Băn khoăn với đề xuất trừ điểm trên giấy phép lái xe

Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đưa ra đề xuất quy định người điều khiển phương tiện sẽ bị áp dụng hình thức trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) nếu vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông thay vì bị tạm giữ có thời hạn như trước đây.

Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy phép lái xe của lái xe tải lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn qua TP.Long Khánh. Ảnh: T.Hải

Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy phép lái xe của lái xe tải lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn qua TP.Long Khánh. Ảnh: T.Hải

Đa số các ý kiến của người dân đều bày tỏ ủng hộ vì cho rằng quy định mới này sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, giúp họ chủ động trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về giao thông.

* Nhiều hành vi bị tước GPLX

Theo đó, Bộ Công an đề xuất các loại GPLX sẽ có tổng điểm là 12 và số điểm này sẽ bị trừ dần nếu tài xế vi phạm đến lúc hết điểm thì GPLX không còn hiệu lực và phải thi sát hạch lại. Bên cạnh đó, dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành.

Theo Sở GT-VT, trong năm 2019, đơn vị này thực hiện cấp đổi hơn 41 ngàn GPLX. Trong đó, GPLX ô tô hơn 21,5 ngàn trường hợp, GPLX hạng A1 hơn 19 ngàn trường hợp, còn lại là các loại GPLX hạng A2, A3, A4. Tỷ lệ cấp đổi GPLX so với cùng kỳ năm 2018 đạt 135%.

Ông Trịnh Văn Hòa (ngụ xã An Phước, H.Long Thành) cho rằng, hiện vẫn còn những vi phạm an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng như: sử dụng rượu, bia, chất ma túy, chạy quá tốc độ… Ngoài phạt tiền, các ngành chức năng còn tước GPLX có thời hạn để đảm bảo tính răn đe. Tuy nhiên, mức xử phạt này hiện còn nhẹ nên nhiều người “nhờn” luật, sẵn sàng vi phạm, đóng phạt rồi sau đó lấy lại bằng lái.

“Tình trạng này diễn ra phổ biến ở hầu hết các địa phương. Nó để lại hệ quả là lái xe sẽ thường xuyên mắc nhiều lỗi khi tham gia giao thông. Việc trừ điểm vào GPLX rồi phải thi lại khi hết điểm sẽ có tác dụng răn đe hơn, giúp người dân biết và chủ động học, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Điều này giảm được những vi phạm hay tai nạn giao thông trên đường” - ông Hòa bộc bạch.

Cùng với việc quy định về việc trừ điểm, Bộ Công an còn đề xuất 28 nhóm hành vi vi phạm cụ thể sẽ áp dụng hình thức xử phạt tiền và trừ điểm GPLX trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cụ thể các hành vi như: sử dụng điện thoại di động, sử dụng thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính, sử dụng dù (đối với xe mô tô, xe gắn máy), đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào, trừ các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định; không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn, lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ, dừng xe, đậu xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định ngoài bị phạt tiền còn bị trừ điểm.

Trong bản dự thảo còn quy định trừ điểm với việc xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 10-35km/giờ, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy chuyên dùng chạy quá tốc độ trên 10-20km/giờ; không có giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người điều khiển giao thông hoặc đèn tín hiệu giao thông…

Ông Đỗ Duy Phong, giáo viên dạy lái xe ở TP.Biên Hòa cho hay, với những quy định hiện hành thì để lấy được GPLX ô tô không còn dễ như trước. Quy định về đào tạo, sát hạch GPLX ngày càng “siết chặt” nên những ai đã có bằng lái sẽ hiểu rõ những khó khăn nếu phải thi lại.

Theo ông Phong, nếu bị phạt nặng, thậm chí phải thi bằng lái lại thì người điều khiển phương tiện sẽ e dè, chấp hành nghiêm các quy định. Từ đó, nâng cao ý thức trong tham gia giao thông, về lâu dài sẽ xây dựng văn hóa giao thông văn minh hơn.

* Cần cân nhắc kỹ

Thực tế, việc trừ điểm trên GPLX không hề mới, từ năm 2003, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm giao thông của lái xe bằng cách “bấm lỗ” trên bằng lái xe. Theo đó, nếu GPLX bị đánh dấu 2 lần vi phạm, tài xế phải thi lại lý thuyết về Luật Giao thông đường bộ khi đổi GPLX; nếu bị đánh dấu 3 lần, GPLX hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp mới.

Tuy nhiên sau 4 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ do thiếu thẩm mỹ và việc bấm lỗ dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm do không được “khớp” với biên bản và quyết định xử phạt. Vì vậy, việc quy định số điểm và trừ điểm trên GPLX cần được tính toán lại sao cho phù hợp.

Tài xế Lê Văn Đại (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) lái xe du lịch kiến nghị Bộ Công an, Bộ
GT-VT cần đảm bảo có một hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiệu quả có thể xử phạt và trừ điểm GPLX, không để xảy ra sai sót nào. Hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như các loại biển báo, vạch sơn, tín hiệu đèn trên đường cần phải hợp lý và đúng luật, tránh tình trạng tài xế phải ấm ức chịu phạt, dẫn đến tình trạng tranh cãi, không chấp hành việc xử phạt.

“Về phía lực lượng chức năng, phải nghiêm minh, đặc biệt là không tiêu cực trong thực thi công vụ. Khi mức phạt nặng, người vi phạm luôn tìm mọi cách đối phó để không bị trừ điểm, phạt tiền cao. Do đó, cả lực lượng chức năng và người tham gia giao thông cần phải nghiêm túc thực hiện” - ông Đại phân tích.

Trong những năm gần đây, các mức phạt về vi phạm giao thông liên tục được điều chỉnh nhằm phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, các quy định của pháp luật đưa ra theo hướng không những tăng mức phạt tiền mà còn bổ sung các mức phạt khác. Mục đích của việc xử phạt vi phạm giao thông là để răn đe, chấn chỉnh những sai sót. Muốn vậy, cần có sự chuẩn bị sẵn sàng từ trang thiết bị, ứng dụng công nghệ để những quy định này đi vào thực tế cuộc sống và có hiệu quả.

Dương Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202006/ban-khoan-voi-de-xuat-tru-diem-tren-giay-phep-lai-xe-3009926/