Bản hùng ca trên đỉnh Pa Pông

Ðội TNXP đảm bảo giao thông trên một tuyến đường trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Ảnh minh họa) - Nguồn: TTXVN

Năm 2018, từ đất Tổ, nhà thơ Ngô Thái lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Phú Yên. Ðón ông tại sân bay Tuy Hòa là nhạc sĩ Ngọc Quang. Sống cách nhau hơn nghìn cây số, họ quý nhau bởi sự đồng điệu trong tâm hồn và cùng thực hiện một dự án đặc biệt: đưa âm nhạc vào trường ca Con Lạc cháu Hồng trên đỉnh Pa Pông.

NGÀY ẤY, TRÊN ÐỈNH PA PÔNG…

Con Lạc cháu Hồng trên đỉnh Pa Pông là trường ca về Ðội Thanh niên xung phong (TNXP) 253 anh hùng thuộc Tổng đội 572. Những chàng trai, cô gái xa gia đình, xa quê hương đã vượt lên gian khổ, hy sinh, góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã sát cánh bên người dân Lào trong cuộc chiến giải phóng dân tộc... Họ lập nên những chiến công trên đỉnh Pa Pông của nước bạn Lào.

“Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước sang giai đoạn ác liệt, yêu cầu chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn. Ðế quốc Mỹ cho máy bay đánh phá ác liệt trên tất cả các tuyến đường giao thông, các cơ sở kinh tế, quốc phòng, bệnh viện, trường học, khu dân cư… hòng hủy diệt và chặn đứng sự chi viện của miền Bắc.

Theo đề nghị của Ðảng và Chính phủ Lào, Trung ương Ðoàn Thanh niên đã tuyển chọn lực lượng thanh niên xung phong sang giúp nước bạn đảm bảo giao thông, mở rộng, nâng cấp tuyến đường 6 và 217B, nối liền biên giới Việt Nam sang tỉnh Hủa Phăn của nước bạn.

Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, những người con đất Tổ không nề hà gian khổ, không ngại xa quê, gác tình riêng đi làm nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho”, nhà thơ Ngô Thái mở đầu trường ca Con Lạc cháu Hồng trên đỉnh Pa Pông.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, người đội phó Ðội TNXP 253 ngày ấy giờ đây tóc đã bạc, song ký ức về một thời hoa lửa vẫn chưa phai nhòa. Ông nhớ lại: “Tổng đội TNXP 572 lúc đó có hơn 6.000 quân; Ðội TNXP 253 có trên 1.200 quân, được giao nhiệm vụ mở tuyến đường chiến lược 217B dài 64km nối căn cứ cách mạng Viêng Xay tỉnh Hủa Phăn đến biên giới Việt Nam. Ðội của chúng tôi trấn giữ một trong những trọng điểm ác liệt. Trên đỉnh Pa Pông cao hơn 1.000m là Ðội 253. Biết bao gian khổ, biết bao hy sinh trong những năm tháng đó…”.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Ngô Thái đã viết đơn đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Ðội TNXP 253. Ông biết rằng việc này không hề đơn giản, vì phải trải qua nhiều quy trình, thủ tục. “Năm 2010, được tin Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Ðội TNXP 253, trong tôi như có một dòng điện chạy qua. Và tôi nghĩ phải viết gì đó để lại cho đơn vị”, nhà thơ Ngô Thái kể.

Bao ký ức của một thời rực lửa ùa về, nhà thơ từng khoác áo TNXP bắt tay viết trường ca.

“...Nhiệm vụ phân công xuyên rừng, mở tuyến

Hướng hành quân tiền tuyến vẫy chào

Ðường ta đi về phía bạn Lào

Vượt núi cheo leo, vượt bao ghềnh thác.

Câu hát xòe hoa, nghe lá rơi xào xạc

Cô gái Thái chia tay trao gối cỏ rừng

Một sợi chỉ hồng, một câu hát bưng lưng

Buộc cổ tay thay bao lời hẹn ước.

