Băn khoăn trước mùa vải

Thời tiết diễn biến thất thường, sâu bệnh hoành hành khiến cây vải sau vụ thu hoạch rộ năm 2011 chưa kịp 'lại sức' đã phải oằn mình chống đỡ. Bên cạnh đó, việc thu mua lá khô một cách khó hiểu đã khiến nguy cơ cây vải bị thu hoạch lá ồ ạt, năng suất sụt giảm, khả năng mất mùa đã nhỡn tiền.

Thời tiết diễn biến thất thường, sâu bệnh hoành hành khiến cây vải sau vụ thu hoạch rộ năm 2011 chưa kịp “lại sức” đã phải oằn mình chống đỡ. Bên cạnh đó, việc thu mua lá khô một cách khó hiểu đã khiến nguy cơ cây vải bị thu hoạch lá ồ ạt, năng suất sụt giảm, khả năng mất mùa đã nhỡn tiền.

Sau một năm trúng mùa lớn (năm 2011), mùa vải năm nay, người nông dân của các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng (Bắc Giang) lại hối hả bước vào vụ vải mới. Thời điểm này, vải chính vụ đang trong giai đoạn quả xanh. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ, nhữngdấu hiệu bất thường của thời tiết đã sớm báo hiệu một mùa vải không mấy suôn sẻ.

Theo ông Thân Văn Khánh - Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn, sau một năm “trúng” mùa lớn, dù được nông dân tập trung chăm sóc ngay từ đầu vụ, nhưng đến nay cây vải vẫn chưa “lại sức”. Bên cạnh đó, những cơn mưa đá, lốc xoáy và đợt nắng nóng gay gắt cuối tháng 4 vừa qua đã ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.

Năm nay, theo dự báo của các chuyên gia, có khả năng nhiệt độ sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 1 - 20C, lượng mưa và độ ẩm cao hơn so với trung bình nhiều năm. Loại hình thái thời tiết này sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến việc thụ phấn, đậu quả của các loại cây ăn quả nói chung và cây vải nói riêng.

Bà Đỗ Thị Luyến - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết thời tiết diễn biến thất thường đã tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh gây hại, như: rệp hại hoa và quả non, bọ xít, sâu đục cuống quả, nhện lông nhung, bệnh thán thư, bệnh sương mai… đang đua nhau hoành hành trên cây vải. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh hiện có gần 800ha vải bị bọ xít gây hại với mật độ bình quân 2 - 3 con/cành.

Diện tích vải bị bọ xít hại năm nay nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái vì vụ Đông Xuân vừa qua có số ngày rét đậm, rét hại ít hơn vụ Đông Xuân trước nên bọ xít ít bị chết và gia tăng gây hại ở thời kỳ này. Tuy nhiên, theo bà Luyến, tỷ lệ gây hại này vẫn có thể kiểm soát được. Chi cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo trạm bảo vệ thực vật các huyện, thành phố bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện và tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, có hiệu quả các đối tượng sâu bệnh. Các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học được Chi cục tích cực khuyến cáo người dân sử dụng để vừa bảo đảm an toàn thực phẩm vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyến, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - địa phương được coi là vựa vải lớn nhất nước, cho biết vải thiều là cây thế mạnh của huyện Lục Ngạn, với sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng 100.000 tấn trở lên. Từ đầu năm 2012 đến nay, trước những bất lợi do thời tiết và sâu bệnh gây ra, số lượng cành đậu quả trên cây vải năm nay ít hơn hẳn so với năm ngoái, nên sản lượng vải thiều được dự báo kém hơn. Dự kiến, 60% sản lượng vải thiều tươi sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc, 40% tiêu thụ nội địa và sấy khô.

Mặc dù vải thiều Lục Ngạn đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2005, nhưng một vài năm trở lại đây, cứ đến mùa vải, nhiều thương lái ở các vùng lân cận lũ lượt mang vải khắp nơi về Lục Ngạn để… bày bán!

Ông Nguyễn Văn Xuất - Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bắc Giang, cho biết vải thiều Lục Ngạn đang bị đánh đồng với vải của các địa phương khác. Thậm chí, cơ quan chức năng Bắc Giang còn phát hiện trường hợp in tem, nhãn vải thiều Lục Ngạn giả để trục lợi. Mặc dù các cơ quan này có toàn quyền xử lý những vi phạm trên, nhưng do mùa vải chỉ diễn ra trong 2 tháng, với sản lượng quá lớn, nên việc kiểm soát hoàn toàn là rất khó.

Thu Hường

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ban-khoan-truoc-mua-vai-1038635.html