Bản lĩnh của lính hình sự…
Tôi gặp Thượng tá Đặng Việt Quảng, người chỉ huy 2 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND vào một buổi chiều muộn khi thành phố đã lên đèn. Qua giọng kể trầm ấm của người phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, tôi thêm hiểu về chuyện đời, chuyện nghề của người lính hình sự...
Dấu ấn từ những vụ án
“Không bản lĩnh không làm được chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự...”, Thượng tá Đặng Việt Quảng mở đầu câu chuyện với tôi. Tiếp xúc với người chỉ huy ở đơn vị mũi nhọn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, tôi cảm nhận ở anh sự thẳng thắn, cương trực, gần gũi nhưng cũng rất quyết đoán...
Thời gian qua, những vụ án mang danh “số 7 Thiền Quang” - địa chỉ đã trở thành niềm tự hào của lực lượng Cảnh sát hình sự Công an Thủ đô - hầu hết đều có dấu ấn của Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, Thượng tá Đặng Việt Quảng. Tháng 6/2024, Công an TP Hà Nội lập chiến công đặc biệt xuất sắc, truy bắt thành công nhóm đối tượng nổ súng bắn tử vong cô gái 22 tuổi tại quận Long Biên, TP Hà Nội. Đây là một trong những vụ truy bắt kỳ công nhất của Công an TP Hà Nội nói chung, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội nói riêng trong thời gian qua.
Từ việc bắt giữ thành công nhóm đối tượng giết người, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã bóc gỡ đường dây đưa người phạm tội bỏ trốn, che giấu tội phạm, được dư luận đánh giá cao. Thành công của chuyên án mang đậm dấu ấn của Thượng tá Đặng Việt Quảng, người trực tiếp chỉ huy quá trình phá án. Đây là cách chỉ huy táo bạo, thể hiện sự mưu trí, sáng tạo của người chỉ huy đơn vị.
Tại thời điểm bị bắt giữ, chỉ cách vài bước chân, Đinh Xuân Sáng (sinh năm 1984, trú tại xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), đối tượng trực tiếp nổ súng bắn cô gái 22 tuổi tử vong tại Long Biên chuẩn bị vượt biên giới sang Campuchia, trong người luôn mang theo vũ khí nóng. Quá trình truy bắt Sáng thành công và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ, người dân và đối tượng...
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Thượng tá Đặng Việt Quảng đã chỉ đạo, tham gia và trực tiếp truy bắt nhiều đối tượng hình sự, ma túy cộm cán, đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt và sử dụng vũ khí nóng... Trong những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, người chỉ huy luôn nhạy bén trong việc xử lý các tình huống; từ đó, chỉ đạo đồng đội có những biện pháp để phá án thành công. Việc điều tra vụ giết người, chặt xác xảy ra tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) là một điển hình.
Sau khi gây ra vụ giết người, để che đậy hành vi phạm tội, Tạ Duy Khanh (sinh năm 1985, trú tại Đa Tốn, Gia Lâm) đã phân xác nạn nhân rồi đem vứt một số phần thi thể người tại mép bờ sông Hồng thuộc khu vực miếu Bản, thuộc địa phận thôn 2, Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Quá trình vây bắt, đối tượng đã chống trả quyết liệt, đồng thời dùng dao tự đâm vào ngực, vùng cổ để tìm cách kết thúc cuộc đời mình...
Ngay sau khi có thông tin Khanh lẩn trốn về Thái Bình, Thượng tá Đặng Việt Quảng trực tiếp chỉ đạo một tổ trinh sát truy bắt đối tượng.
“Khanh rất tinh quái, sau khi gây án, đối tượng tìm về Thái Bình, ẩn nấp trong căn nhà bỏ hoang của gia đình. Để tránh sự phát hiện của Cơ quan công an, cửa bên ngoài của căn nhà vẫn khóa trái, các đồ dùng bên trong để nguyên trạng, phủ đầy bụi bặm, tưởng như không có người ở. Sau khi vào bên trong, đối tượng kê giường rồi chui xuống bên dưới ẩn náu... Vì thế, trong quá trình truy tìm, nếu chỉ nhìn bên ngoài sẽ khó phát hiện”, Thượng tá Đặng Việt Quảng nhớ lại.
