Băn khoăn chung quanh quy định 'Made in Vietnam'

Trước những bất cập đang phát sinh từ nguyên tắc tự xác định, tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa, Chính phủ đã giao Bộ Công thương xây dựng khung pháp lý làm căn cứ xác định một sản phẩm, hàng hóa là của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang. Ảnh: ANH AN

Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang. Ảnh: ANH AN

Dự thảo thông tư này khi được công bố ngay lập tức gây sự chú ý lớn trong dư luận. Không ít băn khoăn của các chuyên gia, doanh nghiệp đã được Bộ Công thương giải thích cặn kẽ, nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục xem xét kỹ lưỡng hơn trong quá trình hoàn thiện quy định này.

Có cần thiết hay không?

Cho tới nay, chúng ta đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa, tuy nhiên mới chỉ áp dụng cho hàng xuất nhập khẩu. Với hàng hóa lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "Sản phẩm của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam". Việc thiếu vắng các quy định như vậy đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm. Trong bối cảnh hàng Việt ngày càng có uy tín, trở thành thương hiệu mang tính quốc gia, việc xây dựng quy định này càng trở nên cấp thiết.

Trước đây, khi hàng hóa Việt Nam chất lượng chưa cao, nhãn "Made in Vietnam" không hề có sức nặng và giá trị, thì giờ đây đã có sự thay đổi chóng mặt, hàng Việt ngày càng đa dạng hơn, mẫu mã và chất lượng được cải thiện, uy tín nâng cao. Nhiều doanh nghiệp từ chỗ ngại ngần dán nhãn "hàng Việt" đã chủ động, tự tin, đăng ký bảo hộ thương hiệu của mình đi kèm dán nhãn xuất xứ "Made in Vietnam" như một niềm tự hào hàng Việt. Theo Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, thậm chí gần đây đã xuất hiện tình trạng hàng nước ngoài "đội lốt" hàng Việt để đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm, mặt hàng nhập nguyên kiện từ nước ngoài hoặc chỉ qua vài ba công đoạn gia công sơ sài, nhưng vẫn gắn nhãn "hàng Việt" để bán giá cao trên thị trường. Ðây là sự cạnh tranh không bình đẳng đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cũng khẳng định: Về nguyên tắc, quy định mới sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định. Quy định này chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ thực hiện đúng yêu cầu ghi xuất xứ hàng hóa, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. Các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, quy định này cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.

Ðồng tình việc cần sớm có quy định dán nhãn "hàng Việt" cho hàng hóa lưu thông trong nước, nhưng bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) vẫn băn khoăn về việc xây dựng riêng một thông tư về quy định này. Theo bà Hương, dự thảo thông tư mới do Bộ Công thương ban hành có rất nhiều điểm tương đồng với Nghị định số 31/2017/NÐ-CP và Thông tư số 05/2018/TT-BCT của Bộ Công thương. Các văn bản này đã quy định rõ việc ghi xuất xứ Việt Nam cho hàng xuất khẩu, cho nên phải chăng chỉ cần bổ sung thêm các quy định cho hàng lưu thông trong nước thay vì xây dựng hẳn một thông tư mới để tránh sự chồng chéo và không gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Còn nhiều băn khoăn

Giải thích về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Ðúng là dự thảo thông tư mới có nhiều nét tương đồng với Thông tư số 05/2018/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường Việt Nam chưa ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, hàng xuất khẩu và lưu thông trong nước có sự tách biệt nhất định. Hàng xuất khẩu bên cạnh các quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa Việt Nam còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác. Nếu áp các quy định này cho hàng trong nước, có thể dẫn đến một số khúc mắc trong quá trình thực thi. Quan trọng hơn, bên cạnh việc ghi nhãn còn có câu chuyện tiếp thị. Trong trường hợp Chính phủ cho phép sử dụng những cụm từ rộng hơn để ghi nhãn như "Lắp tại Việt Nam" hay "Ðóng gói tại Việt Nam",... có thể trong tiếp thị hàng hóa, doanh nghiệp sẽ sử dụng cụm từ "sản phẩm Việt Nam", dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Thông tư mới sẽ áp dụng cho cả việc ghi nhãn và tiếp thị sản phẩm trên thị trường Việt Nam; mọi tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan tới hàng hóa, thí dụ tờ rơi, tài liệu hướng dẫn sử dụng, clíp quảng cáo,... đều phải tuân thủ quy định của thông tư.

Ðại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam thắc mắc: Mặt hàng sữa bột trẻ em có đặc thù phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu về phối trộn để tạo ra sữa dinh dưỡng. Do đó, tính về giá trị sẽ rất ít sản phẩm đáp ứng yêu cầu "tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa đạt 30%" để được coi là hàng Việt Nam. Tuy nhiên, công thức để phối trộn ra loại sữa bột phù hợp yêu cầu dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam thực tế đòi hỏi "chất xám" rất cao. Mặt khác, đối với sữa tươi, hiện nhiều doanh nghiệp đang đầu tư trang trại nuôi bò sữa tại Lào và Cam-pu-chia do điều kiện Việt Nam ít đồng cỏ lớn. Sữa tươi sau khi thu hoạch chỉ bốn giờ đã được đưa về nhà máy ở Việt Nam để sản xuất. Vậy những trường hợp này có được coi là hàng Việt Nam, và nếu không thì phải ghi như thế nào?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng được các quy định trong thông tư mới sẽ không được ghi là sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Lúc này, doanh nghiệp sẽ thể hiện xuất xứ theo quy định của Nghị định số 43/2017/NÐ-CP, tức là tự xác định và tự chịu trách nhiệm, miễn là đừng ghi xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, thông tư mới cũng quy định các tài sản trí tuệ, nếu xác định được giá trị, có thể đưa vào "chi phí phân bổ trực tiếp" (nêu tại Ðiều 9, Khoản 4, Tiết c) để tính toán hàm lượng giá trị gia tăng. Tương tự là chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, chế tạo mẫu,...

Trước thắc mắc của nhiều doanh nghiệp rằng cơ quan nào sẽ giúp tư vấn, hỗ trợ khi doanh nghiệp gặp "lúng túng" trong ghi nhãn các sản phẩm, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thừa nhận: Trong thông tư mới đã "hàm ý" rằng Vụ Thị trường trong nước sẽ là đơn vị hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong thi hành các quy định; Tổng cục Quản lý thị trường là cơ quan kiểm tra việc thực hiện trong trường hợp có nghi vấn. Tuy nhiên, cách ghi những khoản này đúng là chưa được rõ ràng, cần nghiên cứu để làm rõ hơn trong dự thảo tiếp theo.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận, với những vướng mắc hiện nay chung quanh vấn đề nhãn dán "Made in Vietnam" thì một thông tư sẽ không thể giải quyết hết được mà phải là một nghị định. Tuy nhiên, điều này sẽ rất khó vì chúng ta chưa có "luật về hàng Việt" cho nên nếu Bộ Công thương ban hành nghị định sẽ bị "tuýt còi". Do đó, Bộ Công thương sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý để bổ sung và hoàn thiện dự thảo, báo cáo với Chính phủ về hình thức của văn bản sẽ ban hành.

NGUYỆT BẮC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41831002-ban-khoan-chung-quanh-quy-dinh-%E2%80%9Cmade-in-vietnam%E2%80%9D.html