Bản lĩnh nhà báo thời hội nhập

Nghề báo - một nghề nguy hiểm nhưng vô cùng cao quý. Bởi tầm quan trọng, sự tin yêu của nhân dân, đội ngũ người làm báo luôn nỗ lực phấn đấu rèn đôi mắt sáng, giữ tâm trong và giũa bút sắc để đưa chân lý đến với khán, thính giả, độc giả. Trong guồng quay của cơ chế thị trường, nhà báo cũng đang đối mặt với nhiều cạm bẫy. Nếu không vững tinh thần phản biện, sức chiến đấu cao trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, người làm báo dễ sa chân, vượt qua 'lằn ranh đỏ'.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Hơn 10 năm làm báo ở các cơ quan báo chí lớn như VnExpress, Vietnamnet, Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC… nhưng sau cùng Phạm Thị Đoan Trang không kiểm soát được sự tung hô của các phần tử cơ hội, các luận điệu ma mị để rồi sa chân vào truyền thông “ngụy dân chủ”. Bước qua “lằn ranh đỏ”, từ người làm báo chính thống, Phạm Thị Đoan Trang sa lầy làm “chân rết” cho các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Kết quả, năm 2020, Trang bị khởi tố về tội danh “tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam”, “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Phạm Thị Đoan Trang là một trường hợp cụ thể đi trật “đường ray” công lý, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước và các cơ quan thông tấn, báo chí trong, ngoài tỉnh tác nghiệp tại chương trình trồng cây xanh và trao tặng cờ Tổ quốc, học bổng cho học sinh, tặng quà người dân hoàn cảnh khó khăn tại huyện Bù Đăng, do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Bình Phước tổ chức - Ảnh: Hoàng Thu

Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trong bất kỳ một cuộc cách mạng nào cũng sẽ có đối tượng, nhóm người không đồng ý với quan điểm của Đảng, Nhà nước. Đáng nguy hiểm hơn, những nhóm này có sự tiếp tay của các thế lực thù địch bên ngoài để thực hiện hành vi chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trong cơ quan báo chí cũng không tránh khỏi có những nhà báo do bản lĩnh chính trị không vững vàng đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, năm 2022, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo cấp Trung ương đã xử lý và kiến nghị xử lý 10 vụ việc liên quan đến 12 trường hợp là phóng viên, cộng tác viên, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam vi phạm pháp luật.

Không riêng nhà báo mà ở đâu, giai đoạn nào, trong bất cứ nghề nghiệp gì cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy nhiên, “con sâu” trong “nồi canh” trí thức mà quấy nhiễu, hậu quả sẽ vô cùng lớn. Bởi lẽ, sức ảnh hưởng của người làm báo vô cùng lớn đến tư tưởng, nhận thức của người dân, cộng đồng dư luận. Hơn 10 năm làm báo, nhà báo Mạnh Thìn, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết tại TP. Hồ Chí Minh nhận diện: “…trên mạng xã hội xuất hiện một số “nhà báo” đưa những thông tin giật gân, không chính thống tạo ra những thông tin và luồng dư luận rất xấu cho truyền thông nói riêng và cả chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam nói chung. Một nhà báo chân chính, thượng tôn nghề nghiệp phải luôn tạo cho mình tâm thế vững chắc, một ngòi bút sắc bén. Và khi nhà báo thực hiện đề tài, nội dung nào đó phải tìm hiểu kỹ, có thông tin đa chiều, sau đó bút chiến tích cực để đưa thông tin đúng, trúng đến người đọc, người xem và tạo ra hiệu ứng tích cực của người làm báo”.

“Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”

Từ một nhà giáo, anh Đinh Văn Trọng, bút danh Đình Trọng đam mê làm báo rồi chuyển hẳn sang lĩnh vực báo chí hơn 7 năm nay. Là phóng viên Báo Lao Động, phụ trách địa bàn các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, nhiều vấn đề nhức nhối của xã hội được anh khai thác và phản biện sâu sắc trên mặt báo. Cũng nhiều lần anh gặp nguy hiểm, bị một số đối tượng lạ hù dọa, cản trở, thậm chí đánh trọng thương phải nhập viện điều trị cả tháng. Sự nguy hiểm khiến một người mới vào nghề như Đình Trọng có thể dừng bước, nhưng niềm đam mê đã giúp anh đeo bám với nghề cho đến hôm nay. Anh Trọng cho rằng: “Trong nghề báo, lằn ranh giữa chân chính và lợi ích rất mong manh. Nhà báo phải đấu tranh vượt qua ham muốn vật chất của nghề. Nếu người làm báo không vượt qua được lằn ranh, ham muốn về vật chất hay sự tung hô nào đó rất dễ đi sang lằn ranh về phía bên kia. Một nhà báo chân chính là phải “sạch” từ suy nghĩ đến hành động!”.

Trong thực tế, không kiểm soát được “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để thực hiện mục tiêu ban đầu khi dấn thân vào nghề báo, một số nhà báo đã tự “đào hố” đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Theo các nhà quản lý báo chí, đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng, muốn kiểm soát được đạo đức người làm báo, ngay từ đầu phải thực hiện nghiêm những quy tắc riêng của nghề và hơn hết là phải giữ được bản lĩnh vững vàng. Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, trong đó tiêu chí đầu tiên quy định đó là trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân... Hội đã triển khai các quy định cụ thể về những điều người làm báo phải thực hiện, ứng xử trên mạng xã hội để làm sao nhà báo phát huy được trách nhiệm với xã hội, với công dân và giữ được đạo đức nghề nghiệp.

Đội ngũ làm báo là những người cầm bút, mang bản chất cách mạng. Họ được trang bị kỹ năng, kiến thức về tuyên truyền xây dựng Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, được tăng cường bồi dưỡng đào tạo gắn với thực tiễn. Trong giai đoạn hiện nay, để vững vàng trước các trận địa, nhất là mặt trận văn hóa, tư tưởng, đòi hỏi đội ngũ những người làm báo phải giữ vững bản lĩnh chính trị.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy
NGUYỄN HỒNG TRÀ

Cùng với báo chí cả nước, báo chí Bình Phước luôn giữ được tinh thần cách mạng, đang từng ngày khẳng định bản lĩnh, vị thế trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Những nhà báo ở tỉnh Bình Phước ngày càng đa năng, tính chiến đấu cao trong từng tác phẩm và luôn giữ vững đạo đức, phẩm chất cao quý của nghề báo. Nhiều tác phẩm báo chí Bình Phước đã được xướng tên ở các cuộc thi quốc gia, cấp bộ, ngành, khu vực và cấp tỉnh, dần tạo được thương hiệu trong nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Cường cho rằng: Những người làm báo trong tỉnh đã phát huy được đạo đức, tác phong nghề nghiệp, có nhiều tác phẩm đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Bình Phước nói chung và cơ quan báo chí nói riêng. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một số nhà báo có suy nghĩ và hành động chưa phù hợp. Chúng tôi muốn gửi gắm đến các nhà báo, hãy thực hiện tốt đạo đức, quy định nghề nghiệp, lương tâm người làm báo để đóng góp sức mình trong công cuộc xây dựng xã hội, đất nước ngày càng phát triển.

Trong cuốn sách “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” của cố nhà báo Hữu Thọ có đoạn viết: “Làm báo trung thực, công bằng, đúng mực thì sẽ được tin cậy; sự tin cậy của xã hội là phần thưởng cao quý nhất đối với người làm báo”. Những phẩm chất ấy không chỉ xây dựng nên một nhà báo chân chính, nhà báo của công luận, của nhân dân mà còn đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/145554/ban-linh-nha-bao-thoi-hoi-nhap