Công trình Giao thông Đồng Nai (DGT): Biến động thượng tầng
Tân Chủ tịch Hội đồng quản DGT đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị TTE - đơn vị có liên quan đến Tập đoàn Đầu tư Việt Phương. Trong định hướng kinh doanh năm 2024, DGT cũng cho thấy phần nào mối liên hệ với tập đoàn này.
Xuất hiện nhân tố mới
Trước thềm cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2024, nhiều nhân sự cấp cao tại Công ty cổ phần Công trình Giao thông Đồng Nai (mã chứng khoán DGT) nộp đơn xin từ nhiệm, bao gồm cả Chủ tịch Hội đồng quản trị Bành Quang Phúc - người muốn rời “ghế nóng” sau gần 9 tháng nắm quyền.
Khi đại hội tổ chức vào cuối tháng 5, ông Phúc không xuất hiện với lý do có việc bận cá nhân nên ủy quyền cho ông Nguyễn Thanh Phong, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc thực hiện vai trò chủ tọa.
Tại đây, DGT đã bầu bổ sung các nhân sự vào vị trí trống, trong đó nhân tố mới là ông Phương Thừa Vũ được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ ngày 30/5/2024 (ông Vũ không sở hữu cổ phiếu DGT). Tính đến nay, ông Vũ là vị chủ tịch thứ tư của DGT chỉ trong một năm trở lại đây.
Tân Chủ tịch DGT chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (mã chứng khoán TTE), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện.
Trung tuần tháng 6, cổ phiếu TTE có đợt “phi nước đại” với 9 phiên liên tiếp tăng hết biên độ, tổng mức tăng 80%, trong bối cảnh Công ty sắp có cổ đông mới.
Trước đó, đại hội đồng cổ đông 2024 của TTE đã thông qua phương án chấp thuận cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (Việt Phương) nhận chuyển nhượng cổ phần dẫn đến sở hữu trên 25% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của TTE mà không cần thực hiện chào mua công khai. Trong danh sách cổ đông dự kiến chuyển nhượng cổ phần cho Việt Phương có ông Phương Thừa Vũ đang sở hữu 4,39% cổ phần TTE.
Quay trở lại DGT, năm 2024, Công ty đề ra kế hoạch đạt doanh thu thuần 449,3 tỷ đồng, gấp đôi mức thực hiện năm 2023, nhưng dự kiến lợi nhuận sau thuế giảm một nửa, xuống 39,4 tỷ đồng.
Với hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp đá và khai thác đá, trong định hướng kinh doanh năm nay, DGT sẽ tham gia đấu thầu các gói thầu của Ban quản lý dự án Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành và các dự án tại Sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ở khu vực Nam Bộ, DGT sẽ tham gia đầu thầu các dự án tại Đồng Tháp và các tỉnh lân cận.
Đặc biệt, DGT sẽ tham gia thực hiện các hợp đồng thi công dự án mỏ bauxite tại huyện Dakcheung, tỉnh Sekong (Lào) như các hạng mục đập, tổ hợp nhà điều hành.
Dakchueng là khu vực Việt Phương thực hiện xây dựng tổ hợp công nghiệp bauxite-alumin, công suất dự kiến 1 triệu tấn/năm từ cuối năm 2022. Việt Phương cũng đang sở hữu những mỏ khoáng sản quy mô lớn tại Thừa Thiên - Huế, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam và tại Sê Kông (Lào). Trong đó, tại Thừa Thiên - Huế, Việt Phương sở hữu mỏ cát trắng Phong Điền với trữ lượng 27 triệu tấn, công suất khai thác hơn 1 triệu tấn/năm.
Hiện chưa rõ sự xuất hiện của ông Phương Thừa Vũ có mang đến “làn gió mới” cho hoạt động kinh doanh của DGT hay không, nhưng điều này cũng cho thấy một mối quan hệ mới có khả năng được thiết lập giữa các bên.
