Bản Lầm nâng cao chất lượng và độ che phủ rừng

Là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, Bản Lầm có diện tích tự nhiên 6.312 ha; trong đó có 2.848 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất, độ che phủ rừng đạt trên 45%. Bản Lầm hiện là một trong những xã có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất của huyện Thuận Châu.

Kiểm lâm địa bàn và nhân dân xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu tuần tra bảo vệ rừng.

Kiểm lâm địa bàn và nhân dân xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu tuần tra bảo vệ rừng.

Ông Cà Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Bản Lầm có 8 bản, 893 hộ thì còn 424 hộ nghèo. Đặc biệt, 2 bản vùng cao của đồng bào dân tộc Mông hầu hết đều là hộ nghèo. Trong khi đó, kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, với hai loại cây chủ yếu là cà phê và lúa ruộng. Những năm qua, cùng với triển khai hiệu quả các chính sách về hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, Bản Lầm đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh 85 ha lúa 2 vụ và 1.150 ha cây cà phê, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhân dân để từng bước giảm áp lực vào rừng, hạn chế tối đa tình trạng phá rừng làm nương.

Với mục tiêu bảo vệ tốt diện tích rừng hiện còn, chính quyền xã đã tích cực phối hợp với kiểm lâm địa bàn quản lý chặt diện tích, gắn với tăng cường theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp. Triển khai các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng và phát triển rừng, quản lý lâm sản; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Anh Bùi Văn Mạnh, cán bộ Hạt Kiểm lâm Thuận Châu phụ trách địa bàn, thông tin: Đến nay, toàn bộ diện tích rừng của xã Bản Lầm đã được giao cho 24 chủ rừng là cộng đồng, 9 chủ rừng là hộ gia đình và cá nhân, 7 chủ rừng là nhóm hộ và 13 chủ rừng là tổ chức đoàn thể quản lý.

Hàng năm, UBND xã tổ chức kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng của xã, củng cố 6 tổ bảo vệ PCCCR của 6 bản. Đồng thời, chỉ đạo Ban CHQS xã, Công an xã và cán bộ địa chính phối hợp với kiểm lâm địa bàn tổ chức tuần tra, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng; tuyên truyền, vận động nhân dân không phá rừng làm nương, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm; theo dõi cập nhật diễn biến tài nguyên rừng; rà soát diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh; xây dựng các mô hình nông - lâm kết hợp để tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân. Triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, những năm qua, xã đã chỉ đạo, hướng dẫn các bản quản lý và sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng, bảo đảm công khai, tạo thêm sinh kế cho người dân và góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, PCCCR. Tính riêng năm 2022, các chủ rừng trên địa bàn xã được chi trả trên 643 triệu đồng, xã đã phối hợp với Chi nhánh Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của huyện hướng dẫn các bản xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Trong đó, 30% được sử dụng vào phục vụ công tác bảo vệ và PCCCR, còn lại các bản chủ động họp dân thống nhất đầu tư xây dựng các công trình công cộng, phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân và chi cho các tổ bảo vệ rừng.

Chúng tôi cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn về bản Lằm, đúng vào dịp bản tổ chức họp dân ở nhà văn hóa để tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ, PCCCR và công khai việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Ban quản lý bản và cán bộ kiểm lâm phổ biến rất cụ thể những hành vi vi phạm bị xử lý trong lĩnh vực lâm nghiệp, hướng dẫn bà con sản xuất nương rẫy đúng ranh giới. Bí thư chi bộ, Trưởng bản Hà Văn Cường chia sẻ: Bản có 937 ha rừng, chiếm khoảng 30% diện tích rừng của xã. Ngoài 17,5 ha ruộng lúa, thì 210 ha cà phê trên nương của bà con đều ở những khu vực giáp với rừng. Mấy năm gần đây, cà phê được giá, nhưng ở bản không có tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng cà phê, các hộ đều thực hiện nghiêm các nội dung ký cam kết bảo vệ rừng với ban quản lý bản. Tổ bảo vệ PCCCR của bản có 10 người, mỗi tháng tổ chức tuần tra rừng 3 lần, vừa kiểm tra việc sản xuất nương rẫy của bà con và kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi xâm hại rừng.

Với mục tiêu quản lý, bảo vệ tốt toàn bộ diện tích rừng hiện còn, đẩy mạnh chăm sóc rừng khoanh nuôi rừng tái sinh, từng bước nâng cao chất lượng rừng, Bản Lầm đang tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định diện tích sản xuất nương rẫy. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tiếp tục xây dựng các mô hình nông - lâm kết hợp; vận động các hộ dân xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi đại gia súc; triển khai chính sách phát triển lâm nghiệp, hỗ trợ nhân dân trồng rừng bằng cây sơn tra, cây mắc ca và trồng sa nhân dưới tán rừng, nhằm tạo thêm việc làm, thu nhập, từng bước tăng tỷ lệ che phủ rừng.

Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ban-lam-nang-cao-chat-luong-va-do-che-phu-rung-53688