Bán lẻ công nghệ kỳ vọng từ nửa sau năm 2024
Sau 'cuộc chiến' cạnh tranh về giá nhằm gia tăng thị phần, các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ đang quay trở lại theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận.
Kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng năm 2024
Năm 2023, áp lực cạnh tranh gia tăng khiến các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ bước vào cuộc chiến cạnh tranh về giá, nhưng nhu cầu tiêu dùng yếu trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại dẫn tới kết quả kinh doanh suy giảm, thậm chí thua lỗ.
Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG) ghi nhận 118.279,8 tỷ đồng doanh thu trong năm 2023, giảm 11,3% so với năm 2022; lợi nhuận trong năm qua là 167,8 tỷ đồng, giảm 95,9% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 4% kế hoạch (lãi 4.200 tỷ đồng). Trong đó, biên lợi nhuận ròng giảm từ 3,07% xuống 0,14%, mức thấp kỷ lục từ khi niêm yết năm 2014 tới nay.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT) đạt doanh thu 31.849,6 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 5,6% so với năm 2022, nhưng lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ kỷ lục 329,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 398,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước sang năm 2024, các doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng cao.
Chẳng hạn, Đầu tư Thế giới Di động lên kế hoạch năm 2024 đạt doanh thu 125.000 tỷ đồng, tăng 6% và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, gấp 14,2 lần so với năm 2023.
Theo Đầu tư Thế giới Di động, Công ty có dư địa để củng cố doanh thu và cải thiện mạnh mẽ chỉ tiêu lợi nhuận nhờ cuộc tái cấu trúc toàn diện bắt đầu từ quý IV/2023 với những thay đổi quyết liệt hướng đến nâng cao hiệu quả vận hành, cộng thêm nền tảng tài chính lành mạnh, thị phần chuỗi Thế giới Di động, Topzone, Điện máy xanh gia tăng và mức tăng trưởng doanh thu hai con số đối với chuỗi Bách hóa xanh, An Khang, AVAKids. Trong đó, chuỗi Bách hóa xanh được kỳ vọng bắt đầu mang lại lợi nhuận kể từ năm 2024.
Theo nguồn tin của Reuters, Công ty CDH Investments của Trung Quốc đang đàm phán mua tối đa 10% cổ phần chuỗi Bách hóa xanh. Nếu thỏa thuận này được thực hiện, định giá chuỗi Bách hóa xanh có thể lên tới 1,7 tỷ USD, dù 8 năm qua liên tiếp thua lỗ, với tổng lỗ lũy kế 8.606 tỷ đồng.
Về kế hoạch bán vốn chuỗi Bách hóa xanh, thông tin từ Đầu tư Thế giới Di động cho hay, Công ty vẫn đang trong quá trình thực hiện và dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2024.
Với FPT Retail, kế hoạch kinh doanh năm 2024 chưa được công bố, nhưng đại diện doanh nghiệp chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về kỳ vọng phục hồi trong năm 2024: “Trong ngắn hạn, thị trường ICT (sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông) có sức mua ở mảng điện thoại và laptop vẫn còn yếu do yếu tố vĩ mô chưa được cải thiện nhiều, chưa thấy có các sản phẩm đột phá để tạo ra nhu cầu mới. Tuy nhiên, xét về ngành bán lẻ nói chung trong năm 2024, một số yếu tố có khả năng cải thiện tốt. Điển hình là áp lực từ chi phí lãi vay cao so với cùng kỳ năm trước kỳ vọng sẽ lắng xuống nhờ các điều kiện kinh tế vĩ mô dần cải thiện, nhiều quyết sách được đưa ra để kích thích nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ cũng như người tiêu dùng. Sức mua dần cải thiện và thị trường bán lẻ có thể phục hồi mạnh mẽ hơn vào nửa cuối năm 2024”.
Cuộc chiến cạnh tranh về giá dần hạ nhiệt
Cuộc chiến cạnh tranh về giá dần hạ nhiệt, dự báo biên lợi nhuận năm 2024 của các chuỗi bán lẻ sẽ được cải thiện.
Trước nhu cầu tiêu thụ yếu ở hầu hết sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm công nghệ, đầu năm 2023, Đầu tư Thế giới Di động phát động “cuộc chiến” cạnh tranh về giá, đẩy các chuỗi bán lẻ khác thực hiện chiến lược tương tự.
Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, việc giảm hàng tồn kho các sản phẩm điện thoại và điện máy trong lĩnh vực bán lẻ bắt đầu diễn ra từ quý IV/2022, nhất là đối với sản phẩm iPhone 14. Do việc bàn giao iPhone 14 muộn (quý I/2023, thay vì quý IV/2022 như dự kiến ban đầu), không ít người tiêu dùng đã hủy đơn đặt hàng, điều này buộc các nhà bán lẻ phải giảm giá sâu để giải phóng hàng tồn kho trước khi Apple ra mắt mẫu sản phẩm mới (cuối quý III/2023). “Cuộc chiến” cạnh tranh về giá diễn ra khốc liệt trong quý II/2023, trong đó mức giảm giá iPhone 14 lên tới 25%, trong khi mức giảm giá iPhone 15 chỉ từ 4 - 6% trong quý III/2023.
Theo SSI Research, cuộc chiến giá cả đã hạ nhiệt trong quý III/2023. Tuy nhiên, mức tồn kho của các nhà bán lẻ trong quý III/2023 khác nhau khi chuỗi Điện máy xanh/Thế giới Di động ghi nhận lượng tồn kho giảm, trong khi lượng hàng tồn kho của FPT Shop vẫn ở mức cao. Do đó, các nhà bán lẻ điện thoại và điện máy có thể phải duy trì chiến lược giá cạnh tranh và biên lợi nhuận trong năm 2024 có thể không quay trở lại được mức như năm 2022.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng quản trị Đầu tư Thế giới Di động kỳ vọng: “Nếu không có những biến động lớn mang tầm vĩ mô, thế giới, thì sức mua có thể hồi phục từ giữa hoặc cuối năm 2024. Trong đó, đối với hai chuỗi Thế giới Di động và Điện máy xanh, áp lực cạnh tranh về giá đã có sự hạ nhiệt, đồng thời sau khi trải qua quá trình tái cấu trúc thì chi phí vận hành trên mỗi cửa hàng đã giảm đi nhiều so với trước đây và có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, không phụ thuộc quá nhiều vào biến động thị trường. Đặc biệt, trong năm 2024, Đầu tư Thế giới Di động không chủ trương dẫn đầu cuộc chiến về giá”.
Tương tự, đại diện FPT Retail cho biết, Công ty không theo đuổi chiến lược cạnh tranh về giá trong dài hạn.
“FPT Retail không theo đuổi chiến lược giá rẻ, mà tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, đa dạng hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ. Cụ thể, chúng tôi đã và đang thực hiện các chương trình như triển khai hệ thống khách hàng thân thiết FPT Loyalty, mở rộng Trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple - F.Care by FPT, mở các cửa hàng chuyên doanh sản phẩm mới Samsung S.Studio by FPT, Garmin Store… Công ty tiếp tục đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số tại các chuỗi. Về lâu dài, FPT Retail vẫn ưu tiên về chất lượng và trải nghiệm, đây mới chính là điều giữ chân khách hàng”, đại diện FPT Retail nói.