Dấu hỏi về khả năng quản trị vốn
Trong gần 1 năm qua, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị DGT liên tục thay đổi.
Năm 2023, DGT đạt doanh thu 214,5 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 88,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 41 tỷ đồng. Đây là con số lợi nhuận kỷ lục nhờ ghi nhận khoản lãi gần 99 tỷ đồng mà DGT mua rẻ phần vốn tại công ty con là Công ty TNHH Đồng Lợi, nâng tỷ lệ sở hữu từ 50% lên 99,8%. Nếu trừ đi khoản lãi này, thì lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi của DGT trong năm qua âm 12,8 tỷ đồng.
Quý I/2024, hoạt động kinh doanh cốt lõi của DGT có sự cải thiện, mang về 8,7 tỷ đồng lợi nhuận, giúp lợi nhuận sau thuế đạt 1,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 lỗ 19 tỷ đồng, nhưng mới hoàn thành 3,8% mục tiêu lợi nhuận năm 2024.
Đáng lưu ý, tính đến cuối quý I/2024, các khoản phải thu ngắn hạn của DGT là hơn 1.231 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm 2024 và chiếm trên 75% tổng tài sản, bao gồm khoản phải thu của khách hàng chiếm 24%, phải thu từ cho vay ngắn hạn và phải thu khác chiếm 51% tổng tài sản.
Trong đó, DGT cho bà Nguyễn Ngọc Hà Phương vay 206,49 tỷ đồng và bà Phan Thị Yến vay 110 tỷ đồng. Đây đều là các khoản vay từ năm 2021, lãi suất 0% và không có tài sản đảm bảo.
Bên cạnh đó, DTG có khoản phải thu 531,6 tỷ đồng từ ông Trương Hiền Vũ theo các hợp đồng hợp tác kinh doanh với mục đích tìm kiếm phát triển khu công nghiệp ở khu vực Nam Trung Bộ, thời hạn đến ngày 31/12/2024. Theo biên bản thỏa thuận giữa hai bên vào ngày 14/9/2023, DGT áp dụng lãi suất 12% trên số dư giảm dần cho các khoản đầu tư mà Công ty đã chuyển trả cho ông Trương Hiền Vũ.
Ngoài ra, Công ty có 82,4 tỷ đồng là giá trị các khoản phải thu khách hàng, trả trước người bán quá hạn thanh toán (hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi), phải trích lập dự phòng hơn 55 tỷ đồng, chiếm 66,8%.
Bị chiếm dụng vốn nên DGT gặp vấn đề về thanh toán lãi trái phiếu mã DGTH2224001, mệnh giá 350 tỷ đồng phát hành ngày 22/2/2022, thời gian đáo hạn theo kế hoạch ban đầu là 22/2/2024. Trong năm 2023, DGT đã mua lại 110,5 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm dư nợ gốc trái phiếu xuống 239,5 tỷ đồng, sau đó kéo dài kỳ hạn lô trái phiếu đến ngày 22/2/2026, lãi suất cố định 9%/năm, đồng thời thông báo đến các trái chủ về việc chậm thanh toán lãi trái phiếu trong nhiều kỳ với tổng giá trị xấp xỉ 32 tỷ đồng.
DGT cho biết, do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản và lĩnh vực xây dựng công trình, Công ty chưa thu xếp kịp nguồn vốn để thanh toán cho trái chủ kịp thời và đầy đủ theo kế hoạch.
Một trong những trái chủ của DTG là Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) có giá trị gần 200 tỷ đồng. Tại đại hội đồng cổ đông năm 2024, cổ đông TPS bày tỏ lo ngại về khoản đầu tư này, nhưng với tài sản đảm bảo (gồm cổ phiếu và đất) của DGT hiện tại vẫn cao hơn giá trị trái phiếu mà Công ty đang nắm giữ nên Ban lãnh đạo TPS đánh giá chưa có rủi ro.