Bán lại hai dòng smartphone cao cấp chỉ là cách cuối cùng của Huawei
Việc bán những dòng smartphone cao cấp của mình là biện pháp cuối cùng của Huawei để tìm hi vọng cho mảng kinh doanh này.
Ngày 26/1, Reuters đưa tin Huawei đang đàm phán để bán lại 2 dòng smartphone cao cấp là P và Mate của hãng cho một liên minh Trung Quốc. Động thái này được các nhà phân tích đánh giá là biện pháp cuối cùng của Huawei để níu kéo mảng smartphone, trước những hạn chế được Mỹ đưa ra liên tục trong năm 2019 và 2020. Dù Huawei đã bác thông tin bán hai dòng smartphone cao cấp, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng đây là hướng đi phù hợp nếu hãng này tiếp tục bị cấm vận.
"Bán đi dòng sản phẩm đang có doanh thu tốt sẽ không giúp Huawei giải quyết các rắc rối từ lệnh cấm của Mỹ, mà chỉ khiến họ mất đi một nguồn doanh thu lớn mà thôi. Thương vụ này chỉ là biện pháp cuối cùng của Huawei, nhất là khi hãng này vẫn muốn hiện diện trong mảng smartphone", Will Wong, nhà phân tích tại IDC nhận định.
Không có nguồn chip, Huawei không thể làm smartphone cao cấp
Trong suốt năm 2019 và tới cuối 2020, Huawei vẫn có thể tiếp tục ra mắt các smartphone cao cấp. Mặc dù không sử dụng được bộ dịch vụ Google trên hệ điều hành Android, những mẫu P40 và Mate30, Mate40 vẫn mang chipset Kirin do Huawei tự phát triển cùng tính năng chụp ảnh ấn tượng.
Tuy nhiên, lệnh cấm hợp tác với TSMC vào tháng 8/2020 chính là đòn kết liễu với tham vọng này của Huawei. TSMC là công ty gia công chip số một thế giới, với công nghệ vượt trội các đối thủ.
Ngoài TSMC, Huawei không tìm ra được đối tác nào sản xuất dòng chip Kirin do hãng thiết kế. Huawei vẫn còn một lượng dự trữ chip từ những đơn hàng TSMC đã thực hiện trước đó, nhưng trữ lượng này sẽ cạn dần.
Bên cạnh đó, lệnh cấm trên cũng khiến Huawei không thể tiếp cận với các công cụ thiết kế chip và quang khắc, những công đoạn không thể thiếu để tạo ra vi xử lý mới.
Huawei không thể tiếp cận những công nghệ quan trọng để sản xuất chipset cao cấp Kirin, do vậy họ cũng không còn đường trở lại mảng smartphone. Không có chip thì không thể làm smartphone.
Neil Mawston, Giám đốc hãng phân tích Strategy Analytics
Ngay sau lệnh cấm từ Mỹ, Giám đốc mảng Sản phẩm Tiêu dùng Huawei Richard Yu đã thừa nhận rằng từ năm 2021 công ty này khó có thể tiếp tục thiết kế và sử dụng chip Kirin.
"Huawei không thể tiếp cận những công nghệ quan trọng để sản xuất chipset Kirin, do vậy họ cũng không quay trở lại mảng smartphone cao cấp được. Không có chip thì không thể làm smartphone", ông Neil Mawston, Giám đốc hãng phân tích Strategy Analytics chia sẻ với Zing.
Nhà phân tích Will Wong đánh giá dòng sản phẩm Mate và P, cùng với bộ phận thiết kế chip HiSilicon là những thành phần quan trọng nhất của Huawei trong mảng smartphone.
"Đây là những trụ cột để tạo ra hình ảnh cao cấp và lợi thế cạnh tranh của Huawei trên thị trường", ông Wong nhận định.
Huawei cũng khó có thể tìm đến những đối tác cung cấp chip khác như Qualcomm hay MediaTek, bởi lệnh cấm của Mỹ sẽ hạn chế các công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ. Trong ngành sản xuất chip, Mỹ vẫn là quốc gia khởi nguồn của những công nghệ quan trọng nhất.
Khe cửa hẹp của Huawei
Tháng 11/2020, Huawei từng bán thương hiệu Honor cho một liên minh công nghệ khác của Trung Quốc. Đây được coi là cách để thương hiệu này tiếp tục tồn tại, khi không bị hạn chế vì gắn với hình ảnh Huawei.
Vào ngày 22/1, thương hiệu độc lập Honor đã ra mắt smartphone đầu tiên là chiếc View40 ở Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng phiên bản quốc tế của mẫu máy này sẽ hỗ trợ dịch vụ Google.
"Các hạn chế của Mỹ hiện tại không áp dụng cho Honor. Do vậy, mảng smartphone cao cấp của Huawei cũng có thể đạt được điều tương tự nếu tách ra độc lập", bà Flora Tang, nhà phân tích tại Counterpoint Research nhận xét.
Vào tháng 6/2020, Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei cho rằng công ty cần hoạt động theo hình thức phi tập trung, lợi nhuận ổn định và đảm bảo mức lương trong 3-5 năm để vượt qua lệnh cấm của Mỹ.
Tuy nhiên, ông Paul Haswell, luật sư chuyên tư vấn về mảng công nghệ tại Pinsent Masons cho rằng thương hiệu Huawei sẽ không thể lạc quan như vậy.
"Mỹ hoàn toàn có thể mở rộng các điều khoản hạn chế nếu muốn. Do vậy, không thể nhìn câu chuyện Honor để nhận định cho thương hiệu Huawei hay các công ty công nghệ khác của Trung Quốc", ông Haswell chia sẻ.
Mặc dù Mỹ đã có một tổng thống mới, các công ty Trung Quốc vẫn bi quan về triển vọng trong 4 năm tới. Ông Joe Biden có thể sẽ không loại bỏ các hạn chế đối với công nghệ Trung Quốc.
"Huawei có thể bán đi dòng smartphone cao cấp, hoặc thậm chí là toàn bộ mảng kinh doanh tiêu dùng, nếu như họ không thấy lạc quan về triển vọng trong vài năm tới, dưới các ảnh hưởng địa chính trị", bà Tang nói thêm.
Sau khi bán đi cả thương hiệu smartphone cao cấp lẫn dòng Honor, Huawei sẽ bị thiệt hại rất nhiều và mất chỗ đứng trong mảng smartphone.
"Chúng tôi dự đoán thị phần smartphone toàn cầu của Huawei và Honor sẽ giảm một nửa trong năm 2021, bởi không có linh kiện thì không thể làm smartphone. Kể cả khi họ có thể tiếp cận trở lại với công nghệ Mỹ, thương hiệu này cũng bị tổn hại và sẽ rất khó hồi lại ngoài Trung Quốc", ông Neil Mawston chia sẻ với Zing.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/huawei-het-cua-o-thi-truong-smartphone-post1177480.html