Con Lạc cháu Hồng đang tiến lên phía trước

Ðèo Pa Pông biên giới trập trùng mây…”

(Chương I: Lên đường)

Trường ca Con Lạc cháu Hồng trên đỉnh Pa Pông được viết từ người thật việc thật, từ những rung cảm rất thật của một TNXP. Sau 3 tháng, nhà thơ Ngô Thái hoàn thành tác phẩm lớn của mình. Trường ca gồm 5 chương: Lên đường, Vượt Bắc Trường Sơn, Mở cung đường mới, Trường học lớn, Hy sinh và chiến thắng. Xuyên suốt hơn 300 câu thơ là tinh thần lạc quan, vượt lên bao khó khăn, gian khổ:

“…Vượt dốc Pha-la-đây, lại xuống lạch ngầm

Qua đỉnh Phu-lau*, Nậm-Nơm* thác lũ

Nắng thu nhuộm vàng những cánh rừng lá đỏ

Nhuộm tím dòng suối nhỏ lượn sườn non

Vết chân người đi, vẽ thành nét đường mòn

Ðường ra trận nhiều nơi như thắng cảnh

Dù phía trước sẽ là ngàn trận đánh,

Ta vẫn tự hào: Ôi Tổ quốc đẹp sao...!”

(Chương II: Vượt Bắc Trường Sơn)

Tác phẩm này được NXB Thanh Niên cấp phép xuất bản và đã đến tay đồng đội của nhà thơ Ngô Thái trong ngày đơn vị đón nhận danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 9/7/2010). Năm 2015, trường ca được tái bản.

Nhà thơ Ngô Thái (bên phải) và nhạc sĩ Ngọc Quang tại sân bay Tuy Hòa - Ảnh: CTV

Nhà thơ Ngô Thái (bên phải) và nhạc sĩ Ngọc Quang tại sân bay Tuy Hòa - Ảnh: CTV

ÂM NHẠC QUYỆN VỚI TRƯỜNG CA

Nhà thơ Ngô Thái và nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ngọc Quang, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, biết nhau đã lâu, qua sự kết nối của các tác phẩm thi ca và âm nhạc. “Thơ tôi có tính nhạc và được nhạc sĩ Ngọc Quang đồng cảm. Anh ấy đã phổ nhạc gần 10 bài thơ của tôi, nhiều bài rất hay. Ðọc trường ca Con Lạc cháu Hồng trên đỉnh Pa Pông, anh Ngọc Quang đưa ra ý tưởng này. Và tôi vào Phú Yên gặp anh ấy để cùng bàn bạc về dự án”, nhà thơ Ngô Thái kể về chuyến đi năm đó.

Có 12 ca khúc được nhạc sĩ Ngọc Quang sáng tác và đưa vào trường ca Con Lạc cháu Hồng trên đỉnh Pa Pông. Tác giả Yêu lắm quê mình, Hồn đá, Thạch Bi Sơn… cho biết, thể loại âm nhạc được sử dụng là hợp xướng, tốp ca, đơn ca có vocal. Bên cạnh những ca khúc có giai điệu hùng tráng là một số ca khúc khai thác chất liệu dân ca Việt Nam.

Biết bao xương máu của TNXP đã đổ xuống các cung đường, trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Chúng tôi muốn làm điều gì đó để mọi người nhớ về những năm tháng ấy và hiểu nhiều hơn về lực lượng TNXP”, nhà thơ Ngô Thái chia sẻ. Nhạc sĩ Ngọc Quang nói rằng chiến tranh vẫn còn hiện hữu trong nhiều gia đình, và có rất nhiều “hòn Vọng Phu không hóa đá”. Dự án của hai văn nghệ sĩ đã ghi khắc bằng thơ và nhạc những đóng góp, hy sinh của bao chàng trai, cô gái cách đây gần 50 năm, đồng thời tái hiện một chặng đường mà hai nước Việt - Lào chung lưng góp sức chống xâm lược.

Với trên 300 câu, bản trường ca đã tái hiện truyền thống anh hùng của một thời son trẻ của Ðội TNXP 253 nói riêng, Tổng đội 572 nói chung.

Ông NGUYỄN VĂN ÐỆ,

nguyên Bí thư Trung ương Ðoàn,

Trưởng Ban chỉ đạo TNXP chống Mỹ cứu nước

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/234287/ban-hung-ca-tren-dinh-pa-pong.html