Bản lĩnh, tự tin vượt qua các vòng khảo sát (Bài cuối)
Sau những dầm mưa, dãi nắng, tập luyện trên thao trường, các thành viên của Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) số 1 đã tự tin vượt qua các vòng khảo sát để đáp ứng đầy đủ tiêu chí khi tham gia lực lượng GGHB LHQ.
Kết quả Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ số 1 đạt được khẳng định rằng lực lượng CAND Việt Nam có đủ năng lực tham gia các hoạt động của LHQ; sẵn sàng đảm nhận các vị trí với yêu cầu nhiệm vụ cao hơn của tổ chức này trên tư cách một thành viên có trách nhiệm.
Những ngày huấn luyện, sống xa gia đình
“Còn 8 ngày nữa là con được gặp mẹ rồi!…” tối nào cũng vậy, Trung tá Chu Thị Hồng, cán bộ Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu và con trai lại hàn huyên, tâm sự. Cuộc trò chuyện đơn thuần chỉ xoay quanh câu chuyện thường nhật của cuộc sống hằng ngày nhưng đầy ắp tiếng cười. Người nữ cán bộ của Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ số 1 trong công việc mạnh mẽ, rắn rỏi là vậy nhưng khi đối mặt với cậu con trai cũng không giấu được cảm xúc …
Hồng tâm sự, ngày nào cũng vậy, vào lúc 17h hằng ngày là thời gian hai mẹ con trò chuyện với nhau. Hôm nào cũng vậy, cháu xé từng tờ lịch, mong ngày được gặp mẹ. Vì thế, mỗi khi giọng con trai nghẹn lại, đôi mắt rơm rớm lệ là chị lại tìm cách đánh trống lảng rằng đang có việc để tắt máy, ngăn những giọt nước mắt chực trào. Ngày nhận quyết định đủ điều kiện tham gia Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ số 1, Trung tá Chu Thị Hồng vừa mừng, vừa lo. Khi ấy, chị nói với con trai mẹ sẽ đi công tác nhưng không nói cụ thể là bao lâu. Trước đó, chị cũng từng đi công tác xa nhà nhưng mỗi chuyến đi nhiều lắm cũng chỉ 3-4 ngày lại về…, chuyến công tác lần này kéo dài hai tháng. Trước khi đi, Trung tá Hồng đã gửi con nhờ ông bà nội chăm sóc, cậu con trai lâu nay vốn sống cùng với mẹ, trong thời gian đầu chưa thích nghi…
Qua thời gian công tác là 20 năm tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, người nữ cán bộ ấy đã được trải nghiệm với thực tế từ việc sâu sát địa bàn, gần dân, sát dân. Khi Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ thông báo việc lựa chọn cán bộ tham gia Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ số 1, chị đã đăng ký tham gia và trúng tuyển. “Bản thân tôi muốn trải nghiệm cuộc sống; muốn được cống hiến sức lực của mình cho đất nước…”, chị tâm sự. Trung tá Hồng cho biết, do công việc đột xuất, chị tham gia vào Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ số 1 muộn hơn 2 tuần so với các đồng đội. Sau khi nhìn thấy nét chữ của Hồng, chị được lãnh đạo đơn vị tin tưởng, giao phụ trách mảng truyền thông của đơn vị, ghi sổ nhật ký. Những ngày đầu chân ướt, chân ráo ra Bắc, vượt qua sự khác biệt về khí hậu và điều kiện sinh hoạt, chị đã nhanh chóng hòa nhập.
Cho đến bây giờ, Hồng vẫn nhớ như in những ca gác bảo vệ mục tiêu, bảo vệ kho súng…, đây là công việc hằng ngày cán bộ đơn vị phải luân phiên thực hiện để đáp ứng yêu cầu thực địa, khi đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ. Hồng bị suy tĩnh mạch, phải đứng trong một thời gian dài; trên người cùng lúc phải mang quá nhiều đồ dùng như áo giáp, súng và còng số 8 nên khá vất vả nhưng chị vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Dãi nắng, dầm mưa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Nước da sạm đen vì rám nắng, gặp chúng tôi, Trung tá Vũ Hoàng Huấn, Đội phó Đội Đặc nhiệm, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên nở nụ cười giòn tan: Vậy là cả đơn vị đã vượt qua được khóa huấn luyện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình tập luyện không ít khó khăn phải đối mặt nhưng tôi và đồng đội quyết tâm phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, để chứng tỏ trình độ, năng lực của sĩ quan CAND Việt Nam.
