Băn khoăn về cách sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, Bộ Công Thương xin thêm ý kiến
Bộ Công Thương tiếp tục giữ quỹ BOG xăng dầu và xin ý kiến các tổ chức, cá nhân về mức giá xăng dầu thế giới cụ thể để áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Đây là quan điểm được Bộ Công Thương nêu ra tại Dự thảo 2 Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu.
“Trường hợp xăng dầu thế giới tăng ở mức… USD/thùng (chẳng hạn là 120 USD/thùng) trở lên và duy trì trong 15 ngày liên tục, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Luật Giá”, Bộ Công Thương đề xuất.
Quy định gây tranh cãi những ngày qua là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn. Bộ Công Thương phân thích thêm, căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá bán xăng dầu tối đa theo quy định.
Đối với địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã được kiểm toán) tăng cao, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thương nhân ban hành quyết định về địa bàn và thông báo về Bộ Công Thương) để bù đắp chi phí thực tế phát sinh nhưng không vượt quá 02% giá bán xăng dầu tối đa theo quy định.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Cục quản lý thị trường tại địa phương nơi thương nhân có hoạt động kinh doanh xăng dầu ngay sau khi thương nhân quyết định giá bán xăng dầu.
Tuy vậy, về thời gian điều chỉnh giá bán xăng dầu, Bộ Công Thương quy định thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện điều chỉnh giá bán xăng dầu theo kỳ 7 ngày hoặc 15 ngày một lần, bắt đầu tính từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành.
Trường hợp thời gian điều chỉnh giá trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên Đán), việc điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc liền kề trước đó. Thời gian điều chỉnh giá là ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết.
Thời gian điều chỉnh giá trùng với ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc liền kề trước đó. Thời gian điều chỉnh giá trùng vào các ngày nghỉ lễ còn lại, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.
Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định biện pháp điều hành giá phù hợp.