Bán lẻ ngoại đổi chiến lược, hàng Việt thêm quan ngại
Nắm giữ đến 50% thị phần bán lẻ tại Việt Nam, nên khi các chuỗi siêu thị ngoại thay đổi chiến lược kinh doanh, hoặc chỉ tạm dừng nhập hàng Việt Nam, như trường hợp của Big C mới đây, cũng sẽ tác động mạnh tới doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Nhu cầu tiêu dùng thay đổi
Hơn 800 thương hiệu tại 1.600 cửa hàng trên toàn hệ thống trung tâm thương mại Vincom sẽ đồng loạt ưu đãi lên tới 50% cùng hàng chục ngàn voucher quà tặng với tổng giá trị 6,5 tỷ đồng. Đó là những con số ấn tượng tạo nên sức hút của Lễ hội mua sắm Đỏ - Vincom Red Sale Carnival 2019 - lễ hội mua sắm hấp dẫn nhất mùa hè tổ chức tại hệ thống 69 trung tâm thương mại Vincom từ ngày 6/7 đến 14/7/2019.
Từ năm 2019, Vincom Red Sale Carnival sẽ được tổ chức thường niên vào thứ 7 đầu tiên của tháng 7 trên toàn quốc. Đặc biệt, lễ hội này có sự góp mặt của các thương hiệu thời trang đẳng cấp trong và ngoài nước như Armani Exchange, Versace Jeans, Zara, Pull&Bear, Stradivarius, Warehouse, Topshop, Adidas, Puma, Canifa, Eva De Eva, Vitimex, The Blues… Không chỉ giảm giá, nhiều thương hiệu thời trang còn mang đến chương trình hấp dẫn như quà tặng, voucher…
Động thái trên của Vincom phần nào cho thấy xu hướng của người tiêu dùng Việt Nam.
Theo số liệu của Vinatex, 70% quần áo tiêu thụ ở Việt Nam là nhập khẩu. Người tiêu dùng Việt rất thích hàng có thương hiệu. Trên 70% người tiêu dùng mua quần áo vì mẫu hợp thời trang, chứ không hẳn vì cần. Quần áo dòng trung và cao cấp cũng chiếm khoảng 70% tổng giá trị thị trường quần áo thời trang hàng năm.
Khi Zara hay H&M và sắp tới là Uniqlo “đổ bộ” vào Việt Nam, các thương hiệu trong nước không khác gì gặp cơn “sóng thần”. Sau hơn 2 năm vào Việt Nam, Zara đạt 3.000
tỷ đồng doanh thu. Nhiều chuỗi thời trang Việt Nam như Blue-Exchange, Canifa, NinoMax, PT2000… buộc phải nâng cấp cửa hàng, điều chỉnh định vị, cải tổ các dòng sản phẩm, sale nhiều hơn… để cạnh tranh và thu hút khách.
Vào mùa sale, các tín đồ mua sắm chỉ cần vài trăm ngàn đồng là mua được 1 chiếc đẹp, hợp mốt của Zara... Điều này cho thấy, các quầy hàng may mặc tại chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam khó có “cửa sống”, nếu không cải thiện chất lượng sản phẩm, mẫu mã, giá cả.
Trước đây, khi Big C chưa thuộc về Central Group, có chiến lược giá rẻ cho mọi nhà, nên hầu hết các sản phẩm đều ở phân khúc bình dân. Mặt hàng may mặc được bán trong siêu thị này do hơn 200 nhà cung cấp của Việt Nam cung ứng.
Động thái ngừng đặt hàng các nhà cung cấp này của Big C theo chỉ đạo từ Central Group bắt đầu từ tháng 7/2019 là không quá khó hiểu.
Giới chuyên môn trong ngành cho rằng, BigC phải tái cơ cấu ngành hàng này là đương nhiên. Trong thư gửi đến nhà cung cấp, nhà bán lẻ này cũng nói rõ: để chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam, nên phải tạm dừng dịch vụ thu mua từ các nhà cung cấp ở Việt Nam.
Sau khi thông báo dừng nhập hàng đối với hơn 200 nhà cung cấp hàng dệt may vấp phải sự phản ứng dữ dội của nhà cung cấp, dư luận và giới truyền thông cũng như sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan, Big C đã có động thái sẽ mở lại đơn hàng cho 50 nhà cung cấp là những đơn vị lớn nhất.
Bên cạnh đó, đã có một số tên tuổi bán lẻ trong nước đứng ra cứu nguy, song phía nhà cung cấp vẫn chưa yên lòng.
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) chia sẻ, hồi tháng 6, Central Group khai trương Siêu thị GO! Market đầu tiên tại Việt Nam. Big C thay đổi chiến lược kinh doanh mới, GO! Market hướng tới mặt hàng kinh doanh chất lượng cao nhiều hơn, nên cơ cấu lại nhóm ngành hàng. Đây là chiến lược kinh doanh mới của nhà bán lẻ này và phía Việt Nam tôn trọng quyết định đó, nhưng sẽ theo dõi về việc tuân thủ pháp luật Việt Nam như Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Đại diện Bộ Công thương cũng cho biết, trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nhà bán lẻ nước ngoài, không có cam kết ràng buộc việc phải sử dụng hàng Việt trên kệ siêu thị, mà trên tinh thần tự nguyện, khuyến khích...