Nhớ lại những ngày đầu chân ướt, chân ráo về đơn vị, Trung tá Vũ Hoàng Huấn cho biết, khi Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ số 1 thành lập; với mong muốn được trải nghiệm, Trung tá Huấn đã tìm hiểu thông tin về lực lượng GGHB trên các phương tiện thông tin đại chúng… Sau đó, anh đăng ký tham gia rồi trúng tuyến.
“Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm là tổ chức huấn luyện, rèn luyện; phối hợp với Công an các địa phương giải quyết các vụ việc nóng và trọng điểm. Vì thế, tôi có thuận lợi là khả năng huấn luyện nhưng cũng có điểm yếu là năng khiếu ngoại ngữ”- Trung tá Huấn chia sẻ. Trong quá trình huấn luyện, có một kỷ niệm mà Trung tá Vũ Hoàng Huấn đặc biệt ấn tượng. Và từ câu chuyện này, anh đã quyết tâm học ngoại ngữ để đáp ứng được yêu cầu khi tham gia vào lực lượng GGHB LHQ.
Trung tá Huấn kể lại, trước đó, anh đã theo học một số khóa tiếng Anh. “Văn ôn, võ luyện”, do thời gian dài không sử dụng, việc phát âm đã không còn chuẩn. Lần đó, vào những ngày đầu của khóa tập huấn, đơn vị đã tiếp một đoàn chuyên gia của LHQ đến thăm và làm việc. Trong quá trình trao đổi, do việc phát âm chưa chuẩn nên khi nói chuyện với nhân viên này, anh hỏi người ngoại quốc có biết hát không. Thế nhưng, do việc phát âm sai dẫn đến người nước ngoài hiểu nhầm rằng anh muốn hỏi họ có gia đình hay chưa?. Câu chuyện dở khóc, dở cười ấy đã trở thành động lực giúp Trung tá Huấn càng có quyết tâm học ngoại ngữ.
“Tôi suy nghĩ muốn học tốt tiếng Anh phải có môi trường để học tập. Từ đó, tôi đã đưa ra sáng kiến một ngày nói tiếng Anh. Sau khi được thành viên trong trung đội ủng hộ, cứ vào thứ 2 hằng tuần, chúng tôi lại sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với nhau…” - Trung tá Huấn cho biết.
Trong trung đội cũng có nhiều cán bộ giỏi tiếng Anh. Vì thế, ngoài những giờ học trên lớp, anh lại nhờ đồng đội hướng dẫn cách phát âm. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của người trung đội trưởng ngoài việc quán xuyến các công việc của trung đội nhất là công tác học tập, tổ chức huấn luyện thì công tác giáo dục, chính trị tư tưởng cũng đặc biệt quan trọng. Đa phần cán bộ của trung đội đều đến từ Bộ Tư lệnh CSCĐ có sự thuận lợi trong công tác huấn luyện, song nhiều cán bộ ở các đơn vị chưa quen với cường độ huấn luyện cao; thể lực của một số đồng chí chưa đảm bảo yêu cầu.
Cá biệt, một số đồng chí vì hoàn cảnh gia đình nên quá trình tham gia đơn vị, cũng có lúc muốn dừng lại; hoặc cũng có những đồng chí con nhỏ gửi cho ông bà. Lại có những người chưa được qua đào tạo cũng muốn cống hiến nhưng lại lo lắng về việc học tập nên đôi khi cũng lung lay về tư tưởng… Khi ấy, anh đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của anh chị em để giáo dục và định hướng họ về mục tiêu chung của đơn vị là triển khai lực lượng tại phái bộ, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Qua thông tin của Bộ Công an và Hội phụ nữ, Đại úy Nguyễn Phương Thảo đã tìm hiểu và biết rằng chị đáp ứng được các điều kiện và tiêu chuẩn để tham gia Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ số 1. Với mong muốn được trải nghiệm, được cống hiến, Phương Thảo quyết định đăng ký tham gia. Khi đó, Phương Thảo đã nhận được sự ủng hộ của gia đình, sự tạo điều kiện giúp đỡ của lãnh đạo đơn vị. Với năng khiếu đặc biệt về võ thuật, văn nghệ và thể dục thể thao, Thảo đã nhanh chóng thích nghi với cường độ của khóa huấn luyện, dù tham dự muộn hơn so với các đồng đội của mình khoảng một tuần.