Khi có mặt tại căn nhà hoang, Thượng tá Đặng Việt Quảng nhận thấy cục nóng của chiếc điều hòa có độ rung nhẹ, chắc chắn có người vừa sử dụng. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, anh nhận định đối tượng Khanh đang lẩn trốn ở bên trong. Anh đã nhanh chóng vạch kế hoạch bắt giữ đối tượng, đảm bảo an toàn cho nhân dân và lực lượng tham gia bắt giữ. Đúng như nhận định của anh, sau khi tổ công tác ập vào bên trong đã phát hiện Khanh nằm dưới gầm giường.
Biết không thể trốn thoát, đối tượng trở lên liều lĩnh và manh động, hai tay cầm vũ khí thô sơ, liên tục la hét không cho ai đến gần rồi tự dùng dao gây thương tích cho bản thân... Trong tình huống cấp bách ấy, Thượng tá Đặng Việt Quảng đã mưu trí chỉ đạo cán bộ đơn vị nhanh chóng khống chế, bắt giữ đối tượng.
Làm lính hình sự phải say nghề
Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội nhưng cơ duyên lại đưa Thượng tá Đặng Việt Quảng đến với nghề công an. Sau khi tốt nghiệp, anh biết tin Công an TP Hà Nội đang tuyển dụng cán bộ nên đã đăng ký tham gia rồi trúng tuyển. Đơn vị đầu tiên anh nhận công tác là Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội, đây cũng là cái nôi để người Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự trưởng thành sau này.
“Ngày đó, cứ nghe tin trên địa bàn xảy ra trọng án là tôi lại có mặt ở cơ quan để được lãnh đạo phân việc. Rồi, khi nhận nhiệm vụ, một chiếc ba lô với dăm bộ quần áo thường để trong tủ, lại hăm hở lên đường. Chính thời gian công tác tại đây đã giúp tôi có nhãn quan toàn diện về nghề điều tra. Qua từng vụ án, càng thêm vững vàng về nghiệp vụ...” - Thượng tá Đặng Việt Quảng chia sẻ.
Trong những ngày chập chững vào nghề, có câu chuyện mà Thượng tá Đặng Việt Quảng đặc biệt ấn tượng, về sau đã trở thành một bài học sâu sắc đối với anh. Lần đó, anh được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ lấy lời khai của nhân chứng một vụ án. Trong quá trình làm việc, nhân chứng này có thể mô tả gần như chính xác đặc điểm của đối tượng gây án, mặc dù ở khoảng cách rất xa. Thế nhưng, lại không thể nhìn rõ được mặt của người ngồi đối diện... Khi đó, anh đã trao đổi kỹ lưỡng và biết rằng nhân chứng này bị viễn thị. Vụ án khép lại, kẻ thủ ác đã bị bắt giữ nhưng qua đó, người trinh sát trẻ Đặng Việt Quảng đã đúc rút ra một điều rằng, làm công tác điều tra đòi hỏi phải có sự thận trọng, tận tâm và trách nhiệm với nghề.
Năm 2010, Thượng tá Đặng Việt Quảng được bổ nhiệm làm Đội phó Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), phụ trách mảng án chưa rõ tội phạm. Trong quá trình công tác tại đơn vị, anh đã thể hiện được bản lĩnh của người chỉ huy đội say nghề. Cũng trong thời gian này, có một kỷ niệm Thượng tá Đặng Việt Quảng không bao giờ quên. Anh nhớ lại, khoảng tháng 7/2011, anh bị thương khi vây bắt một nhóm đối tượng hình sự cộm cán, manh động.
Hôm đó, đúng vào ca trực, anh nhận tin báo của Công an phường Bạch Mai có 2 nhóm côn đồ gây rối, đối tượng liều lĩnh chống trả quyết liệt lực lượng vây bắt. Để ngăn chặn tội phạm, anh và đồng đội nhanh chóng có mặt tại hiện trường kiên quyết bắt giữ đối tượng. Quá trình truy bắt, một trong các đối tượng đã điên cuồng dùng xe ô tô đâm vào người anh... Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất đối với anh và gia đình.
Sau khi Thượng tá Đặng Việt Quảng bị thương không lâu thì vợ anh cũng bị gãy tay. Lúc đó, con của anh còn nhỏ, bé lớn 5 tuổi, bé thứ hai mới 3 tuổi..., đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân trong gia đình. Sau khi khỏi bệnh, lãnh đạo đơn vị muốn anh chọn vị trí công tác khác phù hợp hơn nhưng anh bày tỏ nguyện vọng muốn ở lại đội trọng án để tiếp tục cống hiến. Từ đó, hầu hết các vụ án được giao nhiệm vụ, anh đều trực tiếp có mặt tại hiện trường, đứng mũi chịu sào trước mọi quyết định của mình. Bởi, anh hiểu phía sau mỗi người đồng chí, đồng đội của mình là những người mẹ, người vợ và những đứa con thơ...