Không nên bỏ trứng vào một giỏ
Trước đó, như Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã đưa tin, BigC Việt Nam không phải đối tác duy nhất tiêu thụ mặt hàng dệt may của 200 doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, doanh thu từ chuỗi bán lẻ này lại đóng góp phần lớn (70 - 80%) trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp so với các chuỗi tiêu thụ khác.
Từ sự việc bị Big C dừng hợp đồng, có thể thấy, nhiều nhà cung cấp Việt Nam đã vấp phải sai lầm trong kinh doanh, khi bỏ tất cả trứng vào một giỏ.
Đây không phải lần đầu tiên, Big C thay đổi chiến lược cơ cấu hàng hóa và bất ngờ thông báo tới nhà cung cấp.
Giữa năm 2017, chỉ trong vòng hơn 1 năm sau khi mua lại Big C từ Casino Group (Pháp), Central Group đã muốn “thay tên, đổi họ” Big C, đồng thời bất ngờ thông báo sẽ ngưng bán hàng nhãn riêng đến các đơn vị gia công sản phẩm này. Động thái đó khiến các doanh nghiệp Việt Nam làm nhãn hàng riêng cho Big C điên đảo.
Mặc dù việc này đã được cảnh báo nhiều năm trước, khi các siêu thị lao vào cuộc chiến nhãn hàng riêng, kéo theo hàng loạt các doanh nghiệp sản xuất gia công. Nhiều doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam chấp nhận làm nhãn hàng riêng cho siêu thị, “ăn theo” uy tín của siêu thị để phát triển kinh doanh, nhưng cũng có những doanh nghiệp bị nhãn hàng riêng đè bẹp, ăn dần “miếng bánh” thị phần.
Bài học kinh nghiệm từ các nhà sản xuất hàng hóa cho ông trùm bán lẻ Walmart là không bao giờ cung cấp quá 30% sản lượng. Nếu vượt quá tỷ lệ đó, nhà sản xuất có thể mất kiểm soát với vận mệnh của mình, hoặc có thể phải chịu thiệt hại nặng nề nếu Walmart thay đổi hãng cung ứng, hoặc phát triển nhãn hiệu riêng...
Từ cuối năm 2016, Big C đã có chính sách ngưng làm nhãn hàng riêng, thay vào đó, họ muốn tập trung vào những thế mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đưa sản phẩm vào hệ thống Big C nhiều hơn.
Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội bình luận, Big C đã “lật kèo” nhiều lần, vấn đề này thuộc đạo đức trong kinh doanh.
Big C đã từng loại chuỗi bán lẻ Thế giới Di động ra khỏi hệ thống, tăng chiết khấu đối với nhà cung ứng hàng Việt lên 25 - 30% giá trị. Trong vụ việc mới nhất, nếu có thay đổi mục đích kinh doanh, thì Big C phải đàm phán trước, thông báo trước với các nhà cung ứng Việt Nam. Việc thay đổi đột ngột ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp, tác động trực tiếp đến đời sống của hàng ngàn người.
Ông Phú cảnh báo, nhà sản xuất của Việt Nam cần phải dè chừng với các chuỗi siêu thị ngoại khác, bởi rất có thể, một ngày, các siêu thị này sẽ hành động tương tự Big C.
Sản xuất nhỏ trong nước lo duy trì kênh phân phối
Mặc dù việc tạm dừng các đơn đặt hàng may mặc chỉ là tạm thời, song giới chuyên gia cho rằng, sự đổ bộ của các nhà bán lẻ Thái Lan thời gian qua đã ít nhiều tác động đến thị trường bán lẻ cũng như hệ thống sản xuất của Việt Nam.
Ông Phú dẫn chứng, 85% mặt hàng được bày bán trong các siêu thị ngoại là của các doanh nghiệp cung ứng. Nếu các siêu thị ngoại nhập hàng của nước họ hoặc một nước thứ ba, thì các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam mất hệ thống phân phối. Trong khi đó, bán lẻ hiện đại, các kênh siêu thị do tên tuổi nước ngoài nắm giữ chiếm 50% thị phần bán lẻ tại Việt Nam.
Liên quan vấn đề này, ông Đỗ Hòa, CEO Công ty tư vấn Tinh hoa quản trị cho rằng, sản xuất nhỏ trong nước suy sụp thì hệ thống bán lẻ cũng mất dần nền tảng cạnh tranh, nên sẽ thua về lâu dài. Nếu kênh bán lẻ nội địa mà mất, thì sản xuất lớn trong nước cũng sẽ bị thua, vì không vào được kênh để bán, còn tự tổ chức kênh thì chi phí cao, kém hiệu quả.
Theo ông Hòa, sản phẩm tốt mà không có kênh phân phối thì cũng không tiêu thụ được, chưa nói đến, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam đang còn kém hơn.
Từ câu chuyện làm nhà cung cấp hay gia công nhãn hàng riêng cho siêu thị, có thể thấy, chiến lược kinh doanh của các ông lớn thay đổi liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và đảm bảo việc đầu tư sinh lời. Việc sang tên, đổi chủ trong các thương vụ M&A cũng hết sức bình thường trong cuộc “đổ bộ” của doanh nghiệp nước ngoài vào mảng bán lẻ. Theo đó, thách thức lớn nhất là mảng sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ lẻ bị ảnh hưởng nặng nề từ việc bị mất kênh phân phối thiết yếu chưa được hóa giải thỏa đáng và đây chính là điều Việt Nam phải chủ động có động thái mạnh hơn.