Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập nhìn từ Quy định 144-QĐ/TW - Bài cuối: Tạo thay đổi có tính đột phá

Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới đã chuyển một thông điệp rõ ràng: Đảng rất chú trọng, quyết liệt trong việc đề ra những chuẩn mực đạo đức cách mạng cần có đối với cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay.

“6 dám” để kiến tạo những thay đổi mang tính đột phá

Quy định số 144-QĐ/TW cũng giúp chúng ta định hình tiêu chuẩn rất rõ ràng, cụ thể về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới với bản lĩnh “6 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân.

Việc coi “6 dám” là một trong những chuẩn mực, khía cạnh quan trọng trong rèn luyện, phấn đấu, đánh giá phẩm chất đạo đức, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên cho thấy nhận thức, quan điểm của Đảng rất sâu sát, kỹ càng, kỳ vọng cao về đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bối cảnh hiện nay, khi mà yêu cầu về phẩm chất, năng lực phải ngang tầm nhiệm vụ, thực sự đáp ứng công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, góp phần kiến tạo những thay đổi, đột phá mang tính bứt phá trong bối cảnh đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Năm 2024 là năm “tăng tốc” để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Để làm được điều này, cán bộ, đảng viên cần phải có bản lĩnh“6 dám”. Và Đảng đã đặt ra những yêu cầu rất rõ ràng về phẩm chất đạo đức cách mạng mới đối với hình mẫu người cán bộ, đảng viên trong bối cảnh đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng mà Quy định số 144, tại Điều 2 đã chỉ ra, với 4 yêu cầu cụ thể: thứ nhất là phải nêu cao bản lĩnh; thứ hai là phải đổi mới; thứ ba là phải sáng tạo; và thứ tư là phải hội nhập.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thế Hanh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, “bản lĩnh” là khả năng đương đầu với khó khăn, giải quyết những vấn đề mới, khó của cuộc sống một cách bình tĩnh, sáng suốt và tỉnh táo. Bản lĩnh còn là lòng dũng cảm, kiên trì, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân, có chính kiến riêng và dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.

Còn theo Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, đất nước đang phát triển trong thời kỳ thế giới đương đại có nền khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, thay đổi từng ngày, từng giờ, tác động sâu sắc mọi mặt đời sống chính trị - kinh tế - xã hội các nước. Bởi vậy, trong tiến trình đó, mỗi cán bộ, đảng viên, ngoài năng lực công tác cần phải có bản lĩnh vững vàng, bản lĩnh trước những diễn biến phức tạp, thay đổi khó lường, đan xen thuận lợi, thời cơ, khó khăn, nguy cơ, thách thức.

Trong đó, phải giữ được cốt cách của người đảng viên cộng sản, đảm bảo được 4 kiên định: Kiên định vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng; Kiên định độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, mục tiêu, con đường, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc đã lựa chọn; Kiên định đường lối đổi mới, thực tiễn 40 năm đổi mới với những thành tựu lớn lao, rất đáng tự hào, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín, vị thế quốc tế như ngày nay, điều đó tiếp tục khẳng định sự lựa chọn, kiên định đúng đắn của Đảng và dân tộc ta, tiếp thêm niềm tin để chúng ta tự tin, tự lực, tự cường, tự hào với truyền thống, tiếp tục đi lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, với một nguyên tắc rất quan trọng, đó là nguyên tắc tập trung dân chủ.

“Với bản lĩnh chính trị vững vàng trên nền 4 kiên định, Quy định số 144 đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao nhận thức, trình độ, trí tuệ để giữ vững nhận thức chính trị và luôn có hành động cách mạng đúng đắn. Đó chính là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hy sinh vì cộng đồng cũng như sẵn sàng, chủ động tham gia quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng theo đường lối đối ngoại của Đảng phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây là yêu cầu thiêng liêng và mỗi một cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay cần phải phát huy cao độ điều đó”, ông Đoàn Văn Báu nhấn mạnh.

