Băn khoăn thuế thu nhập

Một trong những vấn đề đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là những quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về tính tiền chậm nộp đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo Nghị định, đến ngày 30/10 hàng năm, các doanh nghiệp phải tạm nộp 75% thuế TNDN cho 3 quý của năm. Nhiều doanh nghiệp tỏ ý băn khoăn rằng quy định này sẽ gây khó khăn cho DN.

Việc thay đổi quy định về nghĩa vụ tạm nộp thuế trong Nghị định 126 khiến nhiều DN lo lắng. Ảnh: BD.

Việc thay đổi quy định về nghĩa vụ tạm nộp thuế trong Nghị định 126 khiến nhiều DN lo lắng. Ảnh: BD.

Doanh nghiệp than bị ép

Theo nội dung sửa đổi quy định về nghĩa vụ tạm nộp thuế TNDN 3 quý theo quy định tại Nghị định 126, tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm.

Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước. Quy định này còn nhiều ý kiến băn khoăn, mặc dù nội dung này áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2021.

Theo Hiệp hội Kinh doanh bất động sản TPHCM, quy định buộc DN không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm rất bất cập đối với các DN bất động sản và các DN kinh doanh thương mại, dịch vụ, thường có doanh thu phát sinh đột biến trong quý 4 của năm, mà không thể tiên lượng trước trong kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm. Bởi lẽ, chỉ cần phát sinh một vài thương vụ ngoài kế hoạch, thì DN có thể vi phạm quy định trên đây do doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến.

Hiệp hội này cho rằng, cần có phân biệt trường hợp cố ý khai thấp doanh thu và lợi nhuận để chiếm dụng tiền thuế hoặc trường hợp không cố ý khai thấp doanh thu và lợi nhuận đối với các khoản doanh thu, lợi nhuận đột xuất. Theo đó, không xử phạt đối với trường hợp DN đã nộp báo cáo kế hoạch doanh thu và lợi nhuận quý 4, kèm theo danh mục các dự án, hoặc hoạt động kinh doanh, mà có phát sinh doanh thu và lợi nhuận ngoài kế hoạch đã kê khai đăng ký với ngành thuế.

Cần phải chủ động

Từ năm 2014 trở về trước, DN phải thực hiện kê khai, tạm nộp thuế TNDN hàng quý và thực hiện quyết toán theo năm. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế, đơn giản cho DN trong kê khai, Thông tư 151/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 91 của Chính phủ quy định: Doanh nghiệp không phải kê khai thuế TNDN hàng quý nữa, mà chỉ tạm nộp theo quý, cuối năm mới quyết toán.

Cụ thể, căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh, người nộp thuế thực hiện tạm nộp số thuế TNDN của quý chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế; DN không phải nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính hàng quý.

Theo khẳng định của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, quy định này sẽ khắc phục được tình trạng DN dồn nộp vào các tháng cuối năm, thậm chí sang đầu năm sau để giúp cân đối ngân sách nhà nước, tuy nhiên, khi khắc phục được tình trạng này thì có thể phát sinh một số bất cập khác.

Thực tế cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, lỗ lãi, số thuế TNDN phát sinh không phải quý nào cũng như nhau, theo cách lấy 12 tháng chia 4 quý. Do lĩnh vực hoạt động kinh doanh khác nhau, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ kinh doanh theo thời vụ... có DN có thể quý II, quý III thuận lợi, doanh thu cao thì phát sinh số thuế phải nộp cao, có DN lại phát sinh số thuế phải nộp cao vào quý I, hoặc quý IV tùy theo tính chất kinh doanh, đặc điểm ngành hàng, sản phẩm kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp.

Theo đó có thể xảy ra trường hợp nếu quý IV DN sản xuất kinh doanh thuận lợi có thể dẫn đến số thuế phải nộp trên 25%. Trong trường hợp này, DN phải nộp tiền chậm nộp trên số thuế nộp thiếu theo mức 75% là chưa hợp lý. Bên cạnh đó DN không còn kê khai, chỉ tạm nộp thì rất khó để đạt mức nộp đủ 100% số thuế phải nộp theo quyết toán thuế năm.

Bà Cúc đưa ra lời khuyên, các DN cần chủ động tính toán số thuế TNDN hàng quý thực tế phát sinh. Đối với những DN phải lập báo cáo tài chính quý theo quy định của pháp luật, như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán và các trường hợp khác theo quy định... thì doanh nghiệp căn cứ vào báo cáo tài chính quý và pháp luật về thuế để xác định số thuế TNDN tạm nộp hàng quý.

Đối với những doanh nghiệp không phải lập báo cáo tài chính quý thì căn cứ vào số thuế TNDN của năm trước và dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh trong năm của DN để xác định số thuế TNDN tạm nộp từng quý theo quy định.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ban-khoan-thue-thu-nhap-547427.html