Bản hùng ca Tháng Tám
Hòa chung khí thế tiến công của cả nước, cách đây 74 năm, những người con đất Mường đã 'rũ bùn đứng dậy' để làm nên những ngày cách mạng quật khởi, phá bỏ xiềng xích nô lệ giành lại độc lập, tự do, viết nên bản hùng ca Tháng Tám.
Mùa thu Tháng Tám: cờ thắm tung bay ngang trời
Lệnh tổng khởi nghĩa của Xứ ủy cấp tốc đưa về Chiến khu Mường Khói (Lạc Sơn) lúc đêm 19, rạng sáng ngày 20/8/1945. Từ đây, những đội quân nông dân được tập hợp, hừng hực khí thế tiến công. "Những tháng ngày theo cách mạng, nhập vào hàng quân cứu quốc, chúng tôi luôn mơ tới thời cơ hành động để quét sạch bày giặc cướp nước. Ý chí chúng tôi đã rèn, vũ khí đã trong tay. Một lòng bước đi theo tiếng gọi đất nước... Trong buổi sơ khai ấy, chúng tôi đã sát cánh bên nhau, hướng theo lá cờ đỏ sao vàng vẫy gọi. Chúng tôi tin tưởng vững vàng ở sức mình, đầy khí thế bạt núi lấp sông. Bước theo con đường cứu nước, cứu nhà mà ông cha đã từng mở lối” - trong hồi ký của mình, ông Quách Đức Rưỡng, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội tự vệ đỏ Chiến khu Mường Khói thời kỳ trước và trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nguyên Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn xúc động viết.
Từ đêm 19/8/1945 ấy, từ Chiến khu Mường Khói với những đoàn người giương cao cờ đỏ sao vàng giành lại chính quyền về tay nhân dân tại châu Lạc Sơn trưa ngày 20/8/1945 đã như một con sóng lớn, dồn dập đưa khí thế đấu tranh cách mạng tỏa khắp vùng đất "bốn Mường" lần lượt giành chính quyền về tay nhân dân. Theo đó, ngày 20/8, sau khi giành được chính quyền ở châu Lạc Sơn, sáng ngày 21/8/1945, đoàn quân khởi nghĩa gồm hàng trăm người giương cao cờ đỏ sao vàng rầm rập theo đường 12A hướng về thị xã tỉnh lỵ. Trên đường đi, đoàn quân khởi nghĩa đã hội quân cùng với các địa phương khác trong tỉnh hướng về giải phóng chính quyền tỉnh lỵ tại thị xã Hòa Bình. Đến sáng ngày 23/8/1945, đoàn quân khởi nghĩa tiến thẳng vào Phương Lâm, giành chính quyền tỉnh một cách nhanh gọn. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ thành công có ý nghĩa quyết định thúc đẩy mạnh mẽ việc giành chính quyền ở những nơi còn lại. Trong đó, ngày 25/8/1945, lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân châu Mai Đà khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ngày 26/8/1945, được sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân, lực lượng Việt Minh ở châu Lương Sơn cũng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Như vậy, chỉ trong 7 ngày (từ 20 - 26/8/1945), LLVT tập trung từ các khu căn cứ, kết hợp với nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong toàn tỉnh. Trong quá trình khởi nghĩa, ta đã tuyên truyền, vận động thuyết phục quân Nhật, lính bảo an, các quan Lang giao nộp toàn bộ tài sản, hồ sơ, ấn triện, 600 khẩu súng các loại và nhiều đạn dược.
Bản hùng ca của độc lập, tự do
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong mùa thu Tháng Tám ở tỉnh giành thắng lợi đã đánh đổ ách thống trị của kẻ thù xâm lược và phong kiến tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi này đã góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc, xây dựng nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó chính là bản hùng ca của độc lập, tự do khi đã đưa người dân xứ Mường từ thân phận nô lệ, áp bức bởi xiềng xích của chế độ thực dân, phong kiến, đưa người dân từ bùn đen đứng dậy trở thành những người dân tự do của một đất nước độc lập. Theo cụ Lê Thị Tâm, lão thành cách mạng - người đã được chứng kiến, hòa mình vào phong trào đấu tranh cách mạng từ bí mật đến công khai trong giai đoạn trước và sau năm 1945, đây thực sự là một cuộc cách mạng mang ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Thắng lợi này là kết quả của cả một quá trình kiên trì, bền bỉ vận động, đấu tranh cách mạng của Đảng. Cao hơn nữa, đó là thắng lợi của truyền thống đoàn kết toàn dân, không phân biệt giai cấp, dân tộc; thắng lợi của chủ trương đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền, giác ngộ các tầng lớp trên của xã hội để họ đi theo và phục vụ cách mạng. Đây cũng là thắng lợi của tinh thần, ý chí kiên quyết dùng đấu tranh vũ trang cách mạng một cách hợp lý để đánh thắng kẻ thù, giành thắng lợi về cho nhân dân...
Để giành được những thắng lợi trên, phong trào cách mạng của tỉnh đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, trở lực. Bởi giai đoạn 1930 - 1945 là thời kỳ đấu tranh rất phức tạp, đầy sóng gió và tổn thất của cách mạng vì kẻ thù đã "phát xít hóa” chính sách cai trị. Bằng mọi cách, mọi thủ đoạn chúng thực hiện mục tiêu dập tắt phong trào cách mạng để bảo vệ địa vị thống trị. Do vậy, phong trào cách mạng ở Hòa Bình không chỉ một lần vừa được nhen nhóm đã bị đàn áp, khủng bố, tan vỡ hoặc phải tạm thời lắng xuống, rút vào hoạt động bí mật, nhiều cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man... Tuy nhiên, vượt lên tất cả, phong trào cách mạng ở Hòa Bình đã đi đến thắng lợi cuối cùng. Thắng lợi này là bước ngoặt vĩ đại, mở đường cho mọi chiến thắng của nhân dân các dân tộc tỉnh trong đấu tranh cách mạng những giai đoạn tiếp theo. Thắng lợi này, ngoài việc giải phóng nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình khỏi ách áp bức của chế độ thực dân, phong kiến còn góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng trong cả nước.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/132151/ban-hung-ca-thang-tam.htm