Băn khoăn chọn ngành mới mùa tuyển sinh đại học 2023
Tuyển sinh năm 2023, nhiều cơ sở giáo dục đại học mở ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu người học và thị trường lao động.
Tuy nhiên, với ngành mới, nhiều thí sinh và phụ huynh băn khoăn, có nên mạo hiểm lựa chọn?
Lựa chọn thông minh
Tại chương trình tọa đàm trực tuyến “Thí sinh chọn ngành học theo bản thân hay xu hướng xã hội”, PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển - nhìn nhận: Nhiều xu hướng mới ra đời nhằm đáp ứng sự phát triển của kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ. Theo đó, một số ngành có thể mất đi nhưng nhiều ngành học mới ra đời, mở ra các cơ hội việc làm mới cho sinh viên. Có thể, ngành nghề gắn với yếu tố công nghệ sẽ thu hút và tạo cơ hội việc làm cho thí sinh thời gian sắp tới.
“Nói như vậy, không có nghĩa các em bắt buộc phải học công nghệ thông tin mới có tiềm năng phát triển. Các ngành khác gắn với công nghệ cũng nhiều tiềm năng. Chẳng hạn như, nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng các công nghệ để trồng trọt, tạo ra năng suất tốt hơn” - PGS.TS Trần Trọng Nguyên trao đổi.
Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, khi một ngành mới được mở ra, các trường đại học phải căn cứ vào chiến lược phát triển của đất nước, điều kiện kinh tế - xã hội và đặc thù ngành nghề, cơ sở đào tạo. Ngoài ra, những ngành học mới đều được các trường nghiên cứu kỹ càng, chuẩn bị cẩn thận thì mới tuyển sinh.
Do đó, nếu thí sinh thật sự thấy yêu thích, muốn học và có năng lực để theo học thì nên lựa chọn. Các em có thể là người tiên phong với nhiều lợi thế sau này. Nếu như các chương trình đang đào tạo thời gian cập nhật nội dung phải sau 1 - 2 năm. Nhưng các ngành mới, sự cập nhật bao giờ cũng nhanh nhất. Theo đó, những kiến thức, nội dung hay và hợp lý, có tính liên ngành sẽ được đưa vào ngành mới, chúng ta dễ dàng cập nhật, thay đổi từ đầu.
“Khi mở ngành mới, tất nhiên các trường đã có tầm nhìn xa về cơ hội việc làm trong tương lai. Tôi nghĩ, đây là sự lựa chọn có thể yên tâm; thậm chí là sự lựa chọn thông minh. Hãy mạnh dạn lựa chọn nếu các em thấy phù hợp năng lực, đam mê, sở thích, điều kiện tài chính, điểm thi” - PGS.TS Nguyễn Phú Khánh tư vấn.
Ngành mới song hành cơ hội việc làm mới?
Cho rằng xu hướng liên ngành ngày càng phát triển, Trường ĐH Phenikaa nhìn nhận, những ngành nghề có tiềm năng phát triển hiện nay gồm các nhóm: Công nghệ thông tin liên quan đến AI, trí tuệ nhân tạo; tự động hóa; ngành kinh tế, kinh doanh như: Kinh doanh quốc tế, logistics, phân tích dữ liệu; ngành khoa học sức khỏe, đặc biệt sau thời gian Covid-19 dẫn đến sự cung ứng toàn cầu đứt gãy, nguồn lực y tế thiếu nhiều vì tình trạng y bác sĩ nghỉ việc; nhóm ngành làm đẹp, đáp ứng được nhu cầu của con người... Những ngành này khi ứng dụng công nghệ sẽ có sự phát triển lớn.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn tuyển sinh, đào tạo, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) - khuyến cáo, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định có nên đăng ký vào bất kể ngành nghề nào, kể cả những ngành nghề mới mở. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường phải cung cấp đầy đủ thông tin về các ngành đào tạo để phụ huynh, học sinh nắm rõ.
Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, trước khi đưa ra quyết định, phụ huynh, học sinh cần chủ động tìm hiểu chương trình đào tạo; không nên chỉ dựa vào tên của ngành để lựa chọn; cần cân nhắc, tính toán về cơ hội việc làm trong quá trình lựa chọn ngành nghề. Ngoài ra, các em cần tìm hiểu ngành nghề đó cung cấp kiến thức gì, nội dung đào tạo ra sao và kỹ năng đạt được sau 4 năm học?
Nhiều năm làm công tác tuyển sinh, PGS.TS Trần Trọng Nguyên chứng kiến một lượng thí sinh do thiếu thông tin nên chọn ngành chỉ vì “học theo bạn bè”. Có thí sinh cho rằng, trong xã hội ngành này “hot”, ngành kia “đẳng cấp”; trong khi không thực sự yêu thích, chưa tìm hiểu. Kết quả, sau khi vào trường học vài năm đã “vỡ mộng”. Các em có xu hướng muốn chuyển ngành, động cơ học tập không còn.
PGS.TS Trần Trọng Nguyên khuyến cáo, để chọn được ngành học phù hợp, thí sinh phải xem mình yêu thích gì, năng lực đáp ứng được không? “Năng lực ở đây được hiểu, ngoài yếu tố chuyên môn còn là sức khỏe, tài chính và nhiều điều kiện khác. Ví dụ, thích một ngành nghề nhưng để theo học thì yêu cầu đầu tư lớn về tài chính và điều kiện sức khỏe tốt. Nếu tài chính và sức khỏe không đáp ứng, thì không nhất thiết phải đăng ký xét tuyển vào ngành đó” - PGS.TS Trần Trọng Nguyên nhấn mạnh, đồng thời tư vấn:
Thí sinh có thể tham khảo các anh, chị sinh viên đã và đang học tại trường mình dự định đăng ký xét tuyển. Đây là kênh tham khảo hữu ích bởi họ từng học tập và có trải nghiệm thực tế. Sinh viên khóa trước sẽ chia sẻ cho các em những cảm nhận sát thực và chính xác.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nếu đảm bảo điều kiện chất lượng, xu thế mở ngành học mới là tín hiệu tốt. Điều này đồng nghĩa việc sẽ có thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu thị trường lao động, nhu cầu người học thì dễ thất bại trong tuyển sinh.