Bản lĩnh nữ chiến sỹ đặc công
Chiến sỹ đặc công ở Lữ đoàn 113 Phạm Thị Nguyệt cười tươi cho biết: Ở đơn vị chúng tôi, chiến sỹ nam đã vất vả rồi, nhưng chiến sỹ nữ cũng chưa bao giờ có khác biệt. Vì thế, càng bộc lộ rõ hơn bản lĩnh của các nữ chiến sỹ đặc công.
Nữ chiến sỹ đặc công cũng luyện tập, huấn luyện như chiến sỹ nam
Đúng ngày lễ kỷ niệm của Quân đội nhân Việt Nam 22/12/2021, Thiếu tá Phạm Thị Nguyệt (SN 1979) cùng đồng đội ở đơn vị được thảnh thơi hơn ngày thường để chào mừng ngày lễ chung của người lính. Chị cười bảo, với chức trách, nhiệm vụ được giao là nhân viên Thống kê của Lữ đoàn 113 - Binh chủng đặc công, nhiều năm qua chị đạt danh hiệu xuất sắc, chiến sỹ thi đua của đơn vị. Chị Nguyệt cho biết: "Là nhân viên Thống kê, công việc của tôi đòi hỏi phải chính xác, kịp thời, đầy đủ, nhất là trong công tác hồ sơ. Vì vậy, tôi luôn cụ thể, tỉ mỉ, cẩn thận không để xảy ra sai sót trong công việc".
Lữ đoàn 113 là đơn vị cơ động, luôn sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, đòi hỏi mỗi quân nhân phải có tinh thần, trách nhiệm cao nhất vì mục tiêu chung. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, Thiếu tá Phạm Thị Nguyệt luôn khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đột xuất do Binh chủng, Lữ đoàn giao như: Tham gia huấn luyện, diễn tập, trình diễn kỹ, chiến thuật, leo trèo nhà cao tầng, trình diễn võ, bắn súng… phục vụ các đoàn khách trong nước và quốc tế tham quan; tham gia đồng diễn võ thuật tại Lễ khai mạc Army Game 2021…
Thiếu tá Phạm Thị Nguyệt tâm sự: "Là bộ đội đặc công, nên chuyện phải tập luyện như nam giới là rất bình thường. Chúng tôi cũng được huấn luyện leo nhà cao tầng, bắn súng, võ thuật, công phá… Tất cả đều phải hoàn hảo, chính xác. Bởi yếu tố an toàn, thận trọng là trên hết của người chiến sỹ đặc công".
"Hồi mới tập huấn luyện, tôi cũng không ít lần lo lắng, toát mồ hôi khi phải leo lên những ngôi nhà cao từ 5 đến 6 tầng trở lên, nhưng khi được chỉ huy động viên, hỗ trợ huấn luyện từng kỹ thuật leo bám chính xác tuyệt đối, dần dần các nữ chiến sỹ chúng tôi đều thành thạo nhiệm vụ như các chiến sỹ nam" – Thiếu tá Nguyệt cho biết thêm.
Đẩy mạnh hoạt động Hội phụ nữ bằng bản lĩnh nữ chiến sỹ đặc công
Cùng với nhiệm vụ chuyên môn của một nhân viên thống kê, Thiếu tá Nguyệt còn kiêm nhiệm vụ Chủ tịch Hội phụ nữ đơn vị. Với lòng nhiệt tình, chủ động, sáng tạo, Thiếu tá Nguyệt thường xuyên làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất, giúp cấp ủy, chính ủy, người chỉ huy kịp thời đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo Hội phụ nữ hoạt động đạt hiệu quả cao, xây dựng Hội phụ nữ cơ sở 113 ngày càng vững mạnh.
Cùng với phong trào thi đua quyết thắng, Thiếu tá Phạm Thị Nguyệt đã cùng chị em phụ nữ Lữ đoàn 113 tích cực hưởng ứng phong trào "Phụ nữ Lữ đoàn đoàn kết - sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ". Phong trào đã được triển khai và phát triển sâu rộng trong phụ nữ toàn Lữ đoàn bằng nhiều nội dung và biện pháp cụ thể, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Trong hoạt động công tác Hội, Thiếu tá Nguyệt tích cực vận động cán bộ, hội viên tham gia xây dựng gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em. 100% cán bộ, hộ viên đều đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình theo chuẩn mực "No ấm, tiến bộ, hạnh phúc". Hàng năm nhân ngày quốc tế hạnh phúc 20/3, tháng hành động vì trẻ em và ngày Gia đình Việt Nam 28/6 đã tổ chức Hội thi "Bữa cơm gia đình". Tổ chức các buổi tọa đàm với nhiều chủ đề phong phú: "Phụ nữ với hạnh phúc gia đình", "Bình đẳng giới trong đơn vị Quân đội"…
Theo Thiếu tá Nguyệt, để công tác Hội tạo được sự cuốn hút cán bộ, hội viên ở Lữ đoàn, việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động công tác Hội sẽ tạo sự khác biệt nhờ vào bản lĩnh riêng của các nữ chiến sỹ đặc công. "Với sức khỏe và sự năng động sẵn có, chúng tôi đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao cho chị em trong Hội. Như thường xuyên tổ chức thi đấu giao lưu bóng chuyền hơi với Hội LHPN phường Đồng Xuân – thành phố Phúc Yên (đơn vị kết nghĩa của Lữ đoàn 113). Chị em còn thi đấu giao lưu bóng đá nữ, thi đấu cầu lông, bóng bàn…với đơn vị bạn và địa phương trên địa bàn đóng quân. Các nữ chiến sỹ đặc công đã tham gia thi đấu nhiều giải thể thao do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức...
Bên cạnh việc chăm lo tinh thần, ý chí quyết tâm cho cán bộ, hội viên, Thiếu tá Nguyệt còn tham mưu với cấp trên việc quản lý, duy trì sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức phong phú như: Phát triển xây dựng nguồn vốn tại chỗ huy động từ sự đóng góp của hội viên; xây dựng và phát triển mô hình tổ tiết kiệm xoay vòng (trong đó có sự tham gia của các quân nhân nam để nâng cao giá trị vốn vay). Tích cực hướng dẫn, giúp đỡ hội viên xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế có giá trị cao, thu nhiều lợi nhuận như: Mô hình tăng gia chăn nuôi kết hợp với kinh doanh tạp hóa, mô hình chăn nuôi năng suất cao đem lại hiệu quả thiết thực. Nhờ đó cuộc sống gia đình đa số các chị em hội viên ngày càng ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Nhờ có người cán bộ Hội năng động, bản lĩnh như Thiếu tá Phạm Thị Nguyệt, các phong trào thi đua của Hội phụ nữ Lữ đoàn 113 luôn đạt hiệu quả cao, từ đó xây dựng người phụ nữ đặc công yêu nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sáng tạo, làm tròn trách nhiệm của người phụ nữ với gia đình.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ban-linh-nu-chien-sy-dac-cong-20211222182148659.htm