Bản hùng ca phố: Âm nhạc và ký ức về một Thủ đô bất khuất

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cùng với Đài Truyền hình Việt Nam đã lựa chọn Hoàng thành Thăng Long để tổ chức chương trình 'Hà Nội - Bản hùng ca phố'. Chương trình được truyền hình trực tiếp vào 20h10 ngày 10/10 trên kênh VTV1, VTVgo.

Những ngày tháng lịch sử hào hùng của Thủ đô

Hà Nội, mỗi con đường, mỗi ngôi nhà đều là những chứng nhân lịch sử, lặng lẽ và kiên cường dõi theo bao sự kiện, từ đổ nát khốc liệt của chiến tranh đến ngày về huy hoàng chiến thắng (10/10/1954), 12 ngày đêm bất khuất, bản lĩnh làm nên Điện Biên Phủ trên không (1972); hồi sinh mạnh mẽ sau 2 cuộc chiến tranh để trở thành “Thành phố vì hòa bình” được UNESCO công nhận (1999) và tiếp tục là Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế (2019).

“Hà Nội - Bản hùng ca phố” là chương trình nghệ thuật chính luận, gợi nhớ đến những ngày tháng lịch sử hào hùng của Thủ đô và sự tiếp nối của thế hệ ngày nay trong công cuộc gìn giữ hòa bình, sáng tạo và phát huy nét văn hóa của Hà Nội”.

Chương trình quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

Chương trình quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

Biên tập viên Trần Thu Hường - tác giả kịch bản chia sẻ: Hà Nội luôn mang vẻ đẹp rất riêng, rất đặc biệt. Hà Nội hiện lên qua phim, qua âm nhạc, kiến trúc hội họa.. . Nếu xem một bức tranh, một bộ phim hay lắng nghe một câu thơ, một giai điệu cũng có thể mường tượng ra hay gợi nhắc về hoàn cảnh lịch sử của Hà Nội lúc đó: Nghe Người Hà Nội là có thể thấy một Thủ đô đỏ lửa những ngày “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; Nghe Trùng trùng quân đi như sóng/lớp lớp đoàn quân tiến về là như thấy trước mắt một Hà Nội rực rỡ cờ hoa trong ngày giải phóng…

Cuộc gặp gỡ những nhân chứng lịch sử

“Hà Nội - Bản hùng ca phố” gồm 3 chương: Trận địa trong thành phố, 9 năm rừng lòng vẫn Thủ đô, Bài ca Hà Nội, sẽ đưa khán giả trở lại với những câu chuyện lịch sử về Hà Nội, gặp gỡ những nhân chứng của 70 năm trước, và xa hơn là của gần 80 năm trước, khi toàn quốc kháng chiến. Hà Nội chính là nơi đầu tiên nổ ra tiếng súng báo hiệu trận chiến lớn của toàn dân tộc.

Trong chương trình, khán giả sẽ gặp gỡ đồng chí Nguyễn Văn An - Nguyên Chủ tịch Quốc hội - một trong những chiến sĩ tự vệ trẻ tuổi nhất Nhà máy điện Bờ Hồ. Đồng chí Nguyễn Văn An đã tham gia bảo vệ nhà máy để khi chính quyền tiếp quản Hà Nội vẫn sáng đèn - biểu tượng của một Thủ đô với văn minh, ổn định, trật tự với một sự khởi đầu mới.

Chương trình diễn ra tại Khu di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long - số 19C Hoàng Diệu, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Chương trình diễn ra tại Khu di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long - số 19C Hoàng Diệu, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Ngoài ra, khán giả còn được gặp gỡ Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Phùng Đệ - nhà quay phim chiến trường kỳ cựu. Trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội năm 1946, ông mới là một vệ út 13 tuổi, làm liên lạc cho các đơn vị trong thành, có mặt trong cuộc lui quân lịch sử ngày 17/2/1947. Gặp gỡ bà Phạm Thị Viễn - nữ tự vệ 22 tuổi của Nhà máy cơ khí Mai Động, đầu chít khăn tang trắng vẫn kiên cường bên mâm pháo bảo vệ bầu trời Hà Nội và góp phần hạ gục chiếc máy bay F111A vào đêm 22/12/1972…

Âm nhạc là mạch nối cảm xúc

Các phần dàn dựng trong chương trình được kết hợp giữa âm nhạc, ánh sáng, công nghệ trình chiếu 3D và sự trình diễn của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ như: Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tấn Minh, NSƯT Đăng Dương, Hồng Nhung, Tùng Dương, Trọng Tấn, Vũ Thắng Lợi, Phạm Thu Hà, Bảo Trâm, Tạ Quang Thắng, Tố Loan, Đông Hùng, Lê Anh Dũng, nhóm nhạc Oplus, Tường Linh, Violinist Minh Hiền, Violinist Hải Ngọc… để tạo nên một “Hà Nội - Bản hùng ca phố” cả với chiều sâu cảm xúc, bề dày lịch sử của Thủ đô.

Đảm nhận vai trò Giám đốc âm nhạc của “Hà Nội - Bản hùng ca phố” là nhạc sĩ Lưu Hà An. Anh đã làm cho các tác phẩm âm nhạc kinh điển có màu sắc mới, khi thì hùng hồn hào sảng như "Người Hà Nội", "Hà Nội niềm tin và hy vọng", lúc lắng lại da diết như bản mashup "Hướng về Hà Nội - Áo mùa đông", cũng có khi trong trẻo hồn nhiên như "Em bé Hà Nội"…

Nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ: “Sự kiện Tiếp quản Hà Nội 10/10/1954 là kết quả của 9 năm kháng chiến trường kỳ với bao máu xương và chiến công của dân tộc, tiêu biểu là Điện Biên Phủ lẫy lừng. Ngày tiếp quản 10/10 là ngày đánh dấu mốc son Hà Nội chính thức là Thủ đô giải phóng của đất nước Việt Nam vừa được thế giới công nhận chủ quyền độc lập. Câu chuyện ngày 10/10 - ngày vinh quang của dân tộc giành được tự do được kể lại bằng hình ảnh tư liệu và phỏng vấn nhân chứng, bằng âm nhạc và thước phim, sẽ mang lại cảm hứng lịch sử niềm tự hào sâu sắc cho khán giả”.

“Hà Nội - Bản hùng ca phố” sẽ được truyền hình trực tiếp vào 20h10 ngày 10/10 trên kênh VTV1, VTVgo. Quý khán giả có thể đến xem trực tiếp chương trình tại Khu di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long - số 19C Hoàng Diệu, Quận Ba Đình, Hà Nội (miễn vé vào cổng).

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ban-hung-ca-pho-am-nhac-va-ky-uc-ve-mot-thu-do-bat-khuat-178824.html