Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức to lớn nhưng Việt Nam vẫn đạt nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Những dấu ấn nổi bật trong tăng trưởng kinh tế giai đoạn vừa qua, đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây hậu quả nặng nề trên toàn thế giới và những khó khăn, thiệt hại, mất mát do lũ lụt miền trung gây ra, là minh chứng rõ nét cho bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91%, là nước có tăng trưởng dương cao nhất so 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á. Tạp chí The Economist xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức 3,23%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; dự trữ ngoại hối cao nhất trong lịch sử; xuất khẩu thiết lập kỷ lục chưa từng có.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá: Năm 2020 là năm có tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 35 năm đổi mới ở Việt Nam. Nhưng xét trong bối cảnh chung là dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều suy giảm thì việc Việt Nam vẫn tăng trưởng dương là rất đáng ca ngợi, nhất là về sự chống chịu bền bỉ và cách thức ứng phó linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trước sức tàn phá của đại dịch.

Cung, cầu đứt gãy, người lao động bị ảnh hưởng phải giãn việc, nghỉ việc luân phiên nhưng khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, đơn hàng ký trở lại là hoạt động sản xuất ngay lập tức được khôi phục để đáp ứng nhu cầu thị trường. Không phải quốc gia nào cũng hình thành được lực lượng DN có mức độ sẵn sàng đáp ứng và thích nghi nhanh như vậy.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc duy trì tăng trưởng dương ở năm cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát, có ý nghĩa rất quan trọng để Việt Nam hoàn thành thắng lợi mục tiêu của cả nhiệm kỳ.

Kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc và ngày càng được cải thiện, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt mức cao và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung.

Quy mô GDP tiếp tục được mở rộng. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta ước đạt hơn 273 tỷ USD, tăng khoảng 1,4 lần so năm 2015 và GDP bình quân đầu người ước đạt hơn 2.800 USD, gấp khoảng 1,3 lần năm 2015. Các cân đối lớn của nền kinh tế về tích lũy-tiêu dùng, tiết kiệm-đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động, việc làm… tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô

Giá cả hàng hóa tương đối ổn định, lạm phát hàng năm được kiểm soát thấp hơn mục tiêu đề ra. Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; thị trường ngoại hối và tỷ giá đi vào ổn định, lãi suất giảm dần.

Huy động nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng lên, ước đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, bằng 33,5% GDP; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư dần được nâng cao; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh và đạt mức kỷ lục 173-174 tỷ USD, trong đó, vốn thực hiện đạt khoảng 92-93 tỷ USD.

Cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa được cải thiện rõ rệt, chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Cơ cấu xuất, nhập khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, công nghiệp và tăng nhập khẩu các mặt hàng cho sản xuất và xuất khẩu.

Thực hiện ba đột phá chiến lược (gồm thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, góp phần tạo chuyển biến tích cực.

Theo đó, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập. Đột phá về thể chế là rõ nét nhất trong cả giai đoạn. Trong vòng 5 năm, Chính phủ đã trình Quốc hội 65 luật; 122 Nghị quyết của Quốc hội được thông qua; 170 Nghị định Chính phủ được ban hành. Đây là minh chứng cho nỗ lực trong đột phá chiến lược về thể chế song song với đột phá về nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định: Mặc dù vẫn còn có những mặt tồn tại nhưng 5 năm qua là giai đoạn thành công về phát triển kinh tế của Việt Nam. Chúng ta đã khắc phục được tồn tại nêu ra trong văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, giảm bội chi ngân sách từ 4% xuống còn 3,3%; lạm phát khống chế dưới 4%; kéo giảm nợ công từ mức 64,8% GDP xuống còn 53,4%; xuất khẩu liên tục tăng trưởng hai con số.

Cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác, ông Nguyễn Đức Kiên chia 5 năm qua làm hai giai đoạn.

Trong đó, từ năm 2016-2019, Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao, ổn định, các chỉ tiêu cân đối lớn được cải thiện rõ rệt, từ bội chi ngân sách, nợ Chính phủ, nợ công đến dự trữ ngoại hối, lạm phát, tốc độ tăng trưởng.

Năm 2020 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ 5 năm, có nhiều đặc thù bất khả kháng do sự xuất hiện của dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương, bảo đảm an sinh xã hội. Thành công này là tiền đề quan trọng để bước vào kế hoạch 2021-2025”, TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Tái cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ cách thức tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu, là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta từ năm 2011, là nhân tố quyết định để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong suốt giai đoạn 2011-2020 nói chung và giai đoạn 2016-2020.

Đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2016-2020, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV nêu bật những thành tựu quan trọng trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Nổi bật nhất là sự thành công trong chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, từ khu vực kinh tế Nhà nước sang khu vực tư nhân và khu vực FDI.

Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 14,3% năm 2016 lên khoảng 16,9% năm 2020; trong khi ngành khai khoáng giảm từ 8,1% năm 2016, xuống còn 6,2% năm 2020.

Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao tăng từ 52% năm 2016 lên khoảng 78% năm 2020. Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng nhanh từ mức 38,7% năm 2015, lên khoảng 46,9% năm 2020.

Đồng thời, chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ rệt với sự đóng góp ngày càng tăng của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) trong GDP. Đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP từ 33,6% giai đoạn 2011-2015, lên khoảng 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,3%, vượt mục tiêu chiến lược đề ra (35%). Năng suất lao động tăng khá nhanh, từ tốc độ tăng 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 6% giai đoạn 2016-2020.

Cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế được thực hiện quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, cơ cấu lại DN nhà nước được đẩy mạnh và thực chất hơn; cơ cấu lại đầu tư công được chú trọng, kỷ luật đầu tư công được siết lại, dần khắc phục tình trạng đầu tư công dàn trải; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống.

Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống ngân hàng đã được xử lý một bước quan trọng; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát.

Cơ cấu lại các ngành kinh tế đi vào thực chất, tiếp tục chuyển dịch tích cực và đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ tăng lên. Đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường

Có thể nhận thấy, mỗi lần đối mặt với thử thách là một lần nền kinh tế Việt Nam tự học hỏi, kiểm chứng những chính sách và cuộc sống, giữa lý luận và thực tiễn để rút ra được những bài học cho giai đoạn tiếp theo. Văn hóa học tập từ quá trình điều hành chính sách vĩ mô này giúp cho đất nước luôn tránh được sự bị động trước những tình hình mới khó lường.

TS Nguyễn Đức Kiên phân tích: Trong bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội trên bình diện quốc tế liên tục biến động, nhất là chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, không có một hệ thống giải pháp nào có tính khuôn mẫu và cứng nhắc có thể mang lại hiệu quả đối với công tác điều hành kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhận thức được đặc điểm này, Đảng và Nhà nước ta đã xác định cần có các cơ chế tốt hơn để tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc, tạo điều kiện chia sẻ những hệ lụy do cú sốc tạo ra cho nền kinh tế. Việt Nam đã chủ động xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại, tạo dựng nền tảng và dư địa cho điều hành chính sách vĩ mô, từng bước làm chủ các công nghệ sản xuất tiên tiến, cải thiện vị trí của DN và nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa các thị trường và đối tác thương mại.

Đặc biệt là trong lúc khủng hoảng toàn cầu vì đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn ký được Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn trong tương lai.

Theo TS. Trần Đình Thiên, chính sự chuẩn bị nền tảng trong giai đoạn 2016-2019 là một trong những yếu tố quan trọng giúp kinh tế Việt Nam chống chịu tốt và có được tăng trưởng dương trong “năm Covid-19”.

Trong giai đoạn này, Việt Nam đã kiên định giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho DN, nhà đầu tư và toàn xã hội. Nhiều hiệp định tự do thương mại thế hệ mới liên tục được ký kết, thể hiện tinh thần cam kết hội nhập, cải cách trong nước.

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, công tác dự báo kinh tế chưa bao giờ khó như năm 2020 và có thể tiếp tục diễn ra trong những năm tiếp theo, do “biến số Covid-19” kéo theo quá nhiều yếu tố bất định. Ngay cả kết quả dự báo của các tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới cũng khác nhau.

Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, dựa đáng kể vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, nên chịu nhiều hệ lụy cả trực tiếp và gián tiếp từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 cho thấy chúng ta vững vàng vượt qua khủng hoảng, kinh tế Việt Nam những năm gần đây đã thể hiện sức chống chịu tốt hơn rất nhiều.

Những thành tựu kinh tế vừa qua đã tạo cho Việt Nam có một vị thế mới, khẳng định nỗ lực của cả một quá trình và tạo ra sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài; củng cố thêm thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngày xuất bản: 29-01-2021

Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH

Nội dung: XUÂN BÁCH - TÔ HÀ - KHÁNH GIANG

Kỹ thuật & Đồ họa: ĐĂNG PHI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/ban-linh-va-tri-tue-viet-nam-633199/