Bán lượng cổ phiếu lớn không công bố: Phạt tới 3 tỷ đồng

Những vụ mua bán cổ phiếu khối lượng lớn không công bố, còn gọi là bán 'chui' không hề hiếm trên TTCK Việt Nam. Quy định xử lý hành vi vi phạm này có thể lên tới 3 tỷ đồng.

Sáng 11/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có văn bản khẳng định trong phiên 10/1, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Giải trình về việc này, phía ông Trịnh Văn Quyết cho biết đã ký sẵn và giao bộ phận thư ký nhưng bộ phận này “sơ suất quên không gửi công bố thông tin đăng ký bán đúng thời hạn quy định”.

Tại thời điểm giao dịch, FLC đang là cổ phiếu có thanh khoản cao, thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư ở vào thời gian gần đây. Cổ phiếu này vừa trải qua một đợt tăng mạnh kéo dài, từ mức 10.000 đồng/cp cách đây 6 tháng lên mức 23.000 đồng/cp.

Tính riêng từ đầu tháng 12, cổ phiếu này cũng đã tăng trên 60%, từ mức 14.000 đồng/cp lên mức 23.000 đồng/cp. Trong năm 2020, cổ phiếu FLC phần lớn thời gian nằm dưới ngưỡng 5.000 đồng/cp.

Thực tế tình trạng mua bán chui diễn ra khá nhiều trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngay trong những ngày đầu năm mới 2022, UBCK đã xử phạt nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm công bố thông tin trên thị trường, bán chui cổ phiếu.

Trước đó, năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã xử phạt hơn 303 vụ vi phạm công bố thông tin, làm giá, thao túng cổ phiếu… trên thị trường chứng khoán. Số tiền xử phạt thu được tăng 5,6% so với năm 2020, đạt gần 21 tỷ đồng.

Các vi phạm phổ biến nhất là báo cáo không đúng thời hạn về kết quả giao dịch, không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch, không công bố thông tin đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Một trong những vụ mua bán chui cổ phiếu gây chú ý trong năm 2021, có mức phạt lên tới gần 1 tỷ đồng. Cụ thể, tháng 7/2021, ông Trần Văn Bê - anh rể một lãnh đạo Ngân hàng VPBank bị phạt 940,35 triệu đồng vì mua bán cổ phiếu chui.

Một vi phạm khác đáng chú ý là CTCP Thaiholdings (tổ chức liên quan ông Nguyễn Đức Thụy - Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank - LPB) bị phạt vì mua bán chui cổ phiếu LPB. Cụ thể, Thaiholdings đã mua 145.600 cổ phiếu LPB vào ngày 6/5, bán 719.400 cổ phiếu LPB vào ngày 16/6 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Thaiholdings bị phạt 260 triệu đồng.

Ngoài ra, có vụ người liên quan thành viên HĐQT Công ty ELC bị phạt 80 triệu vì không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch mua và bán cổ phiếu ELC. Hay như ông Nguyễn Xuân Thủy bị phạt 70 triệu đồng cùng với lý mua “chui” cổ phiếu LPB; ông Nguyễn Vũ Hiếu cũng bị phạt 70 triệu đồng do không công bố thông tin khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng hoặc khi không còn là cổ đông lớn.

Luật chứng khoán Việt Nam quy định người nội bộ của doanh nghiệp và người có liên quan đến người nội bộ phải công bố bản đăng ký giao dịch cổ phiếu trước ngày dự kiến giao dịch tối thiểu 3 ngày làm việc.

Đây là điều cần thiết để giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn yếu thế trên thị trường, nắm được tình hình biến động cổ đông và hành động của người nội bộ trước khi sự việc diễn ra. Việc người nội bộ mua bán cổ phiếu không chỉ tác động đáng kể đến cung cầu mà còn có thể mang đến tín hiệu về triển vọng doanh nghiệp trong tương lai.

Tuy nhiên, theo quy định hiện tại, hành vi mua bán chui cổ phiếu chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính và tính theo giá trị chứng khoán theo mệnh giá, tức thường thấp hơn nhiều giá trị giao dịch thật trên thị trường. Mức xử phạt cũng chỉ 3-5% và tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Hành vi thao túng chứng khoán bị phạt từ 5 - 10 lần khoản thu trái pháp luật. Dù vậy, việc xác định được một hành vi như vậy rất khó khăn và ít được xác định trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Những hành động mua bán chui, thao túng được cho là không chỉ ảnh hưởng tới nhiều cổ đông, nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường.

Trên thực tế, bên cạnh chế tài phạt hành chính, các cơ quan chức năng có thể xử phạt bổ sung như đình chỉ một số hoạt động của người vi phạm trên TTCK trong thời hạn lên tới 1 năm hoặc buộc phải khắc phục hậu quả theo tính chất, mức độ vi phạm như theo quy định trong Nghị định 156/2020.

V. Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/nan-ban-chui-co-phieu-thu-nghin-ty-xu-phat-nhe-tay-to-khong-so-808161.html