Băn khoăn về chất lượng tăng trưởng

Cho rằng chất lượng tăng trưởng đang có xu hướng suy giảm, nhiều ĐB đề nghị Chính phủ chú trọng hơn đến việc thúc đẩy các động lực phát triển, tăng năng suất lao động.

Sáng nay 23-5, thảo luận tại tổ trong chương trình Kỳ họp thứ 7, ghi nhận nỗ lực từ sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát đồng hành của Quốc hội và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, song ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) lưu ý, chỉ tiêu về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nhiều năm qua không đạt. “Khó khăn vướng mắc ở đâu, cần tháo gỡ gì? Cần đánh giá thận trọng để xây dựng phương án khả thi, không để thất thoát, mất vốn của nhà nước, nhưng cũng không để chậm trễ, trì trệ như thế mãi”, ông nói.

ĐB cũng rất băn khoăn về tình trạng giá vàng nhảy múa, dù có nguyên nhân khách quan, nhưng chênh lệch giá trong nước so với thị trường thế giới không những không được rút ngắn, mà còn nới rộng ra, không chỉ gây ra tình trạng buôn lậu, mà còn “chôn” vốn, không đưa vào sản xuất kinh doanh được. “Gốc vấn đề ở đâu? Đã tìm đúng chưa? Những giải pháp hiện nay vì sao chưa hiệu quả?”, ĐB nêu vấn đề.

Thẳng thắn nhìn vào những mặt chưa được, ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nhận xét, khung khổ pháp lý cho các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh… còn hạn chế. Cho rằng chất lượng tăng trưởng đang có xu hướng suy giảm, ĐB đề nghị Chính phủ chú trọng hơn đến việc thúc đẩy các động lực phát triển, tăng năng suất lao động. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ĐB đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) sâu hơn, có thể không chỉ 2% mà là 3%, và kéo dài hơn, không chỉ đến giữa năm 2024.

Cũng bàn về tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là chất lượng tăng trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, khi mà tăng trưởng năm 2023 đạt 5,05%, còn GDP quý 1-2024 tăng 5,66%, ở mức cao so với khu vực và thế giới.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

“Tuy nhiên, bình quân 3 năm đầu nhiệm kỳ, GDP bình quân mới tăng trưởng trên 5,2%, mà kế hoạch 5 năm mục tiêu là từ 6,5 - 7% thì 2 năm cuối phải đạt trên 8%, mới đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm”, ông Thanh nhấn mạnh.

Các động lực tăng trưởng cũ chưa thấy được làm mới, còn các động lực mới thì rất mờ nhạt, khó có đột phá.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Liên quan đến chất lượng tăng trưởng, ông Thanh phân tích, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam năm thứ 3 liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra, cho thấy dấu hiệu giảm sút với mức tăng 3,65% của năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 6,35%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng có vấn đề, nhân lực doanh nghiệp cần thì không có và ngược lại…

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, các động lực tăng trưởng cũ “chưa thấy được làm mới, còn các động lực mới thì rất mờ nhạt, khó có đột phá”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị các đại biểu quan tâm hiến kế để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Quan tâm đến các lĩnh vực xã hội, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị Nghị quyết của Quốc hội kỳ này cần chỉ rõ một số vấn đề bức xúc mà Chính phủ cần tập trung giải quyết. Đó là tháo gỡ các thủ tục, giúp những đối tượng có nhu cầu thực sự tiếp cận được nhà ở xã hội; sớm sửa Luật Bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi cho người khám bảo hiểm y tế, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm y tế… tập trung nguồn lực để ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ban-khoan-ve-chat-luong-tang-truong-post741205.html