Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với Sở Công thương

Sáng nay 3.10.2019, đoàn giám sát của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh do Phó Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách (KT-NS) Nguyễn Đăng Ánh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Công thương về giám sát thực hiện nhiệm vụ ngành Công thương 9 tháng đầu năm 2019; tình hình triển khai thực hiện các chính sách do HĐND tỉnh ban hành. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy.

 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo của Sở Công thương, trong 9 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt mức tăng 9,45% so với cùng kì năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,34%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,17%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 20,16%; cung cấp nước, hoạt động quản lí và xử lí rác thải, nước thải tăng 3,53% so với cùng kì năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng khá so với cùng kì như: Điện sản xuất tăng 25,44%; phân hóa học tăng 22,11%,; đá xây dựng tăng 21,14%; quần áo tăng 20,67%; dăm gỗ tăng 16,29%; điện thương phẩm tăng 15,53%...

Trong lĩnh vực thương mại, tính đến hết tháng 8.2019 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 19.997,79 tỉ đồng, tăng 10,33% so với cùng kì năm trước và đạt 66,88% kế hoạch năm. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng năm 2019 tăng 1,46% so với bình quân cùng kì năm trước. Đã tích cực, chủ động phối hợp với các ngành trong xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư, trọng tâm là các dự án năng lượng tái tạo khởi công và hoàn thành trước ngày 1.7.2019. Hỗ trợ một số dự án công nghiệp chế biến, chế tạo đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đi vào hoạt động, góp phần vào tăng trưởng của tỉnh năm 2019 và các năm tiếp theo.

Về tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND ngày 5.8.2014 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến công. Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2019, với tổng kinh phí hơn 15,818 tỉ đồng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) đã hỗ trợ xây dựng được 10 mô hình trình diễn kĩ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 89 đề án ứng dụng máy móc và tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm hàng hóa theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường trong một số ngành nghề như chế biến nông - lâm - thủy sản; sản xuất, gia công máy móc, cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng; chế biến thực phẩm... Hỗ trợ đào tạo nghề may công nghiệp cho 100 lao động.

Đã tổ chức đánh giá khả năng áp dụng sản xuất sạch hơn tại 1 doanh nghiệp sản xuất gỗ ván ghép thanh và triển khai áp dụng một số giải pháp về sản xuất sạch hơn tại 1 doanh nghiệp gia công chế tạo cơ khí; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về áp dụng sản xuất sạch hơn cho 50 học viên. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp cho hơn 10 đơn vị, tập trung vào nhóm hàng hóa thực phẩm, chế biến nông - thủy sản của địa phương. Hỗ trợ 7 đoàn doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh tham gia các hội chợ cấp khu vực; hỗ trợ 3 đề án cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ trong nước; hình thành 3 điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng của tỉnh; tổ chức 3 đợt bình chọn và 1 lễ tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh.

Kết quả, đã có 63 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 6 sản phẩm được chứng nhận cấp khu vực, 2 sản phẩm được chứng nhận cấp quốc gia. Đã thực hiện 6 đề án phát triển cụm công nghiệp và di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường, trong đó có 2 đề án lập quy hoạch chi tiết cụm điểm công nghiệp, 2 đề án hỗ trợ di dời và 2 đề án đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực khuyến công, công tác thông tin tuyên truyền.

Đối với hoạt động khuyến công cấp huyện, đến nay trừ huyện Hướng Hóa hầu hết các huyện, thị xã, thành phố hàng năm đều bố trí kinh phí khuyến công khoảng 100 triệu đồng/địa phương, đảm bảo đáp ứng được các nhiệm vụ chính trị và hỗ trợ phát triển cômg nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tại các địa phương. Nhiều làng nghề, ngành nghề truyền thống được củng cố, khôi phục phát triển và được công nhận; nhiều mô hình khuyến công đã phát huy được hiệu quả sản xuất kinh doanh của địa phương.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Công thương đã tập trung trả lời các chất vấn của đoàn giám sát Ban KT-NS về những lĩnh vực của ngành công thương, như: Giải trình về tăng trưởng công nghiệp và thương mại; việc xúc tiến và đầu tư các dự án phát triển của ngành; tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, công tác quản lí nhà nước của ngành đặc biệt là việc quản lí xăng dầu, sản xuất dăm gỗ, thương mại điện tử; công tác khuyến công và xúc tiến thương mại... Đồng thời, kiến nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách cho các hoạt động khuyến công theo đúng quy định tại Nghị quyết 09; chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác khuyến công, bố trí kinh phí khuyến công cấp huyện; bố trí vốn cho đầu tư phát triển chợ; tháo gỡ khó khăn về bộ máy, biên chế cho Trung tâm KC&TVPTCN để có thể tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung thuộc nhiệm vụ khuyến công được giao.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của ngành công thương trong thời gian qua, như công tác xúc tiến đầu tư đã thu hút nhiều dự án năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo đầu tư vào tỉnh nhà; hỗ trợ chủ đầu tư trong việc khởi công và hoàn thành các dự án chào mừng kỉ niệm 30 lập lại tỉnh; định hướng phát triển công nghiệp, thương mại đúng hướng; giá trị thương mại, xuất nhập khẩu ngày càng tăng.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy đề nghị Sở Công thương tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm; tham mưu cho HĐND tỉnh trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ công nghiệp, thương mại. Làm tốt công tác tham mưu xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh trong lĩnh vực mà ngành Công thương quản lí. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, phát huy tốt các nguồn lực đưa công nghiệp, thương mại tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban KT-NS HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Ánh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu các sản phẩm địa phương; hoạt động khuyến công chưa tương xứng với đầu tư của các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ ít điều chỉnh, thiếu nguồn vốn hỗ trợ đầu tư, riêng nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết 09/2014/NĐ-HĐND chỉ đạt khoảng 65%. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, đề nghị Sở Công thương sớm tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 09 hoặc lồng ghép ban hành mới về chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh, tránh chồng chéo; nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kĩ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2020 – 2025. Về những kiến nghị đề xuất của Sở Công thương, Ban KT-NS sẽ tổng hợp trình HĐND tỉnh xem xét trong kì họp tới.

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, đoàn giám sát của Ban KT-NS HĐND tỉnh đã đến khảo sát một số mô hình khuyến công tại TP. Đông Hà, huyện Gio Linh và Vĩnh Linh.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=142770