Bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử, doanh nghiệp kiến nghị gì?
Đến nay, chỉ có 2 doanh nghiệp là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM thực hiện xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu với trên 2.700 cửa hàng (chiếm khoảng 16% cả nước).
Phát biểu tại tọa đàm "Triển khai Hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu - Thực trạng và giải pháp” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 26/12, ông Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho rằng, việc Thủ tướng liên tiếp có 2 Công điện số 1284 ngày 1/12/2023 và 1123 ngày 18/11/2023 rốt ráo yêu cầu ngành thuế triển khai chủ trương cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ trong đẩy mạnh các hoạt động triển khai liên quan đến tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Hướng tới sự minh bạch
Hiện trên toàn quốc có hơn 17.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước, trong đó, khối các doanh nghiệp Nhà nước có gần 6.000 cửa hàng, doanh nghiệp bán lẻ - thương nhân phân phối có hơn 10.000 cửa hàng. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 2 doanh nghiệp là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM thực hiện xuất hóa đơn điện tử bán lẻ với trên 2.700 cửa hàng (chiếm khoảng 16% cả nước).
Việc triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo sẽ góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, chống thất thu và tăng thu ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, việc các tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân khi mua xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ yêu cầu người bán hàng lập hóa đơn theo đúng số lượng hàng hóa đã mua cũng là giải pháp giúp tăng cường công tác quản lý thuế, tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Nói về mặt lợi ích của việc triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu, ông Mai Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế cho rằng, việc này còn giúp các doanh nghiệp thay đổi công nghệ quản lý, quản trị, nâng cao thương hiệu, uy tín khi quản lý bằng công nghệ.
"Quan trọng hơn, không phải mỗi xăng dầu mà tất cả hàng hóa khi xuất hóa đơn điện tử sẽ đem đến nhiều quyền lợi cho người tiêu dùng. Dần dần, tất cả hàng hóa sẽ xác định được nguồn gốc, tiêu chuẩn như công bố của đơn vị sản xuất. Góc độ các cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ giảm thiểu được hành vi gian lận nếu có", ông Sơn nói.
Doanh nghiệp xăng dầu nói gì?
Với vai trò là đầu tàu ngành xăng dầu cả nước, ông Lưu Văn Tuyển, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thông tin, là đơn vị đầu mối, đồng thời là kênh phân phối trực tiếp, Petrolimex có 48 công ty xăng dầu với 2.700 cửa hàng trải rộng trên cả nước.
Thực hiện Nghị định số 123 của Thủ tướng Chính phủ, Petrolimex triển khai việc này rất thuận tiện. Bởi lẽ, với mục tiêu triển khai thực hiện hệ thống quản trị nguồn lực tập trung, Petrolimex đã đầu tư từ năm 2013 đến nay hệ thống cột bơm và hệ thống thu nhận tín hiệu cột bơm. Đặc biệt, Thông tư số 15 của Bộ Khoa học Công nghệ năm 2015 có quy định tất cả cột bơm xăng dầu đều phải in được toàn bộ dữ liệu bán xăng dầu cho mỗi lần thực hiện bán hàng. Petrolimex đã phải thực hiện theo thông tư này.
Khi triển khai thực hiện Nghị định số 123, Petrolimex đã có sẵn nguồn lực về hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ và giải pháp. Về kỹ thuật, Petrolimex đã có toàn bộ dữ liệu tập trung liên quan đến từng lần bơm hàng, lưu trữ dữ liệu hệ thống. Petrolimex đã phối hợp với VNPT, đơn vị triển khai dự án phần mềm, nối dữ liệu với nhau và phát hành trên hệ thống.
Ở góc độ thương nhân phân phối, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dầu khí Đồng Nai nêu quan điểm, xuất phát điểm của đơn vị xăng dầu Petrolimex khác với các doanh nghiệp tư nhân nên việc triển khai hóa đơn điện tử được thuận lợi. Còn phía doanh nghiệp tư nhân tự bỏ tiền ra đầu tư, hạ tầng chưa tương tích, cơ sở kinh doanh chưa đồng bộ và chưa tương tích trong chuyển đổi số.
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dầu khí Đồng Nai
Đại diện khối doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, đơn vị được coi là chịu nhiều tác động nhất, bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt kiến nghị, nếu buộc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử từng lần bơm thì cần phải có chi phí kinh doanh định mức.
"Thời gian dài, doanh nghiệp bán lẻ đã chịu chiết khấu thấp nên doanh nghiệp xin được đề xuất có chi phí kinh doanh định mức. Bởi khi doanh nghiệp có lãi, chúng tôi sẵn sàng thực hiện theo quy trình mà cơ quan thuế yêu cầu", bà Trâm nói.
Tiếp đó, bà Trâm đề xuất, đối với khách hàng không có nhu cầu nhận hóa đơn điện tử, một số doanh nghiệp đề nghị xuất gộp vào cuối ngày, thì phải có thời gian thích hợp và lộ trình cụ thể vì hầu hết doanh nghiệp hiện nay gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19.