Luận giải về chữ “dám” trong “6 dám”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thế Hanh cho rằng,“Dám” có nghĩa là không ngại, không sợ làm những việc khó, việc mạo hiểm, việc chưa có tiền lệ, chưa được hoạch định bằng cơ chế... Đối với cán bộ, đảng viên trong bối cảnh, điều kiện hiện nay, dám nghĩ khiến người ta toàn tâm, toàn ý hướng vào tháo gỡ những vấn đề đang đặt ra, những vấn đề chưa có tiền lệ, chưa thành cơ chế, đang là rào cản đối với sự phát triển. Nếu cán bộ, đảng viên không dám nghĩ thì không có cơ sở cho sự bứt phá để phát triển nhanh, bền vững theo mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Để đạo đức cách mạng lan tỏa mạnh mẽ trong đảng viên, nhân dân

Quy định của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng đã có, nay là bước triển khai vào thực tiễn. Vậy cần làm gì để Quy định số 144-QĐ/TW thấm sâu vào thực tiễn, thực sự trở thành “khuôn vàng, thước ngọc” trong rèn luyện cán bộ, đảng viên và để phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên nảy nở, phát triển mạnh mẽ, trở thành hành động thực tế trong chặng đường đổi mới?

Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường yêu cầu triển khai thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW nghiêm túc, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, hệ thống chính trị, tăng sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân. Việc ban hành Quy định số 144-QĐ/TW là thành công bước đầu, song điều cốt lõi là mỗi cán bộ, đảng viên cần tự quán triệt, thấm nhuần sâu sắc, thường xuyên, làm cho đạo đức cách mạng là nét nổi bật của cán bộ, đảng viên, là hồn cốt của Đảng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân.

Thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW cần đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò phản biện của Mặt trận và nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng. Cán bộ, đảng viên ra sức học tập, phấn đấu, tự soi, tự sửa; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nhân dân nhận rõ quyết tâm chính trị của Đảng trong xây dựng Đảng, đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham gia giám sát cán bộ, đảng viên…

Nói về các yêu cầu trên, Tiến sĩ Đoàn Văn Báu cho rằng, trước hết đối với cấp ủy, phải tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Quy định một cách lớp lang, bài bản thông qua nhiều hình thức khác nhau, tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, trên một khung chung các tiêu chí, tiêu chuẩn mà Quy định đưa ra, cần cụ thể hóa hơn chuẩn mực đạo đức cho mỗi một nhóm đối tượng khác nhau. Và cần phải cụ thể hóa để từng nhóm đối tượng cán bộ, đảng viên ở những nhóm ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau có những tiêu chí cụ thể để phấn đấu. Song song đó, phải tổ chức thực hiện nghiêm, thực chất, có hiệu lực, hiệu quả quy định trong thực tiễn. Bởi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Nghị quyết thì thật là hay/Xem ra thực hiện còn gay trăm bề".

“Điều này do bản thân cán bộ, đảng viên và ngay cả cấp ủy, người đứng đầu nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của nghị quyết, quy định của Đảng. Do vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện chưa đến nơi đến chốn, tạo ra khoảng trống vô hình giữa quyết nghị của Trung ương và thực tiễn hành động. Chúng ta phải rút ngắn, xóa bỏ khoảng trống này, để làm được điều này, không ai khác, chính mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức và thực hành đúng đắn quy định của Đảng. Thông qua việc thực hiện Quy định số 144, sẽ đẩy mạnh một bước, gắn chặt thực hiện Quy định với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông Đoàn Văn Báu nhấn mạnh.

Việc triển khai Quy định số 144 cũng cần phải tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, phát huy được vai trò giám sát của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, hệ thống chính trị thông qua các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và báo chí-truyền thông. Đẩy mạnh tuyên truyền cả những tấm gương thực hiện tốt Quy định số 114; kịp thời phát hiện những cá nhân, tập thể, đơn vị chưa thực hiện tốt Quy định, điều chỉnh, uốn nắn, định hướng dư luận xã hội “người tốt, việc tốt”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đưa Quy định phải thật sự thấm sâu trong mỗi suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm của cán bộ, đảng viên, tạo hiệu quả thực sự trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện, góp phần thiết thực xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Có thể nói, Quy định số 144-QĐ/TW là bước cụ thể hóa rõ ràng quyết tâm xây dựng Đảng về đạo đức như Đại hội XIII của Đảng đã xác định: "Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức và cán bộ”. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng cái nền gốc tinh thần vững chắc của Đảng, là xây dựng sức mạnh nội sinh của cách mạng.

Việc thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW một cách nghiêm túc, tự giác, thường xuyên sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; giúp Đảng có một đội ngũ đảng viên có bản lĩnh vững vàng để “6 dám”, không ngừng nâng tầm trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.

V.Đ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/ban-linh-doi-moi-sang-tao-hoi-nhap-nhin-tu-quy-dinh-144qdtw-bai-cuoi-tao-thay-doi-co-tinh-dot-pha-20240831102006786.htm