Bàn kế thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định
Bình Định đang phấn đấu đến năm 2025 đưa huyện miền núi An Lão, huyện nghèo cuối cùng của tỉnh thoát nghèo. Nhiều mô hình phát triển kinh tế nông hộ như chăn nuôi bò, nhím, trồng bưởi da xanh, trồng cây dược liệu dưới tán rừng…đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo
Trước đây, gia đình anh Đinh Văn Nông, người H’re, ở xã An Hưng, huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định thuộc diện hộ nghèo. Cách đây vài năm, gia đình anh vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện để trồng keo. Có nguồn thu từ keo, anh trả nợ Ngân hàng và tiếp tục đầu tư 110 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi nhím. Anh Nông mua 17 cặp nhím sinh sản thả nuôi. Đến nay, anh đã bán được lứa nhím giống đầu tiên. Với giá 400 ngàn đồng/1kg nhím con giống, gia đình anh có thu nhập ổn định. Anh khoe vừa mua thêm 10 cặp nhím giống sinh sản thả nuôi, hy vọng kinh tế gia đình sẽ khấm khá hơn.
“Xác định đầu tư con nhím, đầu tiên mình làm chuồng trại. Nhà mình trồng 1 sào rau muống, 1 sào rau lang và 1 sào cây mỳ, càng nhiều càng tốt. Tự mình chăm sóc, bón phân rồi cho ăn, sáng cho ăn 1 lần, tối cho ăn 1 lần vậy thôi. 1 năm nhím đẻ trong vòng 3 năm bán được, người ta vô hỏi nhưng mình không bán, để nuôi thêm cho đẻ thêm”- Anh Nông nói.
An Lão là huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định với tỷ lệ hộ nghèo gần 29%, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiến hơn 70%. Tỉnh Bình Định hỗ trợ người dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi như: trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nuôi gà thả đồi, bò lai sinh sản… Cuối năm 2020, Quỹ Môi trường toàn cầu phối hợp với UBND huyện An Lão và Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định triển khai Dự án chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc thiểu số. 90 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na ở xã An Toàn đã tham gia dự án này. Theo đó, địa phương thành lập 3 tổ liên kết bảo vệ chè dây mọc tự nhiên, trồng 2.000 m2 chè dây tại rẫy và khoanh nuôi dưới tán rừng 5.000 m2 chè dây. Hiện, dự án phát huy hiệu quả khi đồng bào Ba Na đã làm chủ được quy trình trồng, chăm sóc chè dây theo hướng hữu cơ.
Chị Đinh Thị Nớ, người Ba Na, ở xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định cho rằng, khi tham gia dự án, bà con không còn thu hái bừa bãi và có thu nhập ổn định. Chị cho hay: “Công ty Dược chỉ dẫn cũng hiểu được biết chăm sóc cũng tạm ổn. Ở đây mình làm cỏ xong xuôi. Ước mong sau này được thu hái cho nhiều thu nhập cho ổn định cho gia đình được sung sướng hạnh phúc”
Huyện An Lão, tỉnh Bình Định đang xây dựng “Đề án giảm nghèo giai đoạn 2023-2025”, phấn đấu đến 2025, huyện thoát khỏi danh sách huyện nghèo. Địa phương này ưu tiên cấp đất sản xuất cho gần 1.700 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. Huyện phát động thanh niên chủ động tham gia xuất khẩu lao động, tiếp cận công nghệ các nước tiên tiến:
“Để giảm nghèo bền vững thì hiện nay cũng đang triển khai các mô hình dự án để hỗ trợ phát triển sản xuất cho bà con. Đó là phát triển đàn bò lai, trâu, đàn heo đen, gà đồi. Ngoài ra, huyện cũng đang nghiên cứu đề xuất với tỉnh có cơ chế đặc thù với huyện để phát triển gần 1.000 ha trồng dược liệu dưới tán rừng. Đây là bài toán nâng cao thu nhập cho bà con”-Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi An Lão, nói.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho rằng, việc triển khai các đề án, chương trình thoát nghèo tại các huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân chưa thực sự hiệu quả. Các địa phương đều có nhiều chương trình, đề án thoát nghèo nhưng thiếu sự phối hợp nên hiệu quả không cao, dân thì chưa thoát nghèo. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đề nghị các sở ngành, địa phương trong tỉnh linh hoạt lồng ghép nguồn lực từ các chương trình xóa nghèo để tạo sự bứt phá trên hình giảm nghèo của người dân.
“Cái gì cũng làm nhưng hiệu quả thực tế lại là dân vẫn cứ nghèo thế. Tôi đề nghị riêng chương trình mục tiêu quốc gia UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách, phải lồng ghép các chương trình đó lại để thành 1 tổng thể của 1 địa phương, thiếu cái gì chúng ta xây dựng cơ chế chính sách. Bây giờ để người ta thoát nghèo thì mua cho con bò, trung ương cho 10 triệu, giá thị trường 15 triệu thì 5 triệu đó chúng ta cho vay, cho mượn hỗ trợ… nhưng do không phối hợp nên tiền thì không giải ngân được, bò thì không mua được, nghèo thì vẫn cứ nghèo”- Bí thư Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu./.