Băn khoăn triển khai chương trình phổ thông mới ở lớp 1
Nhiều vấn đề hệ trọng liên quan tới tính khả thi của chương trình giáo dục phổ thông mới đã được đặt ra tại buổi họp báo công bố chương trình chiều ngày 27/12.
Trong cuộc họp báo, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chương trình hiện hành và các chương trình giáo dục phổ thông trước đây trả lời cho câu hỏi: “học xong chương trình, học sinh biết được những gì?”. Còn chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung trả lời câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”.
Chương trình Giáo dục phổ thông mới được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Triển khai chương trình mới bắt đầu đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021
Ông Vũ Đình Chuẩn cho biết, để triển khai Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT đã xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trả lời trong cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa (bao gồm bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn và sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân) kịp thời triển khai chương trình mới bắt đầu đối với lớp 1 năm học 2020-2021.
Cùng với việc ban hành các văn bản, Bộ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình mới theo lộ trình, ưu tiên đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học.
Vẫn nhiều băn khoăn
Trước câu hỏi của phóng viên về điều kiện để triển khai chương trình, liên quan đến cơ sở và đội ngũ giáo viên, Cục trưởng Cục Nhà giáo Hoàng Đức Minh cho biết, từ khi có Nghị quyết 29, Bộ đã tổ chức những khóa bồi dưỡng giáo viên, tổ chức đào tạo giáo viên cốt cán.
Ông Minh khẳng định đội ngũ giáo viên thì không thiếu, chương trình cũ và mới số giáo viên cần không chênh lệch nhiều nên không lo về nguồn tuyển.
Ngoài ra, cũng theo ông Minh, Bộ cũng tính đến vấn đề thừa thiếu giáo viên và giao cho các đơn vị về việc tuyển dụng và định mức công việc để có thể đáp ứng chương trình”.
Trước băn khoăn về việc đào tạo, bồi dưỡng qua mạng liệu có hiệu quả hay không? Ông Hoàng Đức Minh cho rằng, không phải đến bây giờ mới làm mà Bộ đã tổ chức cách đây vài năm và ông tin rằng giáo viên sẽ đủ điều kiện để đáp ứng chương trình mới.
Trước câu hỏi về thời lượng học môn Tiếng Việt ở tiểu học nhất là lớp 1, lớp 2 chiếm số tiết lớn, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, trong Chương trình GDPT mới, ở cấp tiểu học, thời lượng dành cho môn Tiếng Việt là 1.505 tiết (trung bình 43 tiết/tuần), chiếm 31% tổng thời lượng chương trình dành cho các môn học bắt buộc; bằng thời lượng học trong chương trình hiện hành.
“Chương trình GDPT dành thời lượng thích đáng cho việc học tiếng Việt ở cấp tiểu học, đặc biệt ở lớp 1, lớp 2 là để bảo đảm học sinh đọc thông viết thạo, tạo tiền đề học các môn học khác. Đối với học sinh người dân tộc thiểu số thì việc có đủ thời gian học tiếng Việt trong những năm đầu đến trường càng quan trọng”- GS Thuyết nhấn mạnh.
Cũng theo GS Thuyết, so sánh với chương trình nước ngoài, có thể thấy trong chương trình GDPT của bất cứ nước nào, thời lượng học tiếng mẹ đẻ/tiếng phổ thông, đặc biệt là ở cấp tiểu học, cũng chiếm tỉ lệ cao nhất.