Ban kinh tế Trung ương tổ chức diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển

ĐBND - Ngày 12.6, hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức 'Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022'.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc diễn đàn

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc diễn đàn

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì Diễn đàn. Cùng dự, có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và đại biểu đại diện 28 tỉnh, thành phố có biển trong cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu chào mừng diễn đàn

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu chào mừng diễn đàn

Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương cho biết, kinh tế biển là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong thế kỷ của “biển và đại dương”. Đây cũng chính là khu vực sẽ chứng kiến nhiều sự cạnh tranh, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có sự tiếp cận phù hợp, kịp thời để có thể khai thác lợi thế này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế biển cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng đã có những sự phát triển quan trọng, tạo ra những động lực phát triển cho từng địa phương.

Diễn đàn lần này là cơ hội quan trọng để các địa phương ven biển được ngồi lại với các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực để chia sẻ những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn vướng mắc để cùng thảo luận, tìm ra các giải pháp phát triển trong thời gian tới…

Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tham dự tập trung bám sát các nội dung trọng tâm; những kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đề xuất các giải pháp, cách làm mới, thực chất, hiệu quả nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, nhất là các nhiệm vụ về phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế…

Diễn đàn thu hút khoảng hơn 300 đại biểu tham dự

Diễn đàn thu hút khoảng hơn 300 đại biểu tham dự

Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe các tham luận của các bộ, ngành Trung ương và địa phương liên quan đến vấn đề phát triển bền vững kinh tế biển, các mô hình phát triển tăng trưởng xanh, vai trò kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chủ động phòng, chống thiên tai; nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ cho biết, khu vực ven biển của tỉnh Phú Yên phát triển mạnh, là đầu tàu kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10,5%/năm; thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, đóng góp trên 65% giá trị GDP và trên 75% ngân sách tỉnh. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, du lịch được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ, phục vụ tốt công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển. Hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển được đẩy mạnh. Khu vực ven biển của tỉnh đã hình thành 5 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích hơn 460ha, đã có hơn 80 dự án đầu tư, tỉ lệ đăng ký đầu tư lấp đầy khoảng 77%.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương trao đổi với các đại biểu bên lề diễn đàn

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương trao đổi với các đại biểu bên lề diễn đàn

Triển lãm tranh, ảnh về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học biển đảo, đại dương

Triển lãm tranh, ảnh về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học biển đảo, đại dương

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân khẳng định: Nghị quyết số 36-NQ/TW đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta trong xu thế phát triển chung toàn cầu. Để phát triển bền vững Kinh tế biển (KTB) Việt Nam, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý cho nền KTB bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững KTB, thúc đẩy thu hút và huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành KTB mới, như: Điện gió ngoài khơi, nuôi biển xa bờ; Tăng cường điều tra cơ bản tập trung thăm dò, tìm kiếm các loại khoáng sản, kim loại chiến lược…

Đồng thời, Bộ TN&MT sẽ triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển KTB, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Việt Nam có chiều dài bờ biển khoảng trên 3.260km, với vùng đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2, có khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2.773 đảo ven bờ với tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.720 km2, 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa (gồm hơn 200 đảo) và các đối tượng địa lý (187 đảo). Trong số 3.000 hòn đảo có 03 đảo rộng trên 100 km2 là Phú Quốc (558 km2), Cái Bầu (194 km2) và Cát Bà (160 km2)… Với bờ biển dài cùng hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ và hàng trăm bãi tắm cát trắng trải dài từ Bắc vào Nam, nhiều bãi biển, vịnh đẹp nổi tiếng thế giới; kinh tế biển đóng góp 60% tổng GDP cả nước.

Trong khuôn khổ diễn đàn còn diễn ra chương trình Tọa đàm về vận tải biển, năng lượng gió, du lịch biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững; triển lãm tranh, ảnh về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học biển đảo, đại dương.

Tin và ảnh: Chí Tuấn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/ban-kinh-te-trung-uong-to-chuc-dien-dan-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien-i291818/