Băn khoăn chuyện tận dụng công viên

Theo các chuyên gia, công viên cần được quản lý nghiêm ngặt và đầu tư phát triển thay vì 'gồng gánh' các sự kiện thương mại, dịch vụ, giải trí…

Đến Công viên Lê Văn Tám ở quận 1, TP HCM vui chơi và tập thể dục, bà Thái Ngọc Tuyến (ngụ quận 4) cho biết cảm thấy tiếc và xót khi thấy những mảng cỏ hư hại.

Thảm cỏ vàng úa, khô héo ở Công viên 23 Tháng 9 sau khi diễn ra một sự kiện

Thảm cỏ vàng úa, khô héo ở Công viên 23 Tháng 9 sau khi diễn ra một sự kiện

Lễ hội đi qua, xác xơ ở lại

Theo bà Tuyến, nhiều người đến công viên đều có ý thức giữ gìn mảng xanh công cộng. Những quy định như cấm bẻ cây, giẫm lên cỏ được chấp hành tốt. "Tuy nhiên, lần này đến Công viên Lê Văn Tám thì tôi thấy khác. Nhìn sự xác xơ mà tôi vừa tiếc nuối, buồn bực vừa lo lắng" - bà bày tỏ.

Theo tìm hiểu, từ ngày 17 đến 19-5, tại Công viên Lê Văn Tám diễn ra một lễ hội. Sau khi lễ hội này kết thúc, mảng xanh công viên, nhất là thảm cỏ, xuất hiện những hình ảnh nham nhở do bị giẫm đạp, ứng xử thô bạo...

Cuối tuần qua, thời điểm phóng viên đến ghi nhận, các chỗ hư hại đang được người của đơn vị quản lý công viên cắt tỉa, bón phân, trồng lại cỏ và bổ sung hoa. Một công nhân cho biết sẽ cố gắng khôi phục hiện trạng ban đầu nhanh nhất có thể.

Ông Lê Công Sơn, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM - đơn vị quản lý Công viên Lê Văn Tám, xác nhận công viên này bị tổn hại sau khi tổ chức lễ hội. Dù vậy, so với Công viên 23 Tháng 9 (cũng do đơn vị này quản lý) sau khi diễn ra một sự kiện từ ngày 4 đến 7-4 thì Công viên Lê Văn Tám "nhẹ hơn".

Cụ thể, tại Công viên 23 Tháng 9, nhiều hạng mục như thảm cỏ lá gừng, cây hàng rào bị khô héo, chết; nền bê-tông, đường gạch, nền đá granite bể nát. Cạnh đó, hàng loạt ghế ngồi bị gãy, mất ốc; nhiều thùng rác hỏng chân; bó vỉa bị bể nát; cây to bị khoan, đóng đinh… Ướ́c tính giá trị cây, cỏ, hạ tầng bị thiệt hại ở đây là hơn 640 triệu đồng.

Công nhân cố gắng khôi phục thảm cỏ ở Công viên Lê Văn Tám sau khi một lễ hội kết thúc. Ảnh: ÁI MY

Công nhân cố gắng khôi phục thảm cỏ ở Công viên Lê Văn Tám sau khi một lễ hội kết thúc. Ảnh: ÁI MY

Trả lại công năng đích thực

Theo PGS-TS-KTS Nguyên Hạnh Nguyên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhiều công viên tại TP HCM được sử dụng không đúng với công năng. Chúng đang gồng mình gánh thêm vô số nhiệm vụ, chức năng khác như thương mại, dịch vụ, giải trí.

Bà Nguyên Hạnh Nguyên cho rằng công viên chỉ nên là nơi để người dân tập luyện thể dục thể thao, thư giãn với những tuyến đường đi dạo bao phủ bởi hệ thống cây xanh. Nếu cần thiết, có thể có thêm không gian biểu diễn ngoài trời phục vụ người dân nhưng không được phép làm ảnh hưởng đến công viên. Toàn bộ công viên phải được bao trùm bởi màu xanh của cây cối.

