huy Mặt trận, họ được tổ chức chặt chẽ với tinh thần xả thân vì Thủ đô, vì đất nước. Dù chưa dày dạn kinh nghiệm trận mạc, vũ khí lại thiếu thốn, phải chống lại đội quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp, nhưng rõ ràng, Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã tổ chức thành công cuộc chiến đấu có tầm vóc lịch sử và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Bên cạnh lực lượng nội thành, các đơn vị xung quanh Hà Nội đã phối hợp chiến đấu thường xuyên với quân và dân Thủ đô. Lực lượng ngoại thành thường tổ chức đánh phá phía sau lưng địch, chi viện cho đồng đội ở tuyến trong. Trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt tại Liên khu 1, các đơn vị phía ngoài đã tiến công địch nhiều nơi, nhất là từ hướng Hà Đông - Hà Nội, buộc quân viễn chinh Pháp phải phân tán lực lượng, không thể tập trung quân vào vùng chiến sự trọng điểm. Đánh giá về lực lượng vũ trang cách mạng Thủ đô thời gian này, học giả Pháp Delliver Phillipe đã nhận xét: “Các yếu tố vũ trang chính quy Việt Minh... và còn rất đông các đội quân tự vệ đặt ra một vấn đề vô cùng khủng khiếp, chúng ta (Pháp) không làm sao nới rộng được cái thòng lọng Việt Minh”.
Như vậy, lực lượng chiến đấu của ta trong lòng Hà Nội là đạo quân hợp thành, bao gồm lực lượng chủ công, lực lượng cả phía trước và phía sau, lực lượng vũ trang tập trung và lực lượng bán vũ trang. Dưới sự lãnh đạo chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Chỉ huy Mặt trận, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô đã được tổ chức chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ tác chiến chiến lược. Trong chiến đấu, các lực lượng này đã phối hợp tác chiến, hiệp đồng tương đối chặt chẽ tạo nên thế trận nhiều lớp, nhiều tầng khiến đạo quân viễn chinh của Pháp phải lao đao đối phó. Có thể nói, chính đội quân “tổng hợp” này đã tạo nên ngay từ đầu, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, một thế trận chiến tranh nhân dân trong lòng thành phố.
Khả năng hiệp đồng, tinh thần chiến đấu quả cảm
Quân và dân Hà Nội đã thực hiện đánh địch một cách chủ động trên tất cả những vị trí, địa bàn quan trọng trong thành phố bằng mọi lực lượng, vũ khí trong tay. Cuộc chiến đấu ở Liên khu 1 tiêu biểu cho cuộc chiến đấu ở Thủ đô. Trong kế hoạch kháng chiến bảo vệ Thủ đô, Khu ủy, Ủy ban Bảo vệ và Bộ Chỉ huy khu 11 chủ trương “Xây dựng Liên khu 1 thành một chốt thép kiên cường ở trung tâm Thủ đô, thu hút và kiềm chế lực lượng quân Pháp, giam chân địch dài ngày trong thành phố”. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy, Ủy ban Kháng chiến và Bộ Chỉ huy Khu 11, Liên khu ủy, Ủy ban Kháng chiến Liên khu 1 đã lãnh đạo thực hiện xuất sắc nhiệm vụ trên, làm cho cuộc chiến đấu của quân và dân Liên khu 1 trở thành đỉnh cao của cuộc kháng chiến ở Thủ đô.
Dù mặt trận nóng bỏng nhất và đồng thời cũng là mặt trận cuối cùng trong 2 tháng chiến đấu là Liên khu 1, nhưng phạm vi cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra khắp các phố phường và có khi còn vượt qua các cửa ô, lan ra ngoại thành. Các đơn vị ngoại thành chia lửa với quân và dân nội thành, đã tập kích địch từ nhiều hướng, buộc chúng phải đối phó cả từ phía trước lẫn phía sau. Đó là sự phối hợp của nhiều trận đánh đồng thời và kế tiếp, có tác dụng hỗ trợ cho từng cánh quân chiến đấu.
Chủ trương của Bộ Chỉ huy là không đánh trận địa với địch, không thủ hiểm nên đã làm cho thế trận chiến tranh nhân dân diễn ra khắp trong và ngoài thành phố. Trận đánh ở khu chợ Đồng Xuân ngày 14-2-1947 là một biểu tượng thắng lợi, một điểm sáng trong cuộc tổng giao chiến này. Trung tướng Vương Thừa Vũ từng nhận xét: “Không biết các cậu đó đã đánh thế nào mà trụ được khá lâu, vượt xa cả dự kiến của lãnh đạo, thực sự làm quân địch tại chỗ và cả nước Pháp bàng hoàng trong khi vô cùng chênh lệch về hỏa lực và quân số”. Dù trận chiến cuối cùng ác liệt nhất ở khu chợ Đồng Xuân, nhưng nói chung, cho tới khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi nội thành, chiến sự vẫn diễn ra dù mức độ ở nhiều nơi có khác nhau.
Theo yêu cầu của Trung ương, quân và dân có nhiệm vụ vừa đánh và giam chân địch trong thành phố khoảng 1 tháng. Với điều kiện so sánh tương quan lực lượng lúc đó, việc đánh địch và giam chân chúng trong 2 tháng, sau đó rút về cứ địa an toàn thể hiện khả năng tổ chức chỉ huy và bản lĩnh chiến đấu kiên cường của quân và dân Thủ đô. Có thể nói, lịch sử chiến tranh thế giới chưa thấy có sự kiện nào mà ở đó lực lượng kháng chiến có thể trụ được ở thủ đô trong vòng 2 tháng khi mà tương quan lực lượng 2 bên quá chênh lệch như ta và Pháp ở Hà Nội vào cuối năm 1946.
Tất nhiên, không có cuộc chiến đấu nào với quy mô lớn như các chiến sĩ Thủ đô đã thực hiện mà không có hy sinh, tổn thất. Tuy nhiên, tỷ lệ tử thương của quân ta trong 2 tháng chiến đấu ở Hà Nội khá thấp. Lực lượng bộ đội được bảo toàn và trưởng thành trong khói lửa Thủ đô. Vì vậy, bộ đội Thủ đô được Bác Hồ biểu dương: “Các chú giam chân địch một tháng là thắng lớn. Đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lớn”. Đạo quân cách mạng non trẻ không những bảo toàn được mình mà còn gieo mầm, đủ “vốn” để xây dựng đơn vị chủ lực lớn mạnh sau này.
Cuộc chiến đấu 2 tháng trời của quân và dân Thủ đô kể trên xứng đáng được xếp vào chiến dịch lịch sử đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam và chiến dịch này cùng với chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” năm 1972 ở Hà Nội góp phần làm rạng rỡ mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.