“Khi vào đây, tôi được gặp gỡ những người đồng đội có cùng chí hướng. Quá trình huấn luyện, tôi đặc biệt ấn tượng là tinh thần đoàn kết vì cái chung của tập thể đơn vị…”- Phương Thảo cho biết.
Trong một môi trường đặc thù, cán bộ nữ cũng phải làm công việc không khác gì một nam giới. Những ngày nắng như đổ lửa hay những đêm mưa dầm, Đại úy Phương Thảo cùng đồng đội lại căng mình trên sân tập. Có ca gác đêm do mệt mỏi chị cũng bị cảm nắng; rồi bị thương trong lúc tập luyện nhưng chưa bao giờ nản lòng. Nói về những kỷ niệm đặc biệt của mình, Thảo ấn tượng nhất là chuyến đi tập huấn kỹ năng sinh tồn tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng, chống khủng bố tại Quảng Ninh vào một ngày cuối tháng 6/2024. Buổi tối hôm đó, ai cũng háo hức, chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng hết mình cho chuyến đi hai ngày. Lần thực tế này, họ có hai ngày ở trong rừng, trong điều kiện không có nước sạch, không có điện…
Hành quân từ 5h sáng, sau khoảng hơn 1 giờ đồng hồ đi xe, họ đã có mặt tại địa điểm diễn tập. Đó là một khu rừng nằm sát với biển, sau những cơn mưa như trút nước cây, cỏ mọc lút đầu người. Ngay khi đến nơi, họ bắt tay vào việc vào dựng trại. Mỗi cán bộ một nhiệm vụ, họ phạt cỏ, chuẩn bị lều trại…Với nhiệm vụ của trung đội, Thảo và đồng đội đã khẩn trương triển khai dựng nhà bạt, triển khai tăng võng bạt, khu vực tác chiến canh gác theo sơ đồ và các nhiệm vụ khác được phân công, sắp xếp nội vụ, quân tư trang, vật chất. Đây là lần đầu tiên, chị cùng đồng đội ngủ trong rừng và tận hưởng cảm giác màn trời, chiếu đất… Tối hôm đó, cả trung đội hầu như không ai chợp mắt. Họ vừa thiu thiu ngủ thì nghe tiếng súng nổ; tình huống giả định là một trận đánh, cả trại bị tấn công… Chuyến đi đã đảm bảo an ninh, an toàn và đạt kết quả tốt. Qua đó, cũng giúp chị và đồng đội rút ra được nhiều bài học thực tiễn, phục vụ công tác sau này.
“Tôi được biết về lực lượng GGHB LHQ khá sớm, bởi bố vợ tôi là một cán bộ Quân đội, đang thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại Nam Sudan. Những câu chuyện được chia sẻ của người cha khi thực hiện nhiệm vụ GGHB tại Đội Công binh số 2 đã truyền cảm ứng cho tôi. Vì thế, sau khi có thông tin Đơn vị Cảnh sát GGHN LHQ số 1 thành lập, tôi đã nộp đơn ứng tuyển và trúng tuyển”, Trung úy Đỗ Quý Duy, cán bộ Bộ Tư lệnh CSCĐ, thành viên của Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ số 1 nói với chúng tôi. Sinh ra là con là binh nên từ nhỏ, Duy Quý đã thích nghi với môi trường kỷ luật. Sau này, anh cũng theo con đường binh nghiệp, trở thành một sỹ quan Công an, công tác tại Bộ Tư lệnh CSCĐ song không vì thế mà việc học tập và huấn luyện của anh được dễ dàng.
Trung úy Đỗ Duy Quý cho biết, để có thể vượt qua được kỳ thi sát hạch của LHQ, anh và đồng đội đã phải nỗ lực rất nhiều. Mỗi thành viên của Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ số 1 đều xác định đây là niềm vinh dự cho bản thân và gia đình nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao đối với lực lượng CAND và Tổ quốc. Từ đó, mỗi người đều quyết tâm tham gia và hoàn thành tốt các bài huấn luyện, kiểm tra trình độ năng lực, ngoại ngữ…, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao.