Băn khoăn mức đóng bảo hiểm y tế tăng theo lương cơ sở

Mức đóng bảo hiểm y tế tăng theo lương cơ sở khiến nhiều người dân lo ngại, nhất là người thu nhập thấp, lao động tự do và người cao tuổi.

Kiến nghị điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế theo thu nhập thực tế

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa có văn bản trả lời phản ánh của cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV về mức đóng bảo hiểm y tế hiện nay quá cao so với thu nhập của người dân, đề nghị xem xét lại giá mua bảo hiểm y tế.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, mức đóng bảo hiểm y tế hiện nay được quy định bằng 4,5% mức lương hoặc lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở. Theo Bộ trưởng, với phạm vi quyền lợi được hưởng tương đối đầy đủ, mức đóng này "tương đối thấp so với các nước có điều kiện phát triển tương đồng".

Cử tri nhiều địa phương phản ánh mức đóng bảo hiểm y tế hiện nay quá cao so với thu nhập của người dân - Ảnh minh họa

Cử tri nhiều địa phương phản ánh mức đóng bảo hiểm y tế hiện nay quá cao so với thu nhập của người dân - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nhiều cử tri tại TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Lâm Đồng, Đà Nẵng... phản ánh rằng mức đóng bảo hiểm y tế hiện nay là gánh nặng đối với người thu nhập thấp, nhất là trong bối cảnh mức lương cơ sở đã tăng từ ngày 1/7/2024 lên 2,34 triệu đồng, tương đương mức tăng 30%.

"Khi mức lương cơ sở tăng lên, số tiền phải đóng thêm khi người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cũng tăng lên tương ứng, phần nào ảnh hưởng đến đời sống người dân", Bộ trưởng Y tế nhận định.

Theo quy định hiện hành, người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình phải đóng như sau: Người thứ nhất đóng 4,5% mức lương cơ sở, tương đương 1.263.600 đồng/năm (hơn 105.000 đồng/tháng); người thứ hai, ba, tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40%, tương đương khoảng 42.120 đồng/tháng.

Liên quan đến kiến nghị của cử tri Cà Mau về sự khác biệt trong mức đóng giữa công chức và người dân, Bộ trưởng khẳng định đây là quy định đã được thực hiện từ khi Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực. Theo đó, công chức đóng bảo hiểm y tế theo lương tháng, trong khi người dân đóng theo mức lương cơ sở.

Đề xuất hỗ trợ người cao tuổi, người lao động phi chính thức

Nhiều ý kiến từ cử tri TP. Hồ Chí Minh và Cà Mau cũng đề nghị cần điều chỉnh chính sách để mở rộng quyền lợi và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người cao tuổi và lao động phi chính thức. Đây là nhóm hiện có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế còn hạn chế.

Cử tri kiến nghị Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người từ 60 tuổi trở lên, do tỷ lệ mắc bệnh của nhóm này ngày càng tăng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các địa phương có thể xem xét hỗ trợ người cao tuổi khó khăn cả trong việc đóng bảo hiểm y tế và chi trả chi phí khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, tùy theo khả năng ngân sách.

Đối với đề xuất của cử tri An Giang về việc cán bộ hưu trí đủ 80 tuổi được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh như các đối tượng bảo trợ xã hội, Bộ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận và chia sẻ mong muốn của cử tri. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh việc điều chỉnh mức thanh toán này cần "nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng" để đảm bảo cân đối Quỹ bảo hiểm y tế và ổn định chính sách an sinh xã hội trong dài hạn.

Bộ trưởng cũng thông tin thêm, theo quy định hiện hành, chỉ những người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng mới được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi và mức hưởng.

Trước kiến nghị điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với thu nhập thực tế, nhất là với người lao động tự do, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu khả năng mở rộng chính sách hỗ trợ. "Việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ cần được cân đối với khả năng ngân sách, lộ trình cải cách tiền lương và định hướng phát triển bền vững Quỹ bảo hiểm y tế trong dài hạn", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ban-khoan-muc-dong-bao-hiem-y-te-tang-theo-luong-co-so-411898.html