Băn khoăn chung quanh chính sách ưu đãi nghề mới đối với ngành Y tế
Nhằm kịp thời động viên, khích lệ đội nhân viên y tế yên tâm gắn bó, cống hiến với nghề, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập trong giai đoạn 2022-2023. Bên cạnh tính ưu việt của chính sách, nhiều cán bộ, y bác sĩ tại các địa phương còn băn khoăn, trăn trở và kiến nghị cần bổ sung chế độ phụ cấp đối với các lực lượng xông pha trên 'trận tuyến' chống dịch Covid-19 thời gian qua.
Ngày 15/2/2023, trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011, quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Theo đó, điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp: làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và bệnh viện tuyến huyện, thị xã, thành phố.
Ghi nhận sự cống hiến
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Nguyễn Văn Thương, chính sách ưu đãi nghề cho cán bộ y tế cơ sở được ban hành kịp thời góp phần động viên, khích lệ để đội ngũ nhân viên y tế yên tâm gắn bó, cống hiến với nghề.
Việc nâng phụ cấp hoàn toàn xứng đáng với công sức của cán bộ y tế cơ sở - những người phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả và hy sinh, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, cùng nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Theo tính toán, sau khi Nghị định 05/2023/NĐ-CP có hiệu lực, mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, làm chuyên môn y tế dự phòng đã được nâng lên rất đáng kể. Thí dụ, với 1 trạm trưởng trạm y tế có hệ số lương 4,06 vượt khung 5% (hệ số 0,203), phụ cấp chức vụ trưởng trạm 0,2, phụ cấp ưu đãi 40% thì mức phụ cấp cũ là 2,66 triệu đồng/tháng và mức phụ cấp mới là 6,65 triệu đồng/tháng. Với 1 nhân viên y tế mới được tuyển dụng vào trạm y tế, có bằng đại học thì mỗi tháng tăng 2,092 triệu đồng/tháng; có bằng cao đẳng thì mỗi tháng tăng 1,877 triệu đồng/tháng.
Qua tìm hiểu được biết, một số chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế thực hiện trong thời gian qua chủ yếu được ban hành, duy trì trong hơn 10 năm qua.
Sau một thời gian triển khai, một số chính sách này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập không còn phù hợp tình hình hiện nay cần phải được điều chỉnh, bổ sung.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng, đội ngũ y tế phải làm việc trực tiếp, tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố có nguy cơ truyền nhiễm cao, cũng như các loại hóa chất độc hại, các chất phóng xạ, với cường độ làm việc gấp 2-3 lần so với bình thường.
Do đó, chính sách ưu đãi mới được ban hành là nguồn động viên kịp thời đối với đông đảo cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc; thể hiện sự ghi nhận, coi trọng những đóng góp của y tế dự phòng và y tế cơ sở trong thời gian qua.
Nhiều trăn trở
Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh, Nguyễn Hữu Thanh cho rằng, so với chế độ phụ cấp ưu đãi nghề được thực hiện theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 thì mức phụ cấp ưu đãi mới được áp dụng theo Nghị định số 05/2023/NĐCP ngày 15/2/2023 của Chính phủ là mức đãi ngộ tương xứng, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, y bác sĩ làm công tác y tế dự phòng.
Tuy vậy, thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong những năm qua thấy rằng, với vai trò là đơn vị thường trực lực lượng tuyến đầu chống dịch, điều trị Covid-19 của tỉnh, không chỉ riêng đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp xông pha nơi tuyến đầu, mà CDC Hà Tĩnh đã huy động toàn bộ số viên chức ở các bộ phận gián tiếp cùng tham gia vào công tác phòng chống và điều trị dịch Covid-19.
Trải qua 4 đợt bùng phát của đại dịch, diễn biến dịch bệnh ngày càng khốc liệt, phức tạp, khó lường, các cán bộ, nhân viên bộ phận tài chính-kế toán, kế hoạch-nghiệp vụ, lái xe, truyền thông-giáo dục sức khỏe đã không ngại nguy hiểm lao vào tâm dịch, ngoài các cán bộ y tế thì phóng viên truyền thông cũng là lực lượng nhanh nhất, sớm nhất có mặt tại các ổ dịch của tỉnh để đưa đến người dân những thông tin chính xác, kịp thời nhằm tuyên truyền hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch bệnh cũng như thông tin khu vực dịch đang diễn biễn phức tạp để có cách phòng tránh hiệu quả.