"Hiện nay, chiết khấu doanh nghiệp nhận được chỉ 300-400 đồng/lít xăng, nhưng phải chịu nhiều chi phí như lương thưởng, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, thuế, chi phí vận chuyển… Sắp tới đây còn phải gánh thêm chi phí cho hóa đơn điện tử và hệ thống phần mềm quản lý về hóa đơn điện tử" Bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt
Cuối cùng, bà Trần Thụy Thùy Trâm nêu vấn đề sử dụng hóa đơn điện tử một cách linh hoạt. Nghị định mới được ban hành, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng trên 2 nhà phân phối. Như vậy, cơ chế độc quyền không còn phù hợp với xu thế chung.
"Do đó, tôi đề nghị các công ty phần mềm kế toán, giải pháp, kinh doanh hóa đơn điện tử linh hoạt mở cổng API. Việc này giúp doanh nghiệp bán lẻ được quyền lựa chọn đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử với giá thành hợp lý, dịch vụ hợp lý, quy trình phù hợp với trụ bơm chúng tôi đang sử dụng.
Bởi vì từng doanh nghiệp sử dụng một trụ bơm khác nhau, bộ số khác nhau. Ví dụ có 25 đơn vị cung cấp hóa đơn điện tử nhưng thực tế chỉ có 3 - 4 đơn vị lớn cung cấp phần mềm kế toán. Nghịch lý là đơn vị cung cấp phần mềm kế toán yêu cầu doanh nghiệp phải mua hóa đơn của họ, và bán với giá rất cao. Như vậy, vấn đề này không được giải quyết sẽ rơi vào tình trạng kinh doanh độc quyền", Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt kiến nghị.
Giải pháp nào cho các doanh nghiệp xăng dầu
Đối với ý kiến khó khăn về việc cây xăng đang bơm mà mất điện, mất mạng, khó xuất hóa đơn, ông Mai Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế nhận định, đây là vấn đề nằm ở quản trị doanh nghiệp.
"Mất điện thì có thể không bơm được xăng, chưa nói đến việc xuất hóa đơn. Đây là yếu tố khách quan, chứ không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp hay cơ quan trung gian nào cả. Ở thẩm quyền của ngành thuế tôi không lạm bàn thêm về vấn đề này.
Chúng tôi đang đề xuất máy tính tiền ở các cửa hàng có thể xuất hóa đơn điện tử. Mong doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ với cơ quan quản lý Nhà nước. Về câu chuyện hóa đơn, nếu nhiều từ sẽ có giá 20 - 60 đồng, ít thì 100 đồng/hóa đơn. Càng xã hội hóa, thì mức độ cạnh tranh sẽ lớn, xã hội hóa mang lại nhiều lợi ích hơn", ông Mai Sơn nói.
Về phía các bên hỗ trợ về kỹ thuật, ông Đinh Đức Thụ, Giám đốc Ban Khách hàng tổ chức doanh nghiệp VNPT VinaPhone cho rằng, có 3 giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc xuất hóa đơn điện tử.
Cụ thể, nếu doanh nghiệp kinh doanh có cây xăng điện tử và phần mềm quản lý xăng dầu thì VNPT sẽ tích hợp hóa đơn điện tử miễn phí và tính hóa đơn điện tử theo lần hóa đơn xuất với giá từ 50 - 130 đồng.
"Trường hợp có cây xăng điện tử nhưng chưa có phần mềm quản lý thì VNPT sẽ cung cấp một số phần mềm bán lẻ đã tích sẵn các thông tin với giá thành mấy chục nghìn đồng mỗi tháng. Trường hợp doanh nghiệp không muốn đầu tư phần mềm thì phía VNPT cung cấp miễn phí phần mềm để chuyển dữ liệu qua sim điện thoại rồi chuyển về cơ quan thuế", ông Thụ nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Khơ Din, Tổng Giám đốc Công ty Giải pháp Chuyển đổi số Doanh nghiệp BKAV cho hay, về hóa đơn xăng dầu, BKAV đã nghiên cứu các giải pháp công nghệ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng là cửa hàng xăng dầu trên cả nước. BKAV hiện đang cung cấp những giải pháp cho đơn vị từ doanh nghiệp đã trang bị những phần mềm quản lý đến các đối tượng chưa có phần mềm quản lý.
Bên cạnh đó là các giải pháp sử dụng camera tự động ghi nhận để kết nối lên hệ thống và báo cáo số liệu vào cuối ngày. Hiện nay, BKAV đã sẵn sàng các giải pháp công nghệ để phục vụ việc xuất hóa đơn điện tử. Mức giá phục vụ hóa đơn điện tử cho xăng dầu chỉ rơi vào khoảng từ 50 - 150 đồng/hóa đơn.
"Tuy nhiên, thực tế triển khai có những khó khăn các doanh nghiệp đang vướng mắc như thời gian gấp rút, hạch toán hóa đơn bán ra chưa sẵn sàng. Chúng tôi kiến nghị Tổng Cục Thuế có thể giãn thời gian chính thức áp dụng lên khoảng 6 tháng để các doanh nghiệp chuẩn bị", đại diện BKAV kiến nghị.