Bà Nguyên Hạnh Nguyên nhận xét dường như "cái gì đưa được vào công viên thì cứ đưa". Điều đó làm cho công viên trở nên rất nặng nề… Về lâu dài, TP HCM cần tổ chức không gian ngầm ngay bên dưới công viên để có thêm diện tích, không gian sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu về địa điểm tổ chức sự kiện.

Khẳng định công viên có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống người dân, nhất là tại các đô thị lớn như TP HCM, PGS-TS Nguyên Hạnh Nguyên nêu quan điểm cần nâng niu, giữ gìn và quản lý chặt chẽ mảng xanh quý giá này. Bà nhận xét công viên ở TP HCM hiện nay thiếu diện tích cho trẻ em và người già. Do đó, cần tăng cường cây bóng mát, mặt nước và sân chơi cho trẻ em, thay vì tận dụng diện tích để tổ chức các sự kiện có yếu tố thương mại như hiện nay.

"Trường hợp các đơn vị muốn sử dụng công viên để tổ chức sự kiện thì phải có những cam kết chặt chẽ về bảo vệ, giữ gìn công trình công cộng. Về phía nhà quản lý, cần xử phạt thật nặng những hành vi làm hư hại công viên" - bà nhấn mạnh.

GS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc tận dụng công viên để làm nơi tổ chức sự kiện, nhất là những sự kiện có yếu tố thương mại. Theo ông, công viên nên được sử dụng đúng với chức năng vốn có của chúng, tức là nơi nghỉ ngơi, thư giãn của người dân.

"Trong quản lý đô thị, cần phải có quy chế quản lý chặt chẽ các công viên cây xanh. Không thể để kéo dài tình trạng sử dụng công viên không đúng mục đích. Với những phần hư hỏng thì phải nhanh chóng khắc phục để tránh làm ảnh hưởng đến mỹ quan lẫn việc thụ hưởng các lợi ích từ công viên mang lại của người dân" - GS-TS Nguyễn Hữu Dũng nhìn nhận.

Theo Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, tỉ lệ cây xanh, công viên và mặt nước ở các đô thị lớn của nước ta hiện rất thấp so với nhiều nước. Vì vậy, phải tăng thêm tỉ lệ này thì mới bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân. Với riêng TP HCM, chính quyền thành phố nên có quy hoạch và bố trí những địa điểm phù hợp để làm nơi tổ chức sự kiện; tuyệt đối tránh sự kiện nào cũng tổ chức tại công viên để rồi làm hư hại mảng xanh ở đây.

Nên đầu tư nhiều mảng xanh hơn

Chứng kiến tình trạng Công viên 23 Tháng 9 xơ xác sau khi kết thúc một sự kiện ở đây, bà Phạm Thị Minh (ngụ quận 1) tiếc nuối: "Lúc trước công viên này mát mẻ, cỏ cây xanh mướt nhưng hiện tại khác quá, tôi nhìn vừa không quen vừa thấy khó chịu. Với người dân chúng tôi, công viên là nơi để thư giãn, hóng mát, tập thể dục… Thấy mảng xanh ở công viên hư hại, tôi thấy như thiếu mất phần gì đó rất quan trọng của tinh thần mình".

Người dân cần sự xanh mướt của cây cối và cảm giác dịu mát khi tới công viên. Ảnh: ÁI MY

Trong khi đó, bà Lê Thị Nhung (ngụ quận 1) góp ý: "Tôi mong rằng cơ quan chức năng sớm có biện pháp gây dựng và bổ sung mảng xanh. Điều này là vô cùng cần thiết cho cảnh quan công viên và mỹ quan đô thị, tạo không khí trong lành cho người dân thụ hưởng".

LÊ VĨNH - ÁI MY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-khoan-chuyen-tan-dung-cong-vien-196240526192735316.htm