Họ là những người trực tiếp đi vào các vùng dịch, khu cách ly y tế tập trung để chỉ đạo, điều tra, truy vết, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm xét nghiệm; vận chuyển hàng hóa, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch; vận chuyển bệnh nhân đã nhiễm bệnh đi đến các Khu điều trị cách ly y tế tập trung… Tuy nhiên theo Nghị định mới, các bộ phận này không được hưởng mức chế độ ưu đãi nghề mới.
Họ là những người trực tiếp đi vào các vùng dịch, khu cách ly y tế tập trung để chỉ đạo, điều tra, truy vết, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm xét nghiệm; vận chuyển hàng hóa, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch; vận chuyển bệnh nhân đã nhiễm bệnh đi đến các Khu điều trị cách ly y tế tập trung… Tuy nhiên theo Nghị định mới, các bộ phận này sẽ không được hưởng mức chế độ ưu đãi nghề mới.
Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, Nguyễn Hữu Thanh
Đồng quan điểm trên, Giám đốc tất cả các Trung tâm Y tế, bác sĩ bệnh viện các huyện, thị xã, thành phố ở Nghệ An và Hà Tĩnh đều cho rằng, mặc dù bộ phận dân số-kế hoạch hóa gia đình tại các đơn vị không thường xuyên, trực tiếp làm nhiệm vụ về chuyên môn y tế. Tuy nhiên, trong thời gian diễn biến dịch phức tạp, bộ phận này là viên chức có trình độ chuyên môn về y tế nên thường xuyên, trực tiếp tham gia truy vết, điều tra, xác minh thực hiện biện pháp cách ly kịp thời nếu ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh; là bộ phận chính thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm của địa phương để có phương pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
“Mặc dù đội ngũ cán bộ, nhân viên các bộ phận nói trên đã làm việc không kể ngày đêm, không kể ngày nghỉ và cũng thường xuyên trực tiếp trong môi trường nguy cơ cao về lây nhiễm nhằm bảo đảm tốt nhất công tác hậu cần cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, góp phần thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, song sự ghi nhận công sức, tâm huyết của Nhà nước thông qua chế độ phụ cấp nghề mới theo quy định chưa tương xứng”, một lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết.
Với mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm đến đội ngũ làm công tác gián tiếp tham gia vào các nhiệm vụ phòng, chống dịch của các cơ sở y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hà Tĩnh, Nguyễn Xuân Kháng kiến nghị: Cần điều chỉnh thời gian áp dụng thông tư mới, bởi trên thực tế, giai đoạn 2020-2022, dịch Covid-19 đã bùng phát, lan rộng.
Trong khi đó, nếu áp dụng chính sách mới từ năm 2022-2023, thì nhiều cán bộ, y bác sĩ về hưu trước ngày 1/1/2022 sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi không được thụ hưởng mức ưu đãi nghề mới mà họ đã làm việc trong thời gian tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trước đó. Bên cạnh đó, thời gian hưởng chế độ phụ cấp nghề mới chỉ thực hiện trong thời gian quá ngắn (2 năm) sẽ bảo đảm thu hút được nguồn nhân lực đối với các bệnh viện công lập.
Ngoài ra, các đơn vị y tế cũng còn có thêm những băn khoăn khác như: Những viên chức nghỉ thai sản, đi học trong thời gian này thì tính hưởng như thế nào? Viên chức Hợp đồng 68/2000/NĐ-CP có được hưởng mức ưu đãi 100% không? Viên chức dân số trung tâm y tế có được hưởng mức phụ cấp ưu đãi 100% không?
Sáng 29/5, trong buổi thảo luận ở Hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IV, Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đề nghị Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan xem xét bổ sung chính sách và tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với đội ngũ lái xe, hành chính, kế toán và các cán bộ khác trong hệ thống y tế dự phòng.