Băn khoăn khi áp dụng tình tiết tăng nặng 'xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội'
Quá trình áp dụng luật vào thực tiễn, một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn, cho rằng cần có sự bổ sung, điều chỉnh đó là trong các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì có điểm o, khoản 1, Điều 52: 'Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội'. Điều này được hiểu là để áp dụng với người trưởng thành (đủ 18 tuổi trở lên), nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp người xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội lại là người dưới 18 tuổi.
Các đối tượng: Phan Hải Biên, Nông Xuân Lộc, Trần Bùi Tuấn Anh, Đinh Quý Tiến Dương, Trần Bá Bảo, Hoàng Văn Nghĩa và Tạ Anh Tuấn là những học sinh của một trường THPT thuộc huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Những học sinh này đều dưới 18 tuổi. Ngày 22-7-2020, theo sự xúi giục của Biên, cả nhóm đi tìm Phạm Hùng Trường là bạn cùng học để xử lý mâu thuẫn. Trước đó, Biên cho rằng Trường khinh mình khi Biên hỏi Trường nhưng Trường không trả lời. Khi phát hiện thấy Trường đang ngồi trong lớp, Biên dùng tay trái tát vào mặt Trường; Trần Bùi Tuấn Anh dùng cán chổi rồi dùng ghế ngồi vụt vào người và đầu Trường; còn Lộc, Bảo, Dương dùng chân tay đấm, đá Trường. Khi thấy đầu Trường chảy máu, cả nhóm bỏ chạy. Trường được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên băng bó vết thương và phải khâu 4 mũi.
Với hành vi và hậu quả nêu trên, chỉ cần tỷ lệ tổn thương cơ thể của Phạm Hùng Trường 1% và người đại diện của Trường có đơn yêu cầu khởi tố thì các đối tượng đã phạm tội “Cố ý gây thương tích” hoặc “Gây tổn hại sức khỏe của người khác được quy định tại các điểm a, điểm i, khoản 1, Điều 134 BLHS. Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Phạm Hải Biên phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự do “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” được quy định tại điểm o, khoản 1, Điều 52 BLHS. Theo cuốn "Giải đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động hành chính và tố tụng" của Tòa án Nhân dân Tối cao (NDTC) xuất bản năm 1999, tại điểm 27, trang 42 viết: “...Tại điểm a, khoản 1, Điều 39 (BLHS năm 1985) xúi giục người chưa thành niên phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Điểm này không quy định người xúi giục phải là người thành niên. Vì vậy, nếu người chưa thành niên phạm tội mà có hành vi xúi giục người chưa thành niên khác phạm tội thì khi xét xử tòa án phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “xúi giục người chưa thành niên phạm tội” quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 39 BLHS năm 1985. Theo dõi các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS đến nay, nội dung giải đáp trên của Tòa án NDTC đến nay vẫn chưa có sự thay đổi.
Đối chiếu với thực tiễn hiện nay, những quy định chung về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (BLHS trước năm 2015 gọi là người chưa thành niên) thì giải đáp của Tòa án NDTC cũng như quy định tại điểm o, khoản 1, Điều 52 BLHS năm 2015 đến nay thấy không còn phù hợp, bởi lẽ: Khoản 1, Điều 91, BLHS năm 2015 về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đã quy định: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội”.
Về tính thống nhất BLHS năm 2015 đã có nhiều quy định thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Cụ thể, phân biệt những tội mà người dưới 18 tuổi, người từ 14 đến 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự, hay về diện xử lý các chế tài bị áp dụng; thu hẹp các loại hình phạt, quyết định hình phạt, không bị coi là tái phạm; với người dưới 18 tuổi không áp dụng hình phạt bổ sung, được giảm thời hạn xóa án tích hoặc không bị coi là người có án tích; mở rộng diện miễn trách nhiệm hình sự, giảm thời gian chấp hành hình phạt tù khi xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, nhưng được tăng thời hạn khi xét giảm hình phạt đã tuyên...
Người dưới 18 tuổi là lứa tuổi chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có khả năng nhận thức, kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của mình. Do đó, họ dễ bị chi phối bởi tác động bên ngoài và thực hiện các hành vi thiếu cân nhắc. Bởi vậy, nếu coi việc áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà không có sự phân hóa giữa người phạm tội dưới 18 tuổi với người đủ 18 tuổi thì có phù hợp với các quy định chung không? Mặt khác, tại khoản 3, Điều 416, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 khi đề cập đến vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi đã quy định: 1. Tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi; 2. Ðiều kiện sinh sống và giáo dục; 3. Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục; 4. Nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội.
Với quy định trên, nhà làm luật đã quy định rõ đối tượng bị áp dụng, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” phải là người đủ 18 tuổi. Tham khảo ý kiến của những người tiến hành tố tụng, đa số đều đồng tình quan điểm không nên cào bằng đối tượng áp dụng điểm o, khoản 1, Điều 52 BLHS đối với người dưới 18 tuổi và người đủ 18 tuổi. Trong tương lai, để bảo đảm tính thống nhất giữa Bộ luật Tố tụng Hình sự với BLHS, cơ quan chức năng nên sửa quy định này theo hướng “Người đủ 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”.