Nhìn lại cuộc đời binh nghiệp của mình, Thượng tá Đặng Việt Quảng nói rằng giai đoạn anh ấn tượng nhất là khi được phân công làm Trưởng Công an phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. “Khi được phân công, tôi biết đây là nhiệm vụ khó khăn. Vì thế, trong thời gian này, tôi vừa làm, vừa đề xuất với Ban Chỉ huy Công an quận Hai Bà Trưng và Đảng ủy, UBND phường Thanh Nhàn các phương án phù hợp với tình hình địa bàn. Sau một thời gian, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phường đã dần ổn định... Đến nay, cái tên “xóm bụi” Thanh Nhàn, địa bàn từng là điểm nóng về ma túy và tội phạm hình sự trên địa bàn Thủ đô đã lui vào quá khứ” - Thượng tá Đặng Việt Quảng nhớ lại.
Thời điểm Thượng tá Đặng Việt Quảng nhận nhiệm vụ, tại Công an phường Thanh Nhàn vừa xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, nhiệm vụ của anh là đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, lấy lại lòng tin của người dân và chính quyền địa phương. Ở vị trí công tác mới, anh đã thể hiện được bản lĩnh của người chỉ huy, bình tĩnh đối mặt với khó khăn, nhận được sự ủng hộ của nhân dân cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Từ năm 2016 đến tháng 12/2018, anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng Công an huyện Quốc Oai, phụ trách Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quốc Oai. Từ nỗ lực của bản thân, anh đã chỉ đạo khối Cơ quan Cảnh sát điều tra hoàn thành và vượt chỉ tiêu năm. Trong 2 năm chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ của khối Cơ quan Cảnh sát điều tra, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào kết quả chung của toàn Công an huyện. 2 năm liền Công an huyện Quốc Oai được nhận Cờ Thi đua của UBND TP Hà Nội.
Thượng tá Đặng Việt Quảng cho biết, năm 2019 anh được phân công trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm các mặt công tác của 2 đội nghiệp vụ là Đội Trọng án và Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội. "Từ tình hình phức tạp của tội phạm hình sự, anh đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm nói chung; phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm có yếu tố nước ngoài và phòng ngừa trọng án nói riêng tại địa bàn quận, huyện trên địa bàn, góp phần làm giảm các vụ phạm pháp hình sự cũng như giảm các vụ trọng án” - anh cho biết.
Trong thời qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã lập nhiều chiến công, đạt nhiều thành tích trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Gần đây nhất là phá vụ án bắt cóc xảy ra tại quận Long Biên vào tháng 8/2023. Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng gây án liên tục di chuyển, thay đổi nhiều địa điểm giao, nhận tiền để tránh sự phát hiện, truy bắt của lực lượng Công an. Trong suốt quá trình đó, anh và các thành viên của ban chuyên án đã bám sát từng di biến động để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho mẹ con cháu bé, cũng như chờ đợi thời cơ thuận lợi, bắt giữ đối tượng.
“Chuyên án thành công, ngoài sự mưu trí, quyết liệt và chủ động của lực lượng Công an là yếu tố quyết định, còn có sự bình tĩnh, tin tưởng tuyệt đối của bố mẹ cháu bé bị bắt cóc vào ban chuyên án, lực lượng Công an TP Hà Nội. Chính sự tin tưởng tuyệt đối, làm theo hướng dẫn từ lực lượng Công an của bố mẹ cháu bé đã giúp cuộc giải cứu cháu diễn ra thành công, an toàn tuyệt đối trong thời gian nhanh nhất” - Thượng tá Đặng Việt Quảng nhớ lại.
Xác định công việc của một người lính hình sự "không đơn giản" nên Thượng tá Đặng Việt Quảng đã thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ; giáo dục đảng viên, cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống đơn vị anh hùng; nêu cao trách nhiệm trong công tác; ý chí tiến công tội phạm, tận tụy phục vụ nhân dân. Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu, đổi mới công tác; chủ động trong từng việc cụ thể... Những nỗ lực của anh được ghi nhận bằng những khen thưởng xứng đáng. Thượng tá Đặng Việt Quảng đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Song, đối với anh, phần thưởng lớn nhất là sự bình yên của Thủ đô yêu dấu.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/ban-linh-cua-linh-hinh-su-i742207/