Bán lẻ bách hóa: Thị trường khốc liệt, cá bé nuốt cá lớn?

Theo VDSC, mặc dù khả năng tăng trưởng quy mô thị trường bán lẻ bách hóa Việt Nam được dự báo ở mức thấp, thị trường vẫn đón nhận làn sóng gia nhập của chuỗi bán lẻ hiện đại. Thị phần kênh hiện đại đang chiếm khoảng 12%, trong khi cửa hàng hóa nhỏ lẻ chiếm xấp xỉ 84%.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong giai đoạn 2017-2023, lạm phát giá và mở rộng thị trường tại khu vực nông thôn đã dẫn dắt tăng trưởng doanh số bán lẻ tạp hóa của Việt Nam, mặc cho sản lượng bán hàng bão hòa tại các khu vực đô thị. VDSC cho rằng tổng doanh số của thị trường bán lẻ bách hóa sẽ đạt mức tăng trưởng một chữ số khi tỷ lệ tiêu thụ hàng tạp hóa trên đầu người tại Việt Nam đạt đến mức giới hạn (khoảng 30% thu nhập).

Theo dự báo của Euromonitor, giá trị thị trường bán lẻ bách hóa của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tỷ lệ CAGR 2,8% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2028, giảm 28 điểm cơ bản so với tỷ lệ CAGR giai đoạn 2017-2022.

“Mặc dù khả năng tăng trưởng quy mô thị trường thấp, chúng tôi vẫn nhận thấy làn sóng gia nhập thị trường bán lẻ tạp hóa từ cả chuỗi hàng tạp hóa trong nước và nước ngoài trong những năm gần đây (Go!, Aeon, BigC, Winmart, Bách Hóa Xanh...). Điều này cho thấy thị trường bán lẻ bách hóa của Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các chuỗi hiện đại”, các chuyên gia của VDSC cho biết.

Theo đó, sự thay đổi nhanh chóng trong thói quen tiêu dùng hướng người tiêu dùng tới việc ưa chuộng các kênh hiện đại, được hỗ trợ bởi dịch vụ vượt trội so với chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ (như an toàn thực phẩm, không mặc cả giá, môi trường mua sắm sạch sẽ và rộng rãi).

Số liệu của VDSC và Euromonitor về tỷ lệ thâm nhập hàng điện tử tiêu dùng chính của Việt Nam hàng năm từ năm 2017-2023 cho thấy thị phần của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị và đại siêu thị ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, trong khi thị phần của cửa hàng tạp hóa nhỏ dù vẫn chiếm phần lớn nhưng đã có xu hướng co hẹp.

Về thị phần cụ thể, kênh hiện đại đang chiếm khoảng 12%, trong khi thị phần của cửa hàng hóa nhỏ lẻ chiếm xấp xỉ 84%. Theo VDSC, điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong việc mở rộng thị phần của các chuỗi này trong những năm tới. Dù vậy, sự phát triển của ngành bán lẻ tạp hóa hiện đại ở Việt Nam còn kém xa so với các nước Đông Nam Á.

Theo VDSC, trong các chuỗi bán lẻ bách hiện tại, Bách hóa Xanh, Winmart (WCM, WMP – Winmart+) đã cho thấy hiệu quả ban đầu của các chiến lược tái cấu trúc, tạo bước đệm mở rộng chuỗi cửa hàng dựa trên cấu trúc chi phí vững chắc.

Nhìn lại giai đoạn trước khi tái cấu trúc của hai chuỗi này, WCM và Bách hóa Xanh ghi nhận khoản lỗ khổng lồ lần lượt là 20.451 tỷ đồng và 8.077 tỷ đồng, tương đương với biên lợi nhuận ròng lần lượt là -24,3% và -8,6%.

“Trong bối cảnh "đốt tiền" chỉ để giành được 1-2% thị phần với trải nghiệm khách hàng kém và gánh nặng chi phí khổng lồ ngay cả sau 5-7 năm hoạt động, cả Tập đoàn Masan (MSN) và Công ty Cổ phần Thế giới Di động (MWG) đã tích cực triển khai các kế hoạch tái cấu trúc của mình”, VDSC cho biết.

Các kế hoạch này bao gồm đóng cửa hoàn toàn các cửa hàng không hiệu quả, tái cấu trúc hoàn toàn các SKUs (Stock Keeping Unit - đơn vị lưu kho), ưu tiên các mặt hàng có biên lợi nhuận cao mà vẫn đảm bảo chất lượng và tối ưu hóa chi phí lưu kho, giảm hủy hàng, thiết kế lại bố cục cửa hàng (giới thiệu hình ảnh mới và kích thước cửa hàng nhỏ hơn để giảm chi phí thuê), và cải thiện hệ thống logistics và kho bãi.

Theo đại diện của MWG và MSN, các chuỗi này đã hoàn thành thành công các kế hoạch tái cấu trúc trong năm 2023 và ghi nhận những điểm sáng tích cực. Mặc dù số lượng cửa hàng hiện tại ít hơn so với trước khi tái cấu trúc, việc tái cấu trúc đã cho thấy thị phần tăng và doanh thu vững chắc trên mỗi cửa hàng trong giai đoạn 2021-2023. Điều này cho thấy hiệu quả được cải thiện trong việc thu hút lượng khách hàng lớn hơn và đạt tỷ lệ chuyển đổi tốt hơn.

Biên lợi nhuận ròng của 2 chuỗi dần đạt đến điểm hòa vốn nhờ vào doanh thu được cải thiện trên mỗi cửa hàng và tối ưu hóa chi phí (biên gộp, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu ròng tốt hơn).

Theo VDSC, điểm khác biệt chính giữa Bách hóa Xanh và WCM so với các chuỗi bán lẻ hiện đại khác là cách tiếp cận tiên phong trong việc thiết lập mạng lưới rộng lớn các mô hình siêu thị mini mở rộng vào cả khu vực đô thị và nông thôn. Chiến lược này giúp tăng cường điểm tiếp xúc với người tiêu dùng, định vị chuỗi là những người dẫn đầu tiềm năng trong tăng trưởng doanh số trong thị trường bán lẻ bách hóa.

Tóm lại, nhờ vào vị thế thị trường nổi bật và mạng lưới cửa hàng rộng khắp, cùng với tiềm năng cải thiện chi phí đáng kể dựa trên tham khảo các chuỗi châu Á đi trước, VDSC cho rằng các chuỗi bản lẻ này đang đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình tăng trưởng dài hạn của MSN và MWG.

Theo VDSC, chênh lệch lớn về doanh số trên mỗi cửa hàng của 2 chuỗi có khả năng lớn đến từ SKU. MWG hiện sở hữu nhiều SKU hàng tươi hơn, giúp thu hút nhiều khách hàng hơn MSN, nhưng khó quản lý kho bãi, hậu cần do nhà cung cấp bị phân mảnh. Câu hỏi lớn đặt ra ở đây là liệu WCM có thể bắt kịp Bách hóa Xanh về doanh số mỗi cửa hàng trong tương lai hay không?

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/thi-truong-ban-le-bach-hoa-ca-be-nuot-ca-lon